Động lực tăng trưởng của ngành thép năm 2024

Kinh doanh
02:54 PM 16/05/2024

Theo Chứng khoán Agriseco (AGR), ngành thép tiếp tục được kỳ vọng sẽ khởi sắc nhờ thị trường xây dựng sôi động hơn và nhu cầu từ xây dựng hạ tầng khi đầu tư công vẫn được đẩy mạnh triển khai trong giai đoạn tới.

Các doanh nghiệp thép đầu ngành đều đặt kế hoạch kinh doanh năm 2024 tăng trưởng mạnh trên nền thấp 2023 tuy nhiên cũng nhận định chưa bứt phá do thị trường bất động sản trong nước chưa phục hồi mạnh.

Động lực tăng trưởng của ngành thép năm 2024- Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Công Thương

Kết thúc quý I/2024, các doanh nghiệp đầu ngành thép như Tập đoàn Hòa Phát (HPG), Tập đoàn Hoa Sen (HSG), Thép Nam Kim (NKG)... đều ghi nhận kết quả tăng trưởng ấn tượng nhờ nhu cầu hồi phục từ cả thị trường nội địa và xuất khẩu.

Về triển vọng của ngành thép trong năm 2024, AGR nhận định: Nhu cầu nội địa tăng nhờ đẩy mạnh xây dựng hạ tầng và xây dựng dân dụng ấm dần. Năm 2024, dự toán chi đầu tư phát triển chiếm tỷ trọng 32,2% tổng chi NSNN, khoảng hơn 677 tỷ đồng chưa kể số dư từ năm 2023 chuyển sang. Đây là mức cao trong các năm trở lại đây.

Thị trường bất động sản được kỳ vọng bớt ảm đạm nhờ những nỗ lực tháo gỡ khó khăn của chính phủ khi trong quý IV/2023, nguồn cung bất động sản tiếp tục cải thiện, trong đó: số lượng dự án nhà ở thương mại hoàn thành tăng 38% so với quý trước, số lượng dự án được cấp phép mới là 20 dự án, tăng 33% so với cùng kỳ; số dự án hoàn thành trong quý là 29 căn, tăng 38% so với cùng kỳ.

Xuất khẩu là động lực tăng trưởng trong năm 2024. Theo hiệp hội Thép thế giới, năm 2024, nhu cầu thép toàn cầu dự kiến tăng 1,9% đạt 1.849 triệu tấn trong đó nhu cầu thép tại các thị trường xuất khẩu như Asean, Châu Âu, Mỹ dự kiến tăng lần lượt là 5,2%, 5,8% và 1,6% so với cùng kỳ nhờ nhu cầu từ xây dựng hạ tầng.

Giá nguyên vật liệu được dự báo giảm trong khi đó giá thép được dự báo hồi phục giúp cải thiện biên lợi nhuận.

Theo dự báo của World Bank, giá quặng sắt năm 2024 giảm xuống còn 108 USD/tấn, giảm 2,8% so với cùng kỳ nhờ nguồn cung quặng sắt gia tăng trên toàn cầu và thị trường bất động sản tại Trung Quốc ảm đạm và nhu cầu thép phục hồi chậm tại các quốc gia khác.

Giá than cũng được dự báo giảm 23% so với cùng kỳ xuống mức 190 USD/tấn.

Trong khi đó, giá thép được kỳ vọng đã tạo đáy và có thể phục hồi trong thời gian tới với kì vọng ngành Bất động sản phục ấm dần lên vào năm 2024 và tồn kho ngành thấp giúp biên lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành thép cải thiện

Bên cạnh các cơ hội tăng trưởng, ngành vẫn đối mặt với rủi ro cạnh tranh từ thị trường thép Trung Quốc. Theo Tổng Cục Hải quan, trong 3 tháng đầu năm 2024, giá trị nhập khẩu sắt thép của Việt Nam từ thị trường Trung Quốc là 2,9 tỷ USD, tăng 29% so với cùng kỳ. Trong đó lượng nhập khẩu đạt hơn 4 triệu tấn, tăng 49,4% so với cùng kỳ; giá nhập khẩu trung bình đạt 716 USD/tấn, giảm 13,6% so với cùng kỳ.

An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn