Đón "sóng" doanh nghiệp Nhật rời Trung Quốc: Việt Nam làm gì để thành điểm đến lý tưởng?

Doanh nghiệp - Doanh nhân
09:00 AM 24/07/2020

Việt Nam chưa phải điểm đến lý tưởng về lâu dài cho nhà đầu tư, chuyên gia khuyến nghị cần thay đổi thể chế mạnh mẽ, thay đổi cách ưu ái phát triển của khu vực kinh tế nhà nước và tư nhân.

    Chính phủ Nhật Bản bắt đầu trả tiền cho các doanh nghiệp để chuyển các nhà máy ra khỏi Trung Quốc trở về quê nhà hoặc rời đến Đông Nam Á, trong đó Việt Nam đang là điểm đến được lựa chọn.

     
    Việc 15 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam "gây sốc" cho nhiều quốc gia lân cận.

    Chỉ DNNVV chuyển dịch dễ dàng

    TS Nguyễn Đức Thành, Cố vấn trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết, thông tin 30 doanh nghiệp Nhật Bản rời Trung Quốc theo chương trình hỗ trợ của Chính phủ nước này, trong đó, 15 doanh nghiệp cũng có cơ sở sản xuất tại Việt Nam đang được khuyến khích mở rộng tại Việt Nam là tín hiệu vui, bước đầu cho thấy Việt Nam đang đón nhận luồng vốn mới, chất lượng hơn.

    Lý giải về điều này, Cố vấn trưởng VEPR cho biết, việc doanh nghiệp rút khỏi Trung Quốc do lo ngại bất ổn chính trị ngày càng gia tăng. Điều này cũng xuất phát từ thực tế sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng do quá lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc - nơi từng được xem là công xưởng của thế giới.

    Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng thông tin, Trung Quốc đang có ý định cản trở doanh nghiệp rút khỏi nước này, bởi họ lo ngại việc hàng loạt doanh nghiệp nước ngoài rút khỏi nước này có thể gây hiệu ứng domino, phá hủy nền kinh tế nước này.

    "Trung Quốc không dễ gì để nền kinh tế bị rút ruột, hiệu ứng doanh nghiệp nước ngoài tháo chạy giống sự sụp đổ domino sẽ khiến nền kinh tế nước này chịu tổn thương sâu sắc, lao động mất việc, khủng hoảng kinh tế... Đây đều là vấn đề mà Trung Quốc phải ngăn chặn để giữ gìn cho nền kinh tế của mình", TS Nguyễn Đức Thành nói.

    Cố vấn trưởng VEPR đồng thời cho rằng, ở thời gian đầu việc dịch chuyển khỏi Trung Quốc của DNNVV sẽ dễ dàng hơn, còn quyết định của đại doanh nghiệp lại hoàn toàn khác. Do đó, chúng ta nên trông chờ vào tín hiệu thời gian tới.

    Việt Nam chưa phải điểm đến lý tưởng?

    “Bởi thực tế Việt Nam không phải là điểm đến lý tưởng, sự lựa chọn số 1 đáng mong đợi của doanh nghiệp lớn bởi chúng ta còn có nhiều đối thủ cạnh tranh như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Malaysia...", ông Thành thẳng thắn.

    Đồng quan điểm, chuyên gia Bùi Ngọc Sơn cũng cho rằng, Việt Nam có thể có cơ hội đón dòng dịch chuyển từ Trung Quốc do những ưu điểm về vị trí, tuy nhiên, chúng ta không phải điểm đến lý tưởng về lâu dài cho nhà đầu tư.

    Theo đó, ngoài yếu tố kinh tế vĩ mô ổn định, Việt Nam chưa thể cạnh tranh với các đối thủ về chi phí sản xuất, chất lượng lao động, cơ sở hạ tầng. Chuỗi cung ứng sản xuất của Việt Nam cũng còn yếu kém so với các nước trong khu vực.

    “Chúng ta cũng có hạn chế là sự hỗ trợ của lãnh đạo địa phương, bộ ngành ở các nơi khác nhau, nơi có, nơi không. Các chính sách được áp dụng tùy nghi và đặc biệt là cơ chế làm việc hành chính và tình trạng tham nhũng vẫn còn đã khiến Việt Nam mất điểm trong mắt các nhà đầu tư lớn”, TS Nguyễn Đức Thành nói.

    Do đó, vị chuyên gia nhận định, lời giải cho vấn đề nằm ở phía Việt Nam, chúng ta phải tự cải thiện chính mình, từ thể chế, vai trò lãnh đạo địa phương, đặc biệt là chuỗi cung ứng, sản xuất cần hoàn thiện hơn. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần đa dạng hơn để đáp ứng nhu cầu của các tập đoàn lớn, đa quốc gia đặt chân.

    Nói như chuyên gia Bùi Ngọc Sơn, phải thay đổi thể chế, thay đổi cách ưu ái phát triển của khu vực kinh tế nhà nước và tư nhân.

    Vị chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh phải có chiến lược thu hút đầu tư rõ ràng, các chiến lược phải được thông tin rộng rãi cho các nhà đầu tư biết môi trường kinh doanh sẽ thay đổi theo hướng nào, giáo dục được cải cách ra sao.

    “Tính đến xây dựng các đặc khu kinh tế như mô hình của Indonesia với 13 khu chiết suất đã nhanh chóng xây dựng, cùng 7 khu kinh tế đặc biệt dự định được xây dựng năm 2020. Cần phải xây dựng đặc khu kinh tế, tạo vùng lãnh thổ có thể chế luật vượt ra ngoài thể chế quốc gia, thống nhất tạo điều kiện cho nhà đầu tư phát triển, tránh tình trạng mỗi địa phương một quy định như hiện nay”, chuyên gia Bùi Ngọc Sơn đề xuất. Đồng thời lưu ý Việt Nam nên tranh thủ thu hút nhà đầu tư công nghệ cao, năng lượng sạch.

    Trước đó, như Diễn đàn doanh nghiệp đã đưa tin, Tổ chức xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (Jetro) vừa công bố danh sách 30 doanh nghiệp nước này (trên tổng số hơn 100 công ty đăng ký dự án đa dạng hoá chuỗi cung ứng) được nhận trợ cấp để chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Lào.

    Chưa rõ việc di dời này là một phần hay toàn bộ hoạt động sản xuất của họ tại Trung Quốc nhưng một nửa danh sách này là các công ty đăng ký chuyển sang Việt Nam, gồm doanh nghiệp quy mô lớn, nhỏ và vừa (SME). 

    Đa số công ty được trợ cấp để sang Việt Nam thuộc lĩnh vực sản xuất thiết bị y tế. Bên cạnh đó, có một số doanh nghiệp sản xuất liên quan đến chất bán dẫn, linh kiện điện thoại, máy điều hoà hay module điện... Trong danh sách này, Tập đoàn Hoya sản xuất linh kiện ổ cứng dự kiến di dời hoạt động sản xuất Trung Quốc sang Việt Nam và Lào.

    Theo công bố của Jetro, số tiền trợ cấp dao động 100 triệu đến 5 tỷ yen, bù đắp một phần chi phí cần thiết để mua sắm và lắp đặt máy móc, thiết bị cho việc mở rộng sản xuất.

    Ngoài 30 công ty được trợ cấp để chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á, Chính phủ Nhật Bản cũng chi ít nhất 57,5 tỷ yen (536 triệu USD) cho 57 công ty gồm hãng tư nhân sản xuất khẩu trang Iris Ohyama và Tập đoàn Sharp để chuyển hoạt động sản xuất về nước.

    Thy Hằng
    Ý kiến của bạn
    Lượng tiền gửi vào ngân hàng đạt hơn 13,76 triệu tỷ đồng Lượng tiền gửi vào ngân hàng đạt hơn 13,76 triệu tỷ đồng

    Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng lượng tiền gửi của cả dân cư và doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tại thời điểm tháng 8 vào ngân hàng thương mại đạt mức kỷ lục từ trước đến nay với hơn 13.763.230 tỷ đồng.