Đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó trước đại dịch Covid-19
“Cơn địa chấn” Covid-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề trên toàn thế giới, nhiều doanh nghiệp (DN), ngành nghề phải hứng chịu những tác động tiêu cực, thậm chí là đóng cửa. Đây là lúc cần ngồi lại để đưa ra những giải pháp cấp bách tháo gỡ những khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm bảo an sinh xã hội, giúp doanh nghiệp ứng phó trước đại dịch.
Nhiều doanh nghiệp phá sản vì Covid-19
Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tác động của dịch Covid-19 với DN ở một số ngành đặc biệt lớn. Những ngành nghề chịu tác động tiêu cực theo thứ tự giảm dần phải kể đến du lịch; vận tải; dệt may, da giày; bán lẻ; giáo dục - đào tạo…
Ngành dệt may là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Ảnh minh họa
Số liệu cho thấy, 87,2% DN cho biết chịu ảnh hưởng ở mức "phần lớn" hoặc "hoàn toàn tiêu cực", chỉ 11% DN cho rằng họ "không bị ảnh hưởng gì" và chỉ gần 2% ghi nhận tác động "hoàn toàn tích cực" hoặc "phần lớn tích cực". Trong số các nhóm DN, đối tượng chịu ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn cả là các DN mới hoạt động dưới 3 năm và các DN có quy mô siêu nhỏ và nhỏ.
Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 cũng đã ảnh hưởng tới việc tiếp cận khách hàng, tiếp đến là bị ảnh hưởng về dòng tiền và nhân công của DN. Chuỗi cung ứng của nhiều DN đã bị gián đoạn. Một số DN còn bị ảnh hưởng tới các vấn đề khác như giảm đơn hàng, giảm sản lượng, phải trì hoãn, giãn tiến độ đầu tư thậm chí huỷ dự án đang hoặc sẽ thực hiện.
Các DN cũng bị phát sinh thêm chi phí phòng ngừa dịch Covid-19. Không ít DN gặp khó khăn do chuyên gia nước ngoài không thể sang Việt Nam làm việc. Nhiều DN cho hay, họ bị gián đoạn, ngưng trệ hoạt động, thậm chí dừng hoạt động do tình hình dịch và đứng trước bờ vực phá sản bởi thị trường giảm cầu đột ngột, dẫn tới giảm doanh thu cũng như vấp phải những rủi ro về thu hồi nợ, mất khả năng thanh toán.
Đặc biệt, tình hình thị trường tiêu thụ trong nước ngày càng bị thu hẹp, khi có tới trên 2/3 số doanh nghiệp cho rằng thị trường tiêu thụ trong nước giảm mạnh. Tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn do thị trường xuất khẩu thu hẹp ở mức khá cao. Các doanh nghiệp xuất khẩu có quy mô càng lớn có tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn do thị trường xuất khẩu thu hẹp càng cao.
Ông Lê Văn Quân - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ DN Hà Nội (Sở Khoa học và Đầu tư) cho biết: Tính đến hết tháng 4/2021, số DN trên địa bàn Hà Nội là 8.680 DN, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, số DN rút khỏi thị trường và giải thể tăng lên. Cụ thể, số DN giải thể là 1.145 DN (tăng 42% so với cùng kỳ năm trước), số DN tạm lùi tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.
"Điều đó cho thấy, đại dịch Covid- 19 ảnh hưởng nặng nề tới các doanh nghiệp và năm nay tiếp tục là năm khó khăn khi dịch bệnh tiếp tục bùng phát ở nước ta", ông Quân nhấn mạnh.
Cần giải pháp đồng bộ
Thời gian vừa qua, Chính phủ đã đưa ra hàng loạt các chính sách hỗ trợ tại Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020; Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/4/2020; gia hạn miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất hỗ trợ các DN, cá nhân chịu thiệt hại bởi dịch Covid-19; gói hỗ trợ tiền tệ - tín dụng… Tuy nhiên, phần lớn các chính sách chưa thực sự hiệu quả, các DN kiến nghị cần cải thiện hơn nữa hệ thống pháp luật và tháo gỡ các nút thắt về thủ tục hành chính để cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy các DN khởi nghiệp.
Theo ông Lê Văn Quân, với thực trạng "sức khoẻ" của khu vực DN và những hệ luỵ của đại dịch COVID -19 gây ra cho DN và nền kinh tế, cần khẩn trương nghiên cứu thực hiện các chính sách và giải pháp phù hợp, có quy mô tác động đủ lớn, thời gian thực hiện trong trung và dài hạn.
Cần có những giải pháp và triển khai thực hiện hỗ trợ DN tiếp cận kênh thông tin về xuất, nhập khẩu nhằm tìm kiếm thị trường mới nhập khẩu nguyên, vật liệu đầu vào, tránh phụ thuộc vào một thị trường và thị trường mới để tiêu thụ sản phẩm đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh; đồng thời hỗ trợ DN đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử, kinh tế số, kinh tế chia sẻ.
Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận kênh thông tin, đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử, kinh tế số. Ảnh minh họa
Hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua Quỹ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được nguồn lực tài chính cần thiết vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất.
Bên cạnh đó, cũng cần có giải pháp hỗ trợ giá, bù đắp chi phí vận chuyển, lưu kho tăng do cộng đồng doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên vật liệu từ các thị trường mới với các chi phí liên quan cao hơn như: giá nguyên, vật liệu cao hơn, chi phí vận chuyển cao hơn do phải chuyển chở quãng đường dài hơn. Đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp cung ứng vật tư trong nước vượt qua khó khăn, tiếp tục thực hiện vai trò nhà cung ứng nguyên liệu, hàng hoá đầu vào trong nước.
Các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch đào tạo lực lượng lao động, đặc biệt đội ngũ lao động trẻ hiện nay chiếm 28,5% lực lượng lao động, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lại, tăng cường kỹ năng cho người lao động để lực lượng lao động đáp ứng được nhu cầu lao động trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng phù hợp với những thay đổi của thế giới do đại dịch COVID-19 tạo ra.
*Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP này 19/5/2020 của Chính phủ
Trương Hưng
Xu hướng tăng lãi suất tiết kiệm tiếp tục lan rộng trong tháng 11 khi nhiều ngân hàng đẩy mạnh cạnh tranh, áp dụng mức lãi suất tiết kiệm hấp dẫn, đặc biệt dành cho các khoản tiền gửi dài hạn.