"Đòn bẩy" phát triển và bảo tồn giá trị, bản sắc văn hóa làng nghề Thủ đô
Để tạo động lực cho làng nghề phát triển bền vững, thành phố đang triển khai xây dựng Đề án tổng thể phát triển làng nghề trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2024-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đề án được xem là "đòn bẩy", tạo điều kiện cho các làng nghề phát triển bền vững và vươn xa, gắn với bảo tồn giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa của làng nghề…
Theo thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, Hà Nội là địa phương tập trung số lượng làng nghề lớn nhất cả nước. Làng nghề đã và đang góp phần phát triển kinh tế nông thôn, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân, đồng thời là nơi chứa đựng các giá trị về văn hóa truyền thống và các di sản văn hóa khác vốn là nguồn tài nguyên vô giá để phát triển thủ công mỹ nghệ và du lịch văn hóa, vốn là 2/12 lĩnh vực cấu thành nên ngành công nghiệp văn hóa.
Nhận thức rõ ưu thế vượt trội riêng có đó, trong những năm gần đây, TP. Hà Nội rất quan tâm đến chính sách phát triển làng nghề, trong đó đặc biệt chú trọng một số chính sách về đào tạo nghề, truyền nghề, dự án hỗ trợ phát triển ngành nghề. Các chính sách hỗ trợ hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các làng nghề, giảm thiểu ô nhiễm môi trường đã và đang giúp các làng nghề trở thành những điểm du lịch hấp dẫn.
Tuy nhiên, quy mô sản xuất trong làng nghề tại Hà Nội hiện nay vẫn mang tính nhỏ lẻ, manh mún, tự phát. Hơn thế nữa, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, nhiều giá trị văn hóa của làng nghề thủ công truyền thống dần bị mai một, bí quyết nghề nghiệp bị thất truyền cùng với sự ra đi của các nghệ nhân lớn tuổi; thậm chí thực tế còn xuất hiện xu hướng thương mại hóa các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, chỉ chú trọng mục tiêu lợi nhuận, coi nhẹ các giá trị văn hóa của sản phẩm thủ công truyền thống, dẫn đến thương hiệu của làng nghề bị phai mờ hoặc bị mất hẳn...
Xác định làng nghề là điểm nhấn trong thập kỷ công nghiệp văn hóa, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, là điểm đến không thể thiếu với du khách trong nước và quốc tế khi thăm Thủ đô, TP. Hà Nội đã thí điểm phát triển 6 làng nghề gắn với du lịch, xây dựng 9 điểm giới thiệu quảng bá sản phẩm làng nghề… Thành phố cũng tập trung phát triển các cụm công nghiệp, tạo điều kiện phát triển làng nghề bền vững.
Đặc biệt, để tạo động lực cho làng nghề phát triển bền vững, thành phố đang triển khai xây dựng Đề án tổng thể phát triển làng nghề trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2024-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đề án xác định 4 mục tiêu và đề ra các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thúc đẩy các làng nghề phát triển bền vững.
Theo đó, 4 mục tiêu chính của Đề án bao gồm: phát triển kinh tế đa giá trị (trong đó thúc đẩy làng nghề phát triển gắn với du lịch văn hóa nông nghiệp, nông thôn); tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn; lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể nhằm bảo tồn giá trị truyền thống làng nghề; thực hiện hiệu quả phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương.
Một loạt các giải pháp trọng tâm được đề cập trong Đề án nhằm giải quyết bài toán liên kết vùng nguyên liệu còn đang khó khăn của Hà Nội, tiến tới kết nối vùng nguyên liệu bảo đảm nguồn cung ổn định; hoàn thiện hạ tầng cơ sở vật chất đáp ứng tổ chức sản xuất kinh doanh, phục vụ phát triển du lịch; gìn giữ và phát huy những nghề gắn với làng để làm tiền đề cho phát triển du lịch.
Đề án cũng nhấn mạnh các giải pháp về ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tạo bước đột phá, tạo ra những sản phẩm khác biệt để gia tăng giá trị sản phẩm làng nghề; huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư phát triển làng nghề. Đặc biệt, những nghề gây ô nhiễm môi trường cần phải có lộ trình di dời vào khu, cụm, điểm công nghiệp tập trung…
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế hiện nay, việc xây dựng đề án phát triển tổng thể làng nghề là đòi hỏi cấp thiết nhằm thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, bố trí lại lao động và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện.
Hiện, Sở NN&PTNT Hà Nội đang tiếp tục ghi nhận ý kiến đóng góp từ các sở, ngành, địa phương để hoàn thiện Đề án, phấn đấu cuối tháng 7, đầu tháng 8/2024 sẽ hoàn thành dự thảo Đề án trình UBND TP Hà Nội xem xét, phê duyệt.
Trao đổi về Đề án tổng thể phát triển làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2024 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội Hà Thị Vinh cho rằng, đây là nội dung có ý nghĩa quan trọng, là tin vui cho các làng nghề của Hà Nội. Tuy nhiên, cần phải chi tiết đề án, gắn với việc triển khai thực hiện cụ thể của từng cơ quan, đơn vị, tổ chức. Đối với chính quyền các cấp cần phải nắm chắc đề án để khi triển khai mới có thể hỗ trợ người dân thực hiện. Còn các sở, ban, ngành cùng tham gia hỗ trợ làng nghề thay đổi quy trình sản xuất, xúc tiến thương mại cho các làng nghề…
Huyền MyGiá xăng, dầu đồng loạt tăng từ 15h hôm nay (10/10) sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính.