Đồn Biên Phòng Hải Hòa: Nâng cao nhận thức pháp luật cho ngư dân trong khai thác hải sản
Cùng với nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc, nhiều năm qua, Đồn Biên phòng Hải Hòa, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa luôn chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai nhiều giải pháp trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân trên địa bàn. Nhờ đó, tình hình trật tự,an toàn khu vực khai thác thủy sản theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và công ước quốc tế đối với các vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, vùng biển quốc tế luôn được giữa vững, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Nỗ lực phối hợp từ nhiều phía
Những năm qua Đồn Biên phòng Hải Hòa (Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa) luôn xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo theo quy định (IUU).
Trung tá Lê Duy Lượng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Hải Hòa, cho biết: Đồn Biên phòng Hải Hòa có nhiệm vụ quản lý 23,5 km bờ biển thuộc địa bàn 9 phường của thị xã Nghi Sơn, có 559 phương tiện, tàu thuyền hoạt động trên biển với 3.354 lao động, trong đó tàu cá có chiều dài trên 15,m là 203 phương tiện với 1.218 lao động. Có hai cửa lạch là lạch Ghép và lạch Bạng; tại hai cửa lạch này thường xuyên có nhiều tàu, thuyền trên địa bàn và các địa phương lân cận ra, vào neo đậu tránh trú bão, trao đổi các dịch vụ hậu cần nghề cá. Mặc dù vậy, vẫn còn một số ngư dân không hiểu, hoặc chưa chấp hành những quy định của pháp luật về khai thác hải sản…
Trước tình trạng đánh bắt hải sản sai quy định, Đảng ủy, Ban Chỉ huy đơn vị đã chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp để hạn chế, đẩy lùi tình trạng này. Bên cạnh việc triển khai Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản có hiệu lực từ ngày 1-4-2020, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hải Hòa đã tăng cường công tác truyên truyền các quy định của pháp luật về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) cho các ngư dân, chủ tàu.
Năm 2022, đơn vị đã phối hợp với đoàn thanh niên, hội phụ nữ xuống tận các tàu, thuyền, cảng cá, nơi tập trung đông người tuyên truyền về Luật Biển Việt Nam, Luật Thủy sản,các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến IUU và các quy định khi hành nghề cá trên biển… Hằng tháng, các tổ viên được tập huấn kỹ năng an toàn trong quá trình khai thác, đánh bắt hải sản, từ đó, nắm vững và xử lý tốt các tình huống khi gặp sự cố trên biển. Các chiến sĩ còn hướng dẫn ngư dân về ranh giới hoạt động trên biển, quy định của các nước có liên quan, tác hại của việc xâm phạm vùng biển nước ngoài để đánh bắt hải sản bất hợp pháp. Đồng thời Phổ biến, hướng dẫn cho ngư dân nắm chắc các vùng biển thuộc chủ quyền, chủ quyền của Việt Nam, vùng đánh cá truyền thống; vùng biển cần chú ý khi đánh bắt và vùng biển không được đánh bắt. Vận động, khuyến kích ngư dân khai thác ở vùng biển quần đảo Trường Sa để được hưởng các lợi ích như dịch vụ hậu cần, kỹ thuật, cứu hộ, cứu nạn, khu neo đậu, tránh bão… Phổ biến cho ngư dân về Luật An toàn giao thông hàng hải sửa đổi của Trung Quốc để ngư dân có biện pháp đối phó, phòng tránh vị phạm; Quyết định số 78/QĐ-TTg ngày 16-1-2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia nhằm ngăn chăn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025; Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 9-1-2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới…
Tại các phường phụ trách, Đồn Biên phòng Hải Hòa cũng đã tổ chức được 28 buổi tuyên truyền pháp luật với hơn 900 lượt cán bộ, chiến sĩ và ngư dân tham gia; phát trên 400 tờ rơi vận động thực hiện IUU, ngăn chặn tàu cá xâm phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản bất hợp pháp không khai báo và không theo quy định cho ngư dân và các chủ phương tiện, đồng thời trao cờ Tổ quốc và ảnh Bác Hồ cho ngư dân vươn khơi, bám biển.
Nhờ làm tốt công tác nắm tình hình địa bàn, kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền, đến nay đơn vị đã phối hợp cùng các lực lượng tổ chức rà soát, làm đăng ký xuất nhập bến cho các tàu thuyền cá của ngư dân hoạt động khai thác hải sản; tổ chức cho 100% các tàu thuyền do đơn vị quản lý lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS), đảm bảo thiết bị kết nối liên tục từ khi rời cảng đi đánh bắt tới khi cặp cảng. Đối với các tàu cá cặp cảng và xuất cảng, đơn vị tập trung kiểm tra, kiểm soát các thủ tục giấy tờ, trang thiết bị đầy đủ mới cho phép ra vào cảng.
Ngoài công tác tuyên truyền, hàng tháng, Đồn Biên phòng Hải Hòa còn phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức rà soát, thống kê số lượng tàu thuyền, lao động trên địa bàn hoạt động khai thác trên biển, nhóm có nguy cơ cao vi phạm IUU để quản lý, răn đe, nhắc nhở cũng như trao đổi, thông báo và phối hợp với các cơ quan, đơn vị địa phương liên quan để theo dõi, giám sát, kịp thời áp dụng các biện pháp ngăn chặn.
Trung tá Lê Duy Lượng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Hải Hòa chia sẻ thêm: Với quyết tâm bảo vệ nguồn lợi thủy, hải sản, đảm bảo nguồn sinh kế bền vững cho ngư dân trên địa bàn, thời gian tới, đơn vị tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Đồng thời, phối hợp với các lực lượng chuyên trách tổ chức kiểm soát chặt chẽ vùng biển, kiên quyết ngăn chặn hoạt động khai thác hải sản trái phép, góp phần giữ vững an ninh, trật tự, bảo vệ chủ quyền biển, đảo… Đồng thời, Đồn Biên phòng Hải Hòa tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng cập nhật, đổi mới nội dung và đa dạng hóa hình thức tuyên truyền pháp luật, qua đó góp phần động viên ngư dân bám biển vươn khơi, nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo đảm đánh bắt an toàn, đánh bắt đúng quy định, giữ gìn an ninh trật tự trên biển, chung tay bảo vệ chủ quyền, biển đảo quê hương./.
Việt Nam nằm trong top 30 nền kinh tế xuất khẩu lớn nhất thế giới với vị trí 23. Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 354 tỷ USD hàng hóa, chiếm tỷ trọng 1,5% toàn cầu.