Xác định 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, Chính phủ sẽ dồn lực để làm sao đạt mục tiêu GDP tăng trưởng 6-6,5% và bắt đầu hành trình phục hồi, phát triển kinh tế.
Dồn lực cho hành trình phục hồi, tăng trưởng kinh tế - Ảnh 1.

Dồn lực cho hành trình phục hồi, tăng trưởng kinh tế - Ảnh 2.

Trong Nghị quyết số 01/NQ-CP mà Chính phủ vừa ban hành, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo là tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Dồn lực cho hành trình phục hồi, tăng trưởng kinh tế - Ảnh 3.

Để đạt được mục tiêu GDP 6-6,5%, kịch bản được đặt ra là GDP quý I phải đạt mức tăng trưởng 4,9-5,4%; quý II là 5,4-5,9%; 6 tháng là 5,1-5,7%; tăng trưởng GDP quý III phải đạt được 7,5-8%, đưa tăng trưởng GDP 9 tháng lên mức5,9-6,4%. Nếu theo đúng kịch bản, quý IV đạt mức tăng trưởng 6,2-6,7%, thì cả năm, tốc độ tăng trưởng - tùy mức đạt được ở từng quý ở ngưỡng thấp hay ngưỡng cao - sẽ đạt 6-6,5%.

Song, kịch bản này vẫn gặp nhiều thách thức bởi “COVID-19 tiếp tục là một ẩn số, giống như kinh tế năm 2021” như ông Lê Đình Ân, chuyên gia kinh tế nhận định với báo chí.

Bởi vậy, Nghị quyết 01/NQ-CP cũng đã xác định rõ thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng ngay từ đầu năm 2022. Nếu dịch được kiểm soát tốt, sẽ tạo cơ hội để khu vực dịch vụ phục hồi và đây là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế.

Năm 2021, khu vực dịch vụ chỉ đạt mức tăng trưởng 1,22% dù tăng trưởng của khu vực công nghiệp - xây dựng vẫn đạt 4,05%; còn của khu vực nông, lâm, thủy sản là 2,9%, và đây là một trong những nguyên nhân “kéo” tăng trưởng kinh tế của cả năm xuống mức 2,58%.

Chính vì thế, trong kịch bản điều hành kinh tế năm 2022, ngoài sự phục hồi của khu vực công nghiệp - xây dựng và nông, lâm nghiệp, thủy sản, với tốc độ tăng trưởng dự kiến là 6,1-7% và 2,5-2,8%, thì khu vực dịch vụ phải đạt mức tăng trưởng 6,8-7,2%.

Dồn lực cho hành trình phục hồi, tăng trưởng kinh tế - Ảnh 4.

Dù nông nghiệp luôn là trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế, song để nền kinh tế có thể phục hồi và bứt tốc nhanh thì phải đặt trọng tâm vào hai khu vực sản xuất và dịch vụ. Thế nên, trong Nghị quyết số 01/NQ-CP, các giải pháp trọng tâm là thúc đẩy tiêu dùng nội địa, triển khai kịp thời, hiệu quả các giải pháp tài khóa, tiền tệ thực hiện Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội để hỗ trợ phục hồi, phát triển nhanhh sản xuất - kinh doanh, nhất là trong các ngành, lĩnh vực quan trọng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng.

Dồn lực cho hành trình phục hồi, tăng trưởng kinh tế - Ảnh 5.

Nông nghiệp luôn là trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế.

Hiện tại, ngoài các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu cũng như huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công 100% trong năm 2022, thì nhiều kỳ vọng đang được đặt vào Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, với các giải pháp thúc đẩy phát triển cả phía cung và phía cầu.

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV, nhiều đại biểu quốc hội đã đóng góp ý kiến về vấn đề này.

“Cần ưu tiên tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp trong các lĩnh vực có tác động lớn, có tính lan tỏa đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau”, đại biểu Trần Chí Cường của TP. Đà Nẵng phát biểu tại nghị trường Quốc hội.

Trong khi đó, nhấn mạnh vai trò “mang tính lịch sử” của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) đề cập việc tập trung hỗ trợ các lĩnh vực hạ tầng, các ngành kinh tế cơ bản, như nông nghiệp, vì đây sẽ là “bệ đỡ” vững chắc để phục hồi kinh tế.

Dồn lực cho hành trình phục hồi, tăng trưởng kinh tế - Ảnh 6.

Trên thực tế, dù đặt trọng tâm vào một số lĩnh vực, song Chính phủ xác định rất rõ, đó là “tận dụng mọi cơ hội” để thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và duy trì động lực tăng trưởng trong dài hạn, khai thác các động lực tăng trưởng mới.

Do đó, ngoài các động lực đến từ hoạt động sản xuất, xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng, Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ cũng đã nhấn mạnh các động lực tăng trưởng mới, đến từ việc đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế thực chất, hiệu quả; phát triển thương mại điện tử, kinh tế số và các mô hình kinh doanh mới dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số…

Dồn lực cho hành trình phục hồi, tăng trưởng kinh tế - Ảnh 7.

Việc Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về giải pháp tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội với quy mô lớn chưa từng thấy, trong đó, riêng gói tài khóa lên đến 291.000 tỷ đồng (bao gồm cả tiền giảm thuế giá trị gia tăng - GTGT) có thể nói là sự lựa chọn đầy khó khăn.

Dồn lực cho hành trình phục hồi, tăng trưởng kinh tế - Ảnh 8.

Lựa chọn khó khăn bởi đây là lần đầu tiên kể từ năm 1999 (thời điểm bắt đầu áp dụng thuế GTGT) đến nay, Việt Nam mới xem xét việc giảm sắc thuế này từ 10% xuống 8% trong bối cảnh xu hướng chung của thế giới hiện nay là giảm thuế trực thu, tăng thuế gián thu. 

Để hoạt động sản xuất, kinh doanh sớm phục hồi, gói hỗ trợ tài khóa mới được thiết kế với quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Bên cạnh việc tiếp tục gia hạn tiền thuế, tiền thuê; miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, Chính phủ còn thực hiện giảm thuế GTGT dự kiến lên đến 49.400 tỷ đồng cho hầu hết sản phẩm hàng hóa, dịch vụ (trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang có lợi thế phát triển, gồm viễn thông, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, kim loại, khai khoáng, hóa chất...).

Dồn lực cho hành trình phục hồi, tăng trưởng kinh tế - Ảnh 9.

Thuế GTGT là sắc thuế gián thu, đánh vào người tiêu dùng. Việc giảm thuế GTGT sẽ gián tiếp góp phần giảm giá hàng hóa, dịch vụ trong nước, qua đó kích thích sản xuất.

Trong tất cả các sắc thuế, việc điều chỉnh thuế GTGT là khó khăn nhất, bởi không chỉ tác động ngay tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, mà còn tác động đến người tiêu dùng và các loại hàng hóa, dịch vụ. Vì vậy, việc Chính phủ trình Quốc hội thông qua gói giảm thuế GTGT năm 2022 được xem là đầu máy đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế, cùng với đầu máy kéo là các giải pháp tài chính, tiền tệ còn lại theo đúng chỉ đạo của Chính phủ trong Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế, xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022.

Đây chính là cách để Chính phủ dồn lực cho mục tiêu tăng trưởng của năm 2022, tạo nền tảng cho việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.

THỰC HIỆN: HOÀI THƯƠNG - AN MAI