Đồng Nai đẩy mạnh xây dựng nhà ở xã hội
Mới đây, tỉnh Đồng Nai đã rà soát lại các dự án nhà ở xã hội (NƠXH), chuẩn bị sẵn đất để mời gọi doanh nghiệp (DN) đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người có thu nhập thấp.
Nhu cầu nhà ở rất bức thiết
Giai đoạn 2014-2020, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, đề án về NƠXH và kế hoạch sẽ thực hiện 21 ngàn căn. Tuy nhiên, đến cuối năm 2020, các dự án NƠXH mới hoàn thành được gần 3,5 ngàn căn, đạt hơn 16% kế hoạch. Do đó, nhiều NLĐ trên địa bàn tỉnh có nhu cầu về nơi ở đã không tiếp cận được để thuê, mua nhà giá rẻ.
Đồng Nai có 5 khu vực đô thị hóa nhanh, thu hút nhiều lao động đến làm việc và sinh sống là: TP.Biên Hòa, các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom và Vĩnh Cửu. Đây cũng là những khu vực có nhiều NLĐ đang cần mua NƠXH, nhưng cung quá ít không đáp ứng được cầu. NLĐ không thuê, mua được NƠXH đã phải thuê phòng nhà trọ để ở. Các phòng trọ đa số là chật hẹp, xuống cấp, thiếu không gian sinh hoạt nên khi xuất hiện một vài ca nhiễm virus SARS-CoV-2 rất dễ bùng phát thành ổ dịch và lây lan nhanh.
Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Nguyễn Hữu Nguyên cho biết: “TP.Biên Hòa hiện có khoảng 1,2 triệu người nên nhu cầu về nhà ở là rất lớn, đặc biệt NƠXH cho người có thu nhập thấp. Thành phố đang rà soát lại quy hoạch, quỹ đất để mời gọi các DN đầu tư vào dự án NƠXH và đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành các căn hộ bán, cho thuê đối với người có thu nhập thấp”.
Thời gian qua, DN đầu tư NƠXH khó tiếp cận được nguồn vốn có lãi suất thấp để đầu tư xây dựng dự án. Bên cạnh đó, các thủ tục về đầu tư lại rườm rà, phức tạp hơn nhà ở thương mại nên các DN không “mặn mà” với việc triển khai nhanh dự án.
Ông Nguyễn Thế Phong, Phó chủ tịch UBND H.Nhơn Trạch cho hay: “Nhu cầu về NƠXH trên địa bàn H.Nhơn Trạch rất lớn nhưng đến nay mới có 5 dự án hoàn thành, còn lại các dự án triển khai rất chậm. Bên cạnh đó, huyện đã có sẵn quỹ đất để mời gọi đầu tư vào NƠXH, nhưng các DN ngại thực hiện dự án NƠXH vì hồ sơ thủ tục nhiều, vốn đầu tư lớn, khó tiếp cận vốn vay ưu đãi cho cả DN lẫn người mua nhà”.
Theo quy định của Chính phủ, những dự án có diện tích đất lớn phải dành 20% quỹ đất để xây dựng NƠXH. Tại H.Nhơn Trạch có 27 dự án có diện tích đất lớn, tới đây khi chủ đầu tư hoàn thành hạ tầng .
Tăng tốc các dự án
Gần đây, trong các cuộc họp trực tuyến với các bộ, ngành và địa phương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã liên tục nhắc nhở các địa phương có đông NLĐ phải ưu tiên triển khai các dự án NƠXH để đảm bảo đời sống cho người dân có thu nhập thấp. Đặc biệt là các tỉnh, thành có đông dân cư như: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương. Trong hơn 3 tháng qua, dịch bệnh Covid-19 bùng phát và lây lan nhanh ở 3 khu vực trên là do tập trung nhiều NLĐ sinh sống trong các khu nhà trọ. NLĐ chủ yếu ở trong các khu nhà trọ chật chội nên khi xuất hiện 1-2 ca mắc Covid-19 thì rất dễ bùng phát trở thành các ổ dịch lớn.
