Đồng loạt kiến nghị bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô

Doanh nghiệp - Doanh nhân
03:15 PM 04/11/2020

Các chuyên gia cho rằng, việc giữ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô đã gây áp lực lớn đối với người tiêu dùng và chính doanh nghiệp ô tô.

Đồng loạt kiến nghị bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô

Sáng 3/11, các chuyên gia về ô tô đồng loạt kiến nghị cởi bỏ chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đang áp dụng đối với xe hơi và linh kiện hiện nay tại Tọa đàm Chính sách thuế và vai trò của Hải quan trong việc thúc đẩy công nghiệp ô tô Việt Nam do Báo Hải quan tổ chức.

Đồng loạt kiến nghị bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Giới chuyên gia thừa nhận nỗ lực của Chính phủ trong việc thúc đẩy phát triển ngành xe hơi hiện với dân số trẻ, thu nhập tăng lên, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô cần xem xét lại có còn phù hợp hay không?

Ông Lê Dương Quang, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương nêu ý kiến, có nghịch lý ở Việt Nam là quy mô thị trường xe hơi nhỏ bé, tiêu thụ mỗi mẫu xe thấp nên không đảm bảo có lợi để các doanh nghiệp ô tô nội địa hóa. Trong khi đó, chi phí lắp ráp, sản xuất xe trong nước đắt đỏ, linh kiện phải mua ở nước ngoài chiếm đa số.

Có nghịch lý là dù Chính phủ kêu gọi phát triển ngành xe hơi, ưu ái đối với các doanh nghiệp xe hơi, nhưng chính sách vẫn chưa đồng bộ. Thuế tiêu thụ đặc biệt vẫn áp dụng cho xe hơi, trong khi đây là loại phương tiện thiết yếu của một quốc gia đang trên đường phát triển.

"Nếu nói áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, thuốc lá để hạn chế tiêu dùng vì nguy hại cho sức khỏe còn hợp lý. Còn đối với ô tô, đây là phương tiện đi lại, giao dịch, buôn bán, chỉ căn cứ vào tắc đường, kẹt xe, thiếu hạ tầng mà áp thuế là không ổn, các tỉnh đâu có tắc đường, kẹt xe", Dân Trí dẫn lời của ông Quang.

Ông Ninh Hữu Chấn, Tổng Thư ký Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cũng đề xuất, chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt cần điều chỉnh lại sao cho phù hợp đối với các loại xe có dung tích thấp, trong nước sản xuất được. Không thể đổ lỗi cho điều kiện đường sá tắc nghẽn, cơ sở vật chất xuống cấp để hạn chế quyền sở hữu phương tiện của người dân được.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang, ngoài một số lý do khiến hàng chục năm ngành ô tô Việt Nam vẫn lẹt đẹt như quy mô nhỏ, doanh nghiệp phụ trợ ô tô Việt khó chen chân vào chuỗi liên kết sẵn có của các tập đoàn lớn, thiếu liên kết dọc, ngang và hợp tác giữa các doanh nghiệp hỗ trợ ô tô trong nước đang thiếu và yếu.

Theo ông Quang, các hãng ô tô muốn đi tìm nhà cung ứng trong nước, nhưng các doanh nghiệp cung ứng lại muốn các hãng cam kết mua linh kiện, thiết bị lâu dài, số lượng lớn để quyết định đầu tư. Điều này khá khó bởi các mẫu thiết kế luôn thay đổi và đều có quy định riêng khác nhau buộc phải chọn lựa nhiều các nhà cung ứng khác nhau để có chất lượng và giá cả tốt nhất.

Doanh nghiệp làm về công nghiệp phụ trợ cho ô tô tại Việt Nam thường xuyên phải vay lãi suất cao gấp 4 đến 5 lần so với các doanh nghiệp FDI. Chính vì vậy, chi phí trả lãi luôn lớn đối với họ và buộc họ phải tăng giá bán thiết bị, linh kiện. Việc này gây "ăn mòn" lợi nhuận và làm tăng chi phí sản xuất xe hơi tại Việt Nam.

Để phát triển ngành ô tô "đuổi kịp" Thái Lan và Indonesia, các doanh nghiệp Việt không nên chỉ nhắm vào thị trường Việt bởi nó quá nhỏ, phải hướng tới thị trường ASEAN, khu vực và toàn cầu. Chính phủ cần nhất quán trong chính sách phát triển, cho các bộ, ngành ra chính sách trúng và đúng. Không thể chỉ đưa ra các giải pháp hỗ trợ "giật gấu, vá vai" như giảm 50% phí trước bạ như thời gian qua được, ông Quang gợi ý.

Hoàng Mai
Từ khóa: ô tô
Ý kiến của bạn
Hà Nội đứng đầu cả nước về thu ngân sách Hà Nội đứng đầu cả nước về thu ngân sách

Thông tin tại hội nghị 21 Ban chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội ngày 21/1, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, tổng thu ngân sách của Hà Nội năm 2024 đạt mức 511.928 tỷ đồng, trở thành địa phương có số thu ngân sách cao nhất cả nước.