Đơn giản hóa thủ tục thông quan, giảm phiền hà doanh nghiệp
Chiều 24/9, Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn đã chủ trì buổi họp báo giới thiệu Đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu” nhằm mục tiêu cắt giảm chi phí, thời gian và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu.
Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn, mặc dù công tác kiểm tra chuyên ngành thời gian qua đã đạt một số kết quả, song công tác kiểm tra chuyên ngành hiện còn nhiều bất cập, hàng hóa nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chuyên ngành còn nhiều.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 31/12/2019 vẫn còn khoảng 70.000 mặt hàng còn thuộc diện điều chỉnh bởi các chính sách, quy định liên quan đến quản lý chuyên ngành và kiểm tra chuyên ngành. Trình tự, thủ tục và phương thức kiểm tra chưa thống nhất, doanh nghiệp phải thực hiện nhiều bước, làm thủ tục tại nhiều cơ quan, tổ chức. Tỉ lệ kiểm tra chuyên ngành nhiều nhưng phát hiện vi phạm rất thấp, chỉ từ 0-0,03%. Đặc biệt, vẫn còn tình trạng chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành. Chính vì vậy, cùng với các giải pháp cải cách đang được đẩy mạnh của Chính phủ, cùng với việc kết nối liên thông một cửa quốc gia, lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành cần đồng bộ.
Tổng cục Hải quan đã chủ động xây dựng Đề án: “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”. Đây là một chủ trương lớn mang tính cải cách và tiên tiến. Hiện đề án đã được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành.
Tổng Cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn nhấn mạnh: Tổng cục Hải quan sẽ phối hợp với các bộ, ngành giảm bớt thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Tổng cục sẽ áp dụng triệt để công nghệ 4.0 trong quản lý hải quan. Nếu nói về thủ tục thông quan, thời gian làm thủ tục của Việt Nam ngang bằng với các nước tiên tiến trên thế giới. Nhưng ở góc độ kết nối một cửa với các cấp, các ngành, phải cải thiện hơn để giảm bớt phiền hà cho doanh nghiệp.
Ông Cẩn cho biết, theo Đề án, nhiều thủ tục kiểm tra theo mô hình mới được đơn giản hóa nhờ nguồn thông tin, cơ sở dữ liệu của người nhập khẩu được tập trung vào một đầu mối là cơ quan hải quan.
Theo đó, khi hàng hóa đủ điều kiện được áp dụng chế độ miễn kiểm tra chất lượng hoặc kiểm tra giảm thì hệ thống điện tử hải quan tự động cập nhật, người nhập khẩu không phải làm thủ tục xin miễn giảm như hiện hành; giảm nhiều giấy tờ trùng lặp giữa hồ sơ hải quan và hồ sơ kiểm tra chất lượng.
Thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ quản lý rủi ro hơn là đi vào hình thức; quản lý về chất lượng chứ không phải đến từng lô hàng để đưa ra các chứng thư, rồi vòng vèo tìm hiểu từ doanh nghiệp để xác định tiêu chuẩn chất lượng sau đó mới đưa lên hải quan… Mọi thủ tục sẽ được cắt giảm để bớt gánh nặng cho doanh nghiệp.
Lộ trình thực hiện Đề án sẽ được chia làm 2 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Từ năm 2020 đến năm 2023 sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu trong Quý IV/2020. Trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm trong Quý II/2021 và tổ chức triển khai thực hiện Đề án; đánh giá, tổng kết việc thực hiện Đề án và đề xuất nhiệm vụ trong giai đoạn II.
Giai đoạn 2: Từ năm 2023 đến năm 2026 sẽ rà soát, sửa đổi bổ sung các Luật quản lý chuyên ngành và văn bản có liên quan, báo cáo các cấp có thẩm quyền theo hướng áp dụng các thông lệ quốc tế tốt nhất và thống nhất đầu mối kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm tại cửa khẩu là cơ quan hải quan.
Thủy TiênCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.