Đồng Nai đặt mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp tăng 8% năm 2020
Theo Ban Chỉ đạo phát triển công nghiệp tỉnh Đồng Nai, địa phương này đã đặt ra mục tiêu tăng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh năm 2020 là từ 8% đến 9%; Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu công nghiệp trong nội bộ ngành theo hướng tập trung vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ…
Sản xuất hàng xuất khẩu trong Khu công nghiệp công nghệ cao Amata - Biên Hòa - Đồng Nai. (Ảnh: K.V)
Theo đó, công nghiệp công nghệ cao chiếm 5,5% đến 6% và công nghiệp hỗ trợ chiếm từ 21% đến 23% giá trị sản xuất công nghiệp. Đồng thời, duy trì tỷ trọng cao của các ngành công nghiệp chủ lực.
Cùng với đó, Đồng Nai đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp, đề xuất các phương án phát triển đến năm 2025, có tính đến năm 2035 nhằm tạo mặt bằng sản xuất cho doanh nghiệp.
Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, hiện tỉnh có gần 610 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ sản xuất sản phẩm đầu vào cho ngành giày dép, dệt may, điện tử, cơ khí chế tạo... Các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này trên địa bàn tỉnh có giá trị sản xuất chiếm hơn 21% tổng giá trị sản xuất của ngành công nghiệp.
Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai cho hay, ngay từ năm 2006, tỉnh đã bắt đầu thu hút đầu tư có lựa chọn kỹ, ưu tiên cho dự án công nghệ hỗ trợ, có công nghệ cao, thân thiện với môi trường.
Chính vì vậy, năm 2014, tỉnh chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu và mỗi năm xuất siêu đều tăng. Được biết, Đồng Nai là địa phương đi trước cả nước trong thu hút đầu tư có chọn lọc và ưu tiên các dự án công nghiệp hỗ trợ nên tỉnh sớm trở thành nơi cung ứng sản phẩm đầu vào lớn của cả nước và là một trong 5 tỉnh, thành xuất khẩu lớn nhất Việt Nam.
Đồng Nai cũng là nơi cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho nhiều công ty có vốn đầu tư nước ngoài trong cả nước và xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của tỉnh này chiếm hơn 50% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh./.
Theo dangcongsan
Theo WB, lộ trình chuyển đổi sang xe điện ở Việt Nam cần tập trung ở 5 trụ cột: sản xuất xe điện, kích cầu tiêu dùng, phát triển hạ tầng sạc, đảm bảo nguồn cung điện, đào tạo nhân lực chất lượng cao.