Đồng Nai: Công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội năm 2022

Địa phương
04:58 PM 30/12/2022

Chiều 29/12, Cục Thống kê tỉnh Đồng Nai tổ chức họp báo công bố tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2022. (GRDP) toàn tỉnh Đồng Nai năm 2022, ước đạt 233.979,73 tỷ đồng, tăng 9,22/% so với cùng kỳ; đứng thứ 2 khu vực Đông Nam bộ và đứng thứ 4 trên cả nước.

Về tình hình kinh tế

Ông Trần Quốc Tuấn - Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Đồng Nai cho biết: Kết quả kinh tế - xã hội năm 2022 của tỉnh đạt được những kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) toàn tỉnh Đồng Nai năm 2022 ước đạt 233.979,73 tỷ đồng, tăng 9,22% so với cùng kỳ. Trong đó lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 3,89%; Công nghiệp, xây dựng tăng 9,06%; dịch vụ tăng 13,08% và thuế sản phẩm tăng 6,26% mức tăng trưởng năm 2022 vượt mục tiêu đề ra (6,5-7%), cao hơn mức tăng của cả nước 8,02%. Đứng thứ 2 khu vực miền Đông Nam bộ và đứng thứ 4 trên cả nước.

Đồng Nai: Công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội năm 2022 - Ảnh 1.

Toàn cảnh buổi họp báo

Đầu tư phát triển

Trong 2022, tổng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn tỉnh thực hiện 105.787,9 tỷ đồng, tăng 9,71%% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước đạt 11.159 tỷ đồng, tăng 12,99%; Vốn đầu tư ngoài nhà nước đạt 48.021 tỷ đồng, tăng 13,16%; Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 46.607,5 tỷ đồng, tăng 13,24%. 

Nguyên nhân nguồn vốn đầu tư tăng là do trên địa bàn tỉnh tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, trường học, bệnh viện,… các doanh nghiệp mở rộng nhà xưởng và đầu tư sữa chữa, mua sắm tài sản cố định, đầu tư cơ sở sản xuất kinh doanh.

Thu hút đầu tư

Tổng vốn đăng ký cấp mới và dự án tăng vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) đến ngày 20/12/2022 đạt khoảng 1.141,47 triệu USD, bằng 93,6% so với cùng kỳ (năm 2021 đạt 1.219,9 triệu USD). Trong đó cấp mới 48 dự án với tổng vốn đăng ký 491,54 triệu USD, so với cùng kỳ bằng 90,6% về số dự án và tăng 27,9% về vốn đăng ký. Có 92 dự án tăng vốn với tổng vốn bổ sung 649,93 triệu USD, so với cùng kỳ bằng 84,4% số dự án và bằng 77,8% về vốn bổ sung.

Tính từ đầu năm đến ngày 15/12/2022 có 4.066 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 72,2% so cùng kỳ; có 518 doanh nghiệp giải thể và có 690 chi nhánh, địa điểm kinh doanh và văn phòng đại diện chấm dứt hoạt động; 1.200 doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh chủ yếu là do kinh doanh kém hiệu quả và thu hẹp lại mô hình sản xuất.

Đồng Nai: Công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội năm 2022 - Ảnh 2.

Ông Trần Quốc Tuấn – Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Đồng Nai, công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2022

Về tình hình xã hội

Ông Trần Quốc Tuấn - Cục Trưởng Cục Thống kê tỉnh Đồng Nai cho biết, dịch bệnh Covid-19, trong năm 2022 trên địa bàn tỉnh cũng như cả nước đã kiểm soát tốt và cơ bản được khống chế, các hoạt động văn hóa - xã hội và chính sách an sinh xã hội tiếp tục đẩy mạnh thực hiện và đạt được kết quả quan trọng, đời sống dân cư được quan tâm và cải thiện đáng kể.

Nguyên nhân tăng trưởng (GRDP) năm 2022 đạt cao hơn năm 2021, ông Trần Quốc Tuấn cho biết, năm 2021 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nên tăng thấp chỉ đạt 2,77%, qua năm 2022 tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, sản xuất công nghiệp phục hồi khá nhanh, ngay trong 6 tháng đầu năm các doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, thời tiết thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát tốt, sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định

Tại buổi họp báo, thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, ông Trần Quốc Tuấn - Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh và đại diện Sở Xây dựng cũng đã giải đáp cụ thể những nội dung mà các cơ quan báo chí đề ra. Ông Tuấn cũng đề nghị các cơ quan báo chí phối hợp chặt chẽ với ngành Thống kê trong việc thông tin tuyên truyền về tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Huỳnh Mạnh
Ý kiến của bạn
WB đề xuất lộ trình để phát triển phương tiện giao thông chạy điện tại Việt Nam WB đề xuất lộ trình để phát triển phương tiện giao thông chạy điện tại Việt Nam

Theo WB, lộ trình chuyển đổi sang xe điện ở Việt Nam cần tập trung ở 5 trụ cột: sản xuất xe điện, kích cầu tiêu dùng, phát triển hạ tầng sạc, đảm bảo nguồn cung điện, đào tạo nhân lực chất lượng cao.