Ở Đồng Nai, những năm qua, tỉnh đã quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng hàng chục dự án NƠXH nhưng đến nay số dự án hoàn thành rất ít. Hiện tỉnh đã đặt ra mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025 sẽ xây dựng 2,5 ngàn căn NƠXH với diện tích sàn 200 ngàn m2 và vốn đầu tư trên 2,5 ngàn tỷ đồng. Giai đoạn 2026-2030, xây dựng 3,5 ngàn căn NƠXH có diện tích sàn 280 ngàn m2 với vốn đầu tư gần 4,8 ngàn tỷ đồng.
Chủ tịch UBND TP.Long Khánh Phạm Việt Phương cho rằng, các địa phương đô thị hóa nhanh có đông dân cư sau đợt dịch Covid-19 này nên tính toán lại NƠXH cho phù hợp. Việc đầu tiên là phải rà soát, bổ sung đưa diện tích đất làm dự án NƠXH vào quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021-2030. Vị trí đất để chọn quy hoạch làm NƠXH rất quan trọng, nếu gần khu vực người dân cần, kết nối hạ tầng tốt, đầy đủ các dịch vụ đi kèm thì sẽ có rất nhiều người dân đăng ký mua. Bên cạnh đó, muốn thu hút được nhiều DN đầu tư vào NƠXH, tỉnh chú trọng đến việc đơn giản, rút ngắn thời gian giải quyết các hồ sơ. Quỹ Đầu tư phát triển nhà ở của tỉnh có nguồn vốn hơn 2 ngàn tỷ đồng nên ưu tiên cho các DN đầu tư NƠXH trên địa bàn tỉnh vay vốn và giảm bớt thủ tục để chủ đầu tư dễ tiếp cận.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, khó khăn nhất trong thực hiện các dự án NƠXH là khâu làm thủ tục đầu tư, tiếp đến là vốn vay xây dựng và người mua nhà. Thời gian qua, các DN xây dựng NƠXH hầu hết phải vay vốn với lãi suất như đầu tư các dự án nhà ở thương mại.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, tỉnh đã yêu cầu các huyện, thành phố phải xây dựng kế hoạch phát triển NƠXH cho giai đoạn 5-10 năm tới. Quỹ Đầu tư phát triển nhà ở của tỉnh tới đây sẽ ưu tiên cho vay vốn với DN thực hiện dự án NƠXH. Trong đó, tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ triển khai nhanh các dự án NƠXH tại những khu vực đang có nhu cầu lớn là TP.Biên Hòa, các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch và Trảng Bom.
Điều kiện vay vốn mua NƠXH
- Đối với vay vốn ưu đãi để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở: Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại địa phương cấp huyện nơi đăng ký hộ khẩu thường trú do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật về đất đai; Có thiết kế, có phương án tính toán giá thành, có giấy phép xây dựng đối với trường hợp yêu cầu phải có giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng. Trường hợp có giấy phép xây dựng có thời hạn theo quy định của pháp luật thì được xem xét cho vay vốn phù hợp với thời hạn được tồn tại của công trình”.
- Đối với vay vốn ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội: Có Giấy đề nghị vay vốn, trong đó có cam kết của cá nhân và các thành viên trong hộ gia đình chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức tại nơi sinh sống. NHCSXH nơi cho vay khi hướng dẫn khách hàng vay vốn để mua, thuê mua nhà ở xã hội viết Giấy đề nghị vay vốn theo mẫu số 01/NƠXH phải thực hiện cam kết tại khoản 5: “Tôi và các thành viên trong hộ gia đình cam kết chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức tại nơi sinh sống” thay cho nội dung: “Tôi và các thành viên trong hộ gia đình chưa được vay vốn ưu đãi hỗ trợ nhà ở xã hội tại các tổ chức tín dụng khác, ngân hàng khác”.
Theo các chuyên gia, để duy trì và phát huy vai trò trong chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam cần áp dụng các chính sách đồng bộ hỗ trợ doanh nghiệp nội địa kết nối với doanh nghiệp FDI, đặc biệt là nâng cấp năng lực doanh nghiệp để đáp ứng các yêu cầu của chuỗi cung ứng toàn cầu.