Đồng Nai: Dịch vụ, du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Kể từ khi có Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị và Kế hoạch 118 của Tỉnh ủy, ngành du lịch Đồng Nai đã đạt được nhiều thành tích đáng kể và có hướng phát triển phù hợp với tiềm năng của địa phương. Từ đó, Đồng Nai đã và đang xác định phát triển dịch vụ, du lịch sẽ tạo ra bước đột phá để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Kể từ khi Nghị quyết 08 của Trung ương được ban hành, tỉnh Đồng Nai đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng giao thông quốc gia qua địa bàn tỉnh; từ đó nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ được đầu tư nâng cấp, mở rộng và xây mới.
Tỉnh đã đầu tư hạ tầng du lịch, đặc biệt là các tuyến đường dẫn vào các khu du lịch vừa tạo thuận lợi cho người dân vừa tạo động lực để mời gọi, thu hút nhà đầu tư; ban hành 5 quyết định chủ trương đầu tư với tổng số vốn đầu tư 1.445 tỷ đồng. Mục tiêu đầu tư của các dự án là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khách sạn, khu đô thị du lịch. Các sản phẩm du lịch Đồng Nai từng bước được đầu tư cải tạo chất lượng dịch vụ, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch được củng cố, cơ bản đáp ứng được phần nào nhu cầu nhu cầu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng của các du khách trong, ngoài tỉnh và các chuyên gia sinh sống và làm việc tại Đồng Nai.
Đánh giá về tình hình phát triển du lịch thời gian qua, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhận định, thời gian qua, Đồng Nai có nhiều dự án phát triển du lịch được đầu tư nhưng đến nay tiến độ triển khai một số dự án còn chậm như dự án du lịch đường sông, dự án Safari…Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương cần phối hợp với doanh nghiệp, sở, ban, ngành tham mưu UBND tỉnh tiếp tục thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch, đẩy nhanh tiến độ các dự án theo kế hoạch đã đề ra.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường nhận định, từ khi có Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị và Kế hoạch 118 của Tỉnh ủy, du lịch Đồng Nai đã đạt được nhiều thành tích đáng kể và có hướng phát triển phù hợp với tiềm năng của địa phương. Đối với những tồn tại, hạn chế trong quá trình xúc tiến, các địa phương, sở, ngành cần có những biện pháp khắc phục, tạo thông thoáng cho doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận dự án. Đối với các dự án du lịch liên quan đến rừng, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu phát triển du lịch phải bảo đảm giữ nguyên diện tích rừng, không chuyển diện tích rừng sang các mục đích khác mà dựa trên cơ sở cho doanh nghiệp thuê môi trường rừng, trong đó diện tích xây dựng trong các dự án du lịch rừng phải bảo đảm theo quy định.
Thời gian tới, các cơ quan, ban ngành cần có những tham mưu, đề xuất kịp thời để lãnh đạo tỉnh xem xét, phê duyệt các dự án đưa du lịch phát triển. Đồng Nai xác định phát triển dịch vụ, du lịch sẽ tạo ra bước đột phá để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Huy động các nguồn lực thúc đẩy phát triển du lịch, đặc biệt là hệ thống hạ tầng kết nối du lịch để thu hút nhà đầu tư. Đối với du lịch sinh thái vườn cần tạo điều kiện cho người dân làm du lịch, nâng cao thu nhập, tạo giá trị cho ngành du lịch địa phương.
Giai đoạn 2017 - 2019, tốc độ tăng trưởng bình quân lượt khách đạt 12,6%, doanh thu dịch vụ du lịch đạt 15,4%. Đến năm 2019, du lịch Đồng Nai đón được 4,4 triệu lượt khách, doanh thu dịch vụ du lịch đạt 1.607 tỷ đồng nhưng do ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 nên năm 2020 du lịch Đồng Nai chỉ đón được 1,9 triệu lượt khách tham quan, lưu trú và doanh thu dịch vụ du lịch đạt 904 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia, doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng ứng phó thông qua việc nâng cao chất lượng sản phẩm, thường xuyên cập nhật thông tin về các biện pháp phòng vệ thương mại...