Đồng Nai: Đẩy mạnh các giải pháp quản lý chất lượng nông sản

Địa phương
06:16 AM 11/05/2024

Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai nhìn nhận, chất lượng, an toàn thực phẩm có cải thiện nhưng chưa bền vững, chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân. Đồng thời, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần được các cấp chính quyền và người dân đồng lòng thực hiện, đẩy mạnh các giải pháp nâng cao chất lượng nông sản.

Chiều ngày 9/5, Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai tổ chức hội nghị tổng kết công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, chế biến và phát triển thị trường nông - lâm - thủy sản năm 2023, và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai cho biết, trong thời gian qua, công tác quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản đã được triển khai thực hiện đồng bộ và đã đạt được một số kết quả bước đầu như: đã thống kê, kiểm tra đánh giá, phân loại các cơ sở sản xuất kinh doanh theo phân công, phân cấp của UBND tỉnh: Tỷ lệ thực phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ cung cấp các ngành từng bước được nâng cao.

Đồng Nai: Đẩy mạnh các giải pháp quản lý chất lượng nông sản- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai chia sẻ tại hội nghị.

Năm 2023, Sở NN&PTNT đã thẩm định và xác nhận sản phẩm đối với 2 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh thực hiện được 50 chuỗi kiểm soát sản phẩm an toàn với 331 điểm bày bán sản phẩm an toàn giới thiệu đến người tiêu dùng các loại sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Trên địa bàn tỉnh có gần 2,8 nghìn ha cây trồng đạt chứng nhận VietGap; về chăn nuôi có 126 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGap.

Đồng Nai: Đẩy mạnh các giải pháp quản lý chất lượng nông sản- Ảnh 2.

Các đại biểu tham dự hội nghị chia sẻ, đóng góp các ý kiến.

Công tác giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm sản phẩm nông - lâm - thủy sản được thực hiện định kỳ hàng năm.

Kết quả thực hiện năm 2023, tổng số mẫu ngành nông nghiệp đã giám sát là 962 mẫu, trong đó có 651 mẫu sản phẩm có nguồn gốc thực vật, 288 mẫu sản phẩm có nguồn gốc động vật và 23 mẫu nguồn gốc thủy sản. Kết quả kiểm nghiệm phát hiện 9/651 (chiếm 1,38%) mẫu sản phẩm thực vật vượt giới hạn cho phép về thuốc bảo vệ thực vật.

Trong năm, toàn tỉnh đã cấp 775 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm. Toàn tỉnh có hơn 24,6 ngàn cơ sở sản xuất, kinh doanh nông - lâm - thủy sản ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm...

Đồng Nai: Đẩy mạnh các giải pháp quản lý chất lượng nông sản- Ảnh 3.

Toàn cảnh hội nghị tổng kết công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, chế biến và phát triển thị trường nông - lâm - thủy sản năm 2023, và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.

Tuy nhiên, kết quả năm 2023 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: (1) Sản phẩm được kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm theo chuỗi cung ứng chưa cao; (2) Sản phẩm nông lâm thủy sản chất lượng chưa đồng đều, thiếu ổn định, tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch còn lớn; (3) Vi phạm về an toàn thực phẩm tuy giảm nhưng mức độ tinh vi, phức tạp ngày càng cao; (4) Tổ chức nhân sự các cấp còn thiếu ổn định; (5) Cơ sở vật chất, trang thiết bị, biên chế, cơ chế tài chính chưa đáp ứng đủ nhu cầu.

Đặc biệt, vừa qua trên địa bàn tỉnh xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tại TP.Long Khánh khiến hơn 550 người nhập viện.

Ông Nguyễn Trường Giang - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y tỉnh Đồng Nai cho biết, việc quản lý các cơ sở có cấp phép tương đối ổn. Nhưng Đồng Nai vẫn còn tồn tại nhiều cơ sở giết mổ, chế biến không phép. Đồng Nai là tỉnh có lợi thế chăn nuôi, là một trong những tỉnh sớm có quy hoạch giết mổ. Tổng đàn gia cầm, gia súc của Đồng Nai rất lớn, với hơn 2,1 triệu con gia súc; hơn 25,7 triệu con gia cầm.

Đồng Nai: Đẩy mạnh các giải pháp quản lý chất lượng nông sản- Ảnh 4.

Song đến nay, số lượng heo, gà đưa vào giết mổ công nghiệp nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm vẫn còn rất ít; với khoảng 2.200 con heo/ngày đêm; 40.000 con gà/ngày đêm, 200 con bò/ngày đêm.

Chia sẻ tại hội nghị, một số Trưởng phòng NN&PTNN của các huyện trong tỉnh cũng cho biết, trên địa bàn còn ghi nhận tình trạng người dân lấn chiếm lòng lề đường buôn bán thực phẩm không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, chứng nhận an toàn thực phẩm; Người dân trông rau "tối phun xịt, sáng đem đi bán"; Chưa có nhà máy giết mổ gia cầm, thủy cầm, nhiều hộ dân giết mổ không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hay chứng nhận tiêm phòng,…

Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai nhìn nhận, chất lượng, an toàn thực phẩm có cải thiện nhưng chưa bền vững, chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân. Đồng Nai chưa có nhiều nhãn hiệu, thương hiệu nông sản uy tín trên thị trường trong và ngoài nước.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai, đề nghị để công tác bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm năm 2024 đạt hiệu quả cao, Sở NN&PTNT đề nghị các đơn vị, địa phương chủ động thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm cơ sở, sản phẩm vi phạm quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm.

Các đơn vị cũng cần tăng cường công tác kết nối tiêu thụ nông sản an toàn và các sản phẩm chế biến chất lượng nhằm bảo đảm sự ổn định cung cầu, giúp tăng trưởng sản xuất ổn định.

Châu Phụng
Ý kiến của bạn
“Mở khóa” thị trường Halal: Đúc kết từ 27 năm kinh nghiệm xuất khẩu của Vinamilk “Mở khóa” thị trường Halal: Đúc kết từ 27 năm kinh nghiệm xuất khẩu của Vinamilk

Với hơn 27 năm kinh nghiệm xuất khẩu, Vinamilk là một trong số ít doanh nghiệp có nhiều lợi thế khi thị trường Halal ngày càng rộng cửa. Ngoài việc thực hành sản xuất theo đúng tiêu chuẩn Halal, đại diện Vinamilk cho biết, lời cam kết với người tiêu dùng là yếu tố tiên quyết giúp doanh nghiệp trụ vững tại nhóm thị trường này.