Đồng Nai: Cần thực hiện tốt phòng dịch khi học sinh trở lại trường học
Theo kế hoạch của UBND tỉnh, ngày 22/11, tỉnh Đồng Nai thực hiện thí điểm cho học sinh trở lại trường học. Trong đó mỗi huyện, thành phố chọn từ 1-4 cơ sở giáo dục tổ chức cho học sinh đi học trở lại. Để đảm bảo an toàn, hạn chế lây nhiễm Covid-19 trong trường học, nhà trường cần thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai BS Phan Huy Anh Vũ cho biết: Căn cứ phân loại đánh giá, xác định cấp độ dịch theo từng địa bàn cấp phường/xã, cấp quận/huyện, cấp tỉnh/thành phố để quyết định tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp đối với các cơ sở trường học cho phù hợp với tình hình kiểm soát dịch bệnh tại từng địa bàn theo nguyên tắc khu vực nào kiểm soát được dịch thì chủ động cho học sinh trở lại trường học tập theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Sở Y tế cũng đã có văn bản gửi Sở GD-ĐT, UBND các huyện, thành phố, các trường học trong tỉnh và các đơn vị liên quan về phương án đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 tại các trường học khi học sinh đi học trở lại.
Nhà trường phải đảm bảo đủ nước uống hợp vệ sinh, mỗi học sinh có 1 cốc uống nước, đồ dùng cá nhân riêng. Bố trí đủ và đảm bảo nơi rửa tay với nước sạch và xà phòng, dung dịch sát khuẩn tay, nhà vệ sinh sạch sẽ, đủ các trang thiết bị phục vụ vệ sinh trường học.
Các trường tập huấn cho cán bộ, giáo viên về công tác phòng chống dịch, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, cách phát hiện các trường hợp nghi mắc Covid-19. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, công tác y tế trường học cho học sinh, phụ huynh, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Yêu cầu học sinh, giáo viên, nhân viên tự theo dõi sức khỏe tại nhà và đeo khẩu trang trên đường đến trường; thực hiện vệ sinh, khử trùng trường học và phương tiện đưa đón theo đúng hướng dẫn của ngành Y tế. Kiện toàn bộ phận thường trực về công tác y tế trường học, bố trí phòng cách ly tạm thời.
Khi học sinh đi học trở lại, các trường học có trách nhiệm bố trí người đón và giao học sinh tại cổng trường, cha mẹ học sinh không được vào trong trường. Mở cửa thông thoáng, sử dụng quạt, hạn chế dùng điều hòa. Nhà trường hướng dẫn học sinh rửa tay, che mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi, không khạc nhổ bừa bãi, tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng, không dùng chung đồ dùng cá nhân, bỏ rác đúng nơi quy định, hạn chế tiếp xúc với các học sinh khác.
Khi có học sinh, cán bộ nhân viên ho, sốt, khó thở, cần đưa ngay đến phòng y tế để kiểm tra, theo dõi, cách ly, phối hợp với cha mẹ học sinh khai thác tiền sử tiếp xúc của học sinh, tham vấn ý kiến của y tế địa phương.
Trước khi học sinh quay trở lại học, các trường cần vệ sinh môi trường, khử khuẩn ít nhất 1 lần. Khi học sinh trở lại học, cần khử khuẩn bàn ghế, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, sàn nhà, phòng học, nhà vệ sinh… 1 lần/ngày hoặc khi cần thiết. Hạn chế tối đa sử dụng các đồ dùng không dược khử khuẩn và dùng chung.
Nói về các phương án xử lý khi trường học xuất hiện ca nhiễm, nghi nhiễm BS.CKI Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm - CDC Đồng Nai cho biết: Khi trường học xuất hiện trường hợp nghi nhiễm Covid-19, biểu hiện ít nhất 2 trong số các triệu chứng như: sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người - mệt mỏi - ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác thì thông báo cho Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch, Tổ an toàn Covid của Cơ sở giáo dục, phụ huynh học sinh. Yêu cầu người nghi nhiễm hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh, tránh tiếp xúc gần dưới 02 mét với những người khác. Thông báo cho lực lượng đã được phân công để phân luồng lối đi từ khu vực có trường hợp nghi nhiễm đến phòng cách ly tạm thời. Hướng dẫn trường hợp nghi nhiễm di chuyển theo lối đi đã được phân luồng để đến phòng cách ly tạm thời, hạn chế di chuyển bằng thang máy hoặc bố trí thang máy riêng và khử khuẩn theo quy định ngay sau khi sử dụng.
