Đồng hành cùng dân tộc
90 năm qua, dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, ngành Tuyên giáo là một binh chủng đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng Đảng, luôn “đi trước mở đường”, có những cống hiến to lớn đối với công cuộc giành độc lập tự do cũng như xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Nhân dịp này, Báo Hànộimới trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc loạt bài viết về những đóng góp của ngành Tuyên giáo thời gian qua cũng như một số vấn đề cần quan tâm trong lĩnh vực này thời gian tới.
Đồng hành cùng dân tộc
Ngay từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam mới ra đời, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các lãnh tụ tiền bối của Đảng đã trực tiếp làm công tác tuyên truyền. Trải qua các thời kỳ cách mạng, công tác tuyên giáo luôn đi trước mở đường, sát cánh, đồng hành cùng dân tộc nhằm phát huy tinh thần yêu nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện sự nghiệp đổi mới và đạt nhiều thắng lợi.
Công tác tuyên giáo đã góp phần tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng và hành động trong toàn Đảng, toàn dân. Trong ảnh: Hội nghị Báo cáo viên Trung ương tháng 7-2020. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN
Những chặng đường vẻ vang
Ngày 1-8-1930, sau khi tài liệu của Ban Cổ động và Tuyên truyền (Đảng Cộng sản Việt Nam) về "Ngày Quốc tế đỏ 1-8" được ban hành, đã tạo tiếng vang lớn, có sức cổ vũ mạnh mẽ quần chúng cách mạng nước ta đứng lên đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, chống áp bức, bóc lột, phản đối chiến tranh xâm lược, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc. Năm 1943, Đảng đã thông qua Đề cương về văn hóa Việt Nam, xác định rõ nhiệm vụ của công tác tư tưởng trên mặt trận văn hóa, đẩy mạnh cuộc vận động đấu tranh chống thực dân Pháp, giải phóng dân tộc. Các hoạt động tuyên truyền, cổ động đã sớm đưa chủ trương, đường lối của Đảng đến cán bộ, chiến sĩ và nhân dân; góp phần quy tụ, tập hợp, khơi dậy và phát huy tinh thần yêu nước, động viên, cổ vũ mọi giai tầng xã hội tham gia cách mạng, làm nên cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, thành lập Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra kỷ nguyên mới: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Trải qua các giai đoạn lịch sử của đất nước, công tác tuyên giáo tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Qua đó đã phát huy tinh thần yêu nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới; kết hợp sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc với sức mạnh của thời đại; cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân hoàn thành tốt nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc. Nhờ đó, Việt Nam đã chiến thắng các thế lực thực dân, đế quốc và tay sai, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954; đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc…
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác tuyên giáo đã góp phần quan trọng vào việc ổn định tình hình đất nước, nhất là giúp nhân dân ta vượt qua cơn "chấn động chính trị" toàn cầu trong những năm 1989-1991, khi mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ. Tiếp theo là cuộc khủng hoảng tài chính khu vực những năm 1997-1998; cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế thế giới những năm 2008-2009 và hiện nay là đại dịch Covid-19 diễn ra trên toàn cầu, qua đó khẳng định vai trò, vị thế, uy tín của đất nước trong khu vực và trên thế giới.
Sự đóng góp của công tác tuyên giáo đã được thể hiện trên nhiều mặt, nhiều lĩnh vực nổi bật, như: Tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng và hành động trong toàn Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân để thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế; củng cố niềm tin, niềm tự hào về Đảng, về đất nước và con người Việt Nam; nâng cao uy tín và vị thế của đất nước…
Kiên định, kiên trung, kiên trì, phục vụ đắc lực sự nghiệp cách mạng
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng khẳng định, công tác tuyên giáo là một trong những công tác trọng yếu của Đảng, đóng vai trò đi trước - mở đường, đi cùng - phát triển đối với tiến trình cách mạng của Đảng và dân tộc 90 năm qua, có ý nghĩa quan trọng trong công tác xây dựng Đảng.
Những đóng góp toàn diện, quan trọng của công tác tuyên giáo đã góp phần vào quá trình đổi mới tư duy, hình thành đường lối Đổi mới của Đảng; xây dựng Cương lĩnh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tổ chức các phong trào thi đua yêu nước sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân…
Trải qua quá trình phát triển, công tác tư tưởng, lý luận ngày càng được đẩy mạnh thông qua việc tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chủ động đấu tranh phòng, chống "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch; đấu tranh phê phán, ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ... góp phần tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội.
Từ thực tế có được trong chặng đường phát triển 90 năm của ngành Tuyên giáo, đồng chí Võ Văn Thưởng đã rút ra các bài học kinh nghiệm quý giá về sự kiên định, kiên trung và kiên trì, phục vụ đắc lực sự nghiệp cách mạng trong tình hình mới. Đó là: Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đề ra chủ trương, đường lối, chính sách đúng đắn, phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước, khu vực và thế giới trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể; làm tốt công tác tuyên truyền, định hướng chính trị tư tưởng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Cùng với đó là kiên quyết phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi, khắc phục các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng...
Trên cơ sở tình hình thế giới và trong nước, cũng như yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cho rằng, thời gian tới, ngành Tuyên giáo cần tiếp tục đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, tiếp tục làm sáng tỏ hơn nữa lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Bên cạnh đó, cần nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị... nhằm tạo sự thống nhất cao trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân.
(Còn nữa)
Năm 2000, Bộ Chính trị (khóa VIII) quyết định lấy ngày 1-8 hằng năm làm Ngày truyền thống của công tác tư tưởng - văn hóa của Đảng. Năm 2007, sau khi hợp nhất Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương thành Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) quyết định lấy ngày 1-8 hằng năm làm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng.
Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.