Động lực phát triển kinh tế Việt Nam 2023

Diễn đàn
03:19 PM 14/12/2022

Ngày 14/12, Hội thảo "Động lực Phát triển kinh tế Việt Nam 2023" đã được Bộ Xây dựng, Báo Xây dựng tổ chức tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn đã đưa ra nhiều giải pháp để bình ổn thị trường bất động sản, hướng tới sự phát triển lành mạnh và bền vững.

Hội thảo "Động lực phát triển kinh tế Việt Nam 2023" có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng; lãnh đạo các cục, vụ, viện liên quan thuộc Bộ Xây dựng; đại diện các bộ, ngành liên quan: Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, Hiệp hội các Doanh nghiệp FDI tại Việt Nam và các hội nghề nghiệp liên quan; đại diện các ngân hàng trong nước và nước ngoài; đại diện các tổ chức quốc tế, các tập đoàn, tổng công ty xây dựng, bất động sản, các doanh nghiệp kinh doanh các lĩnh vực khác...

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Tường Văn - Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, xây dựng là lĩnh vực quan trọng, mang tính chiến lược, có vai trò rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, là một trong những nhân tố quan trọng quyết định quy mô, trình độ kỹ thuật với nền kinh tế.

Động lực phát triển kinh tế Việt Nam 2023 - Ảnh 1.

Hội thảo "Động lực phát triển kinh tế Việt Nam 2023" thu hút hàng trăm diễn giả, chuyên gia kinh tế tham dự.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn, tháng 7/2022, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 22/7/2022 về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023, trong đó nêu rõ, năm 2023 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu hoàn thành mục tiêu của các kế hoạch 5 năm 2021-2025, góp phần triển khai các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.

Trong thời gian qua, giá trị sản xuất ngành xây dựng luôn có mức tăng trưởng cao, chiếm tỷ trọng lớn trong GDP của đất nước. Bộ Xây dựng đã có nhiều nỗ lực thực thi nhiều giải pháp, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch, quản lý đô thị. Diện mạo đô thị có nhiều thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại, cơ sở hạ tầng đô thị bước đầu đáp ứng nhu cầu sử dụng người dân, chất lượng hạ tầng đô thị được cải thiện.

Thị trường bất động sản có sự phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và năng lực của các chủ thể tham gia thị trường. Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức, đơn giá xây dựng được rà soát, hoàn thiện.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, còn có rất nhiều khó khăn, thách thức đối với lĩnh vực xây dựng. Vì vậy, Hội thảo này là nơi gặp gỡ, trao đổi, phân tích đánh giá về thực trạng, cơ hội, tiềm năng đầu tư và thách thức đối với ngành xây dựng và ngành kinh tế của đất nước.

Động lực phát triển kinh tế Việt Nam 2023 - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn phát biểu tại Hội thảo.

Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn nhìn nhận, thị trường bất động sản đang bộc lộ các hạn chế, bất cập, có những dấu hiệu chưa ổn định.

Từ các khó khăn, vướng mắc, bất cập này, Bộ Xây dựng đề xuất nhiều giải pháp để thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững.

Thứ nhất, khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo khung pháp lý để thị trường bất động sản phát triển bền vững; tăng cường quản lý thị trường bất động sản; tăng nguồn cung, nhất là tạo điều kiện thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, nhà ở cho phân khúc thu nhập thấp.

Thứ hai, rà soát, bổ sung quy hoạch, bố trí đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân theo đúng quy định, thúc đẩy tiến độ cải tạo chung cư cũ.

Thứ ba, kiểm soát, cơ cấu lại tín dụng bất động sản đảm bảo sử dụng đúng mục đích, tránh rủi ro. Đồng thời, tiếp tục tạo điều kiện cho vay đối với lĩnh vực bất động sản theo đúng quy định, ưu tiên cho vay đối với dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân được cấp phép và khởi công để tạo nguồn cung cho thị trường.

Cùng với đó, hướng dẫn thực hiện hoạt động phát hành trái phiếu, huy động vốn trên thị trường chứng khoán của các doanh nghiệp bất động sản theo đúng quy định; nghiên cứu, đề xuất các quy định về thuế đối với việc sử dụng bất động sản, hoạt động giao dịch, kinh doanh bất động sản để hạn chế tình trạng đầu cơ; nghiên cứu, rà soát, sửa đổi các quy định liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất, xác định giá đất bảo đảm thống nhất, phù hợp thực tế địa phương.

Thứ tư, khẩn trương tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng đô thị, nông thôn, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và xây dựng Chương trình phát triển nhà ở, Kế hoạch phát triển nhà ở tại các địa phương; công khai, minh bạch thông tin, danh mục, tiến độ các dự án phát triển hạ tầng, các dự án bất động sản lớn và việc sáp nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính tại địa phương.

Thứ năm, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh bất động sản; xử lý các hành vi thông tin không chính xác, gây nhiễu loạn, tác động tiêu cực đến hoạt động thị trường tài chính, tín dụng, bất động sản.

Theo Ban tổ chức, Hội thảo "Động lực phát triển kinh tế Việt Nam 2023" là dịp để các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp phân tích, nhìn nhận kết quả đã đạt được, đồng thời đưa ra các giải pháp vượt qua khó khăn, thách thức, tạo tiền đề thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội các năm tiếp theo.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học, đại diện các tập đoàn kinh tế, bất động sản đề xuất nhiều giải pháp tạo động lực phát triển kinh tế như: Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, làm cơ sở thúc đẩy tăng trưởng; tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh; hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, hạ tầng số; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao gắn với ứng dụng khoa học công nghệ...

Nhật Hà
Ý kiến của bạn