Cán bộ y tế trường học thực hiện test nhanh kháng nguyên cho người nghi nhiễm, nếu dương tính thì làm lại lần thứ 2. Nếu lần 2 cũng dương tính thì thông báo và phối hợp với Trạm y tế, Trạm y tế lưu động phụ trách địa bàn để kịp thời xử lý. Nếu âm tính, cho về nhà nghỉ ngơi, tiếp tục theo dõi các triệu chứng hoặc đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị. Không sử dụng phương tiện giao thông công cộng để di chuyển trường hợp nghi nhiễm đến cơ sở y tế.
Trong trường hợp trường học xuất hiện ca dương tính với Covid-19 (qua xét nghiệm Realtime RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên) cần phong toả tạm thời ngay một phần hoặc toàn bộ trường học tùy theo mức độ di chuyển, tiếp xúc của ca bệnh; thông báo và phối hợp với Trạm y tế, Trạm y tế lưu động phụ trách địa bàn, Trung tâm y tế để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; lập tức tách F0 và đưa F0 đi cách ly, điều trị tại nhà, tại cơ sở điều trị F0 của địa phương (tầng 1) hoặc các cơ sở điều trị Covid-19 khác (tầng 2, tầng 3) theo quy định.
Rà soát ngay để phát hiện toàn bộ học sinh, giáo viên, người lao động đang có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh trong trường học và đang ở trong cộng đồng. Tổ chức cách ly tạm thời các ca bệnh nghi ngờ tại trường học và tiến hành lấy mẫu đơn tại một khu vực riêng. Truy vết F1 triệt để tại trường học cũng như trong cộng đồng, đồng thời tiến hành cách ly theo quy định Bộ Y tế .
Tổ chức lấy mẫu xét nghiệm nhanh cho tất cả học sinh, giáo viên, người lao động của trường (Những người đang có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh và F1 thì lấy mẫu xét nghiệm đơn. Những người khác thì lấy mẫu xét nghiệm gộp 5-10). Rà soát F2, xem xét lấy mẫu xét nghiệm cho các F2 nếu F1 của họ nguy cơ dương tính cao. Hướng dẫn cho F2 về cách ly tại nhà, nơi lưu trú và chờ kết quả xét nghiệm của F1. Nếu F1 âm tính thì F2 kết thúc cách ly.
Trong khi chờ kết quả xét nghiệm: học sinh, giáo viên, người lao động đang có mặt tại trường ở nguyên tại chỗ. Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống lây nhiễm, lớp học nào ở yên lớp học đó, tự quản và thực hiện 5K. Tất cả F1 phải cách ly đủ thời gian quy định.
Về thời gian cách ly và lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp F1 như sau: Căn cứ tình hình dịch bệnh và điều kiện thực tế của từng địa phương, tổ chức cách ly tại cơ sở cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà, nơi lưu trú (nếu đủ điều kiện theo quy định) ít nhất 14 ngày kể từ ngày tiếp xúc lần cuối với ca bệnh xác định.
Khi trường học xuất hiện F1 nhà trường vẫn tiếp tục hình thức dạy học trực tiếp, riêng lớp có trường hợp F1 chuyển sang dạy học trực tuyến. Lập danh sách những người có tiếp xúc gần với F1 tiến hành lấy mẫu xét nghiệm, nếu F1 âm tính, lớp học trở lại học bình thường, nếu F1 dương tính cách ly xử lý theo quy định.
Yêu cầu đối với phòng cách ly tạm thời tại trường học có công trình vệ sinh khép kín. Cửa phòng bố trí nơi rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh để thuận tiện sử dụng. Đảm bảo thực hiện phòng chống lây nhiễm bằng việc thực hiện vệ sinh thông khí; hàng ngày lau rửa nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong phòng bằng các dung dịch sát khuẩn hoặc chất tẩy rửa thông thường, nhà vệ sinh sạch.
Đức DuyTheo các chuyên gia, khi di chuyển trên đường trong ngày mưa bão, người dân cần nhớ và tuân thủ một số lưu ý như: kiểm tra thời tiết, giảm tốc độ, giữ khoảng cách an toàn, sử dụng đèn chiếu sáng… nhằm đảm bảo an toàn, giảm thiểu rủi ro cho bản thân và những người xung quanh.