Đồng Nai: Đối diện nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế

Địa phương
12:15 PM 04/08/2023

Nhiều hoạt động kinh tế trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức do hiếu hụt đơn hàng, chuỗi cung ứng hàng hóa trên thị trường chậm. Tình trạng này diễn ra chủ yếu ở các ngành sản xuất chủ lực như dệt may, chế biến gỗ, sản xuất da giày, hóa chất, linh kiện điện tử…

Sáng 3/8/2023, UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức họp báo về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm 2023 và một số nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai, trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng sản phẩm quốc nội (GRDP) của tỉnh đạt hơn 115 nghìn tỉ đồng, tăng 4,01% so với cùng kỳ. Trong đó các ngành, lĩnh vực chủ yếu tiếp tục tăng trưởng gồm sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, các hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ. So với cùng kỳ năm 2022, tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn vẫn tăng nhưng tăng thấp (tăng 7,06%).

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Sơn Hùng, nhìn chung các khu vực đều có mức tăng so với cùng kỳ nhưng mức tăng trưởng của các khu vực đều thấp, đặc biệt là khu vực công nghiệp chỉ tăng 2,28%.

Kinh tế Đồng Nai còn đối diện với nhiều thách thức - Ảnh 1.

Toàn cảnh buổi họp báo sáng 3/8/2023 do UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức

Về hoạt động kinh doanh, sản xuất trên địa bàn, trong 6 tháng đầu năm các doanh nghiệp vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong việc thiếu hụt đơn hàng, chuỗi cung ứng hàng hóa trên thị trường xã hội chậm. Nhất là các ngành sản xuất chủ lực như dệt, may mặc, sản xuất da và giày da, hóa chất, sản phẩm điện tử, giường, tủ, bàn, ghế.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai, nguyên nhân là do việc kết nối tiêu thụ sản phẩm nông, công nghiệp của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn do các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại đa số có quy mô nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng, chất lượng, quy cách sản phẩm, chứng nhận an toàn thực phẩm.

Chỉ số giá bình quân 6 tháng đã tăng 2,45% so với cùng kỳ năm trước, trong đó 9 nhóm hàng hóa tăng giá. Theo khảo sát, tăng cao nhất là nhóm giáo dục (11,17%), trong khi đó có 2 nhóm chỉ số giá giảm là giao thông giảm 5,43%, bưu chính viễn thông giảm 0,38%.

Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt trên 2,66 tỉ USD. Tổng ngân sách nhà nước vào khoảng hơn 27 nghìn tỉ đồng, đạt 45% so với dự toán và bằng 78% so với cùng kỳ.

Kinh tế Đồng Nai còn đối diện với nhiều thách thức - Ảnh 2.

Lãnh đạo các sở, ngành và địa phương tham gia trả lời những vấn đề dư luận quan tâm được các cơ quan báo chí nêu ra.

Trong khi đó, các quy hoạch xây dựng, đô thị; các chương trình nhà ở xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia, dự án chống ngập và dự án đầu tư mở rộng phát triển mạng lưới đường ống cấp nước phục vụ người dân tiến độ và nội dung lập các quy hoạch, chương trình, dự án vẫn chậm so với kế hoạch đề ra…

Theo đó, để vượt qua những thách thách thức này, trong 6 tháng cuối năm bên cạnh việc tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia như Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Dầu Giây - Tân Phú, đường Vành đai 3, Vành đai 4. UBND tỉnh Đồng Nai cũng yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương chú trọng hơn nữa trong việc thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm để hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 7,5 - 8% đã đề ra.

Châu Phụng
Ý kiến của bạn
Dự kiến sức mua dịp Tết Nguyên đán 2025 có thể tăng hơn 10% Dự kiến sức mua dịp Tết Nguyên đán 2025 có thể tăng hơn 10%

Theo Bộ Công Thương, dự kiến sức mua năm nay có thể tăng trên 10% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu cũng được các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị từ rất sớm với lượng hàng dự trữ tăng từ 10-25% so với cùng kỳ.