Đồng Nai: Hỗ trợ, chia sẻ với doanh nghiệp vận tải trở lại hoạt động sau dịch

Doanh nghiệp - Doanh nhân
02:32 PM 28/05/2020

Trong thời gian tạm ngưng hoạt động trong vòng 15 ngày để phòng chống dịch Covid-19 đối với toàn bộ ô tô khách tuyến cố định, xe buýt, xe hợp đồng, xe taxi, xe du lịch và bến đò ngang, bến đò dọc trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, nhiều chủ phương tiện chịu ảnh hưởng, gặp khó khăn về mặt tài chính. Hiểu và chia sẻ nỗi khổ của doanh nghiệp, Sở GTVT Đồng Nai đang thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó để thúc đẩy kinh tế phát triển, hồi phục trở lại.

    Ông Nguyễn Phan Trong - Chánh Thanh tra giao thông Sở GTVT tỉnh Đồng Nai

    Nới lỏng kiểm tra nhưng không để xảy ra vi phạm

    Tiếp tục thực hiện công tác kiểm soát tải trọng phương tiện theo kế hoạch, Thanh tra Sở Giao thông vận tải (GTVT) Đồng Nai đã tổ chức đợt cao điểm thanh kiểm tra tải trọng của phương tiện vận tải, vận chuyển hành khách, phương tiện công cộng trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ được giao quản lý.

    Các Đội Thanh tra giao thông ở đây tăng cường công tác thanh kiểm tra tải trọng phương tiện trên các tuyến đường huyết mạch đi qua địa bàn phụ trách như Quốc lộ 1K, Quốc lộ 51, Quốc lộ 56, tuyến tránh thành phố Biên Hòa (đường Võ Nguyên Giáp), tỉnh lộ 768, tỉnh lộ 769… Trong 5 tháng đầu năm 2020 (từ ngày 2/12/2019 đến ngày 2/5/2020), Thanh tra Sở GTVT Đồng Nai đã xử lý hàng ngàn trường hợp vi phạm chở hàng quá tải trọng cho phép, tự ý thay đổi kích thước thành thùng hàng, chở hàng rời để rơi vãi gây ô nhiễm môi trường…; nộp ngân sách Nhà nước hàng tỷ đồng; hàng chục trường hợp bị tước quyền sử dụng phù hiệu hoạt động kinh doanh vận tải của phương tiện.

    Bên cạnh công tác thanh kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm với phương tiện vận tải; Thanh tra Sở tiếp tục phối hợp cùng các cơ quan chức năng, truyền thông tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về giao thông nhằm góp phần phòng ngừa, kéo giảm tai nạn, lập lại trật tự an toàn giao thông, bảo vệ cơ sở hạ tầng đường bộ trên địa bàn. Đặc biệt là trong thời gian tạm ngưng hoạt động trong vòng 15 ngày để phòng chống dịch Covid-19 với toàn bộ ô tô khách tuyến cố định, xe buýt, xe hợp đồng, xe taxi, xe du lịch và bến đò ngang, bến đò dọc trên địa bàn tỉnh, nếu trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị lực lượng chức năng nhắc nhở, xử lý ngay khi phát hiện nhằm tạo sự răn đe, giúp giảm thiểu tối đa nguy cơ lây lan do dịch bệnh gây ra.

    Chánh Thanh tra giao thông Sở GTVT Nguyễn Phan Trong cho biết, trong thời gian dịch bệnh xảy ra, nhiều loại hình phương tiện phải tạm ngưng hoạt động, Thanh tra giao thông đã phối hợp với các lực lượng chức năng khác tổ chức trực tại các chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trên các tuyến quốc lộ đoạn qua địa bàn tỉnh nhằm kiểm soát việc di chuyển từ các tỉnh, thành khác đến Đồng Nai; hạn chế tối đa việc di chuyển từ các tỉnh, thành qua Đồng Nai; dừng việc di chuyển từ vùng có dịch đến Đồng Nai. Ngoài ra, sau khi các phương tiện vận tải hành khách quay trở lại hoạt động sau dịch Covid-19, để hỗ trợ, tạo điều kiện cho những doanh nghiệp kinh doanh vận tải, Thanh tra giao thông đã giảm thiểu nhiều đợt kiểm tra để thuận tiện cho doanh nghiệp hoạt động, tuy nhiên vẫn đảm bảo trật tự giao thông, không để tình trạng vi phạm xảy ra.

    Ông Lê Văn Đức - Trưởng phòng Vận tải, phương tiện Sở GTVT tỉnh Đồng Nai.

    Hỗ trợ doanh nghiệp vận tải hành khách vượt khó
    ​ Ông Lê Văn Đức - Trưởng phòng vận tải, phương tiện Sở GTVT cho biết: Sau hơn 20 ngày tạm dừng hoạt động nhằm phòng dịch Covid-19, từ ngày 23/4, Sở GTVT ra thông báo về việc cho phép các tuyến xe cố định nội tỉnh, xe buýt nội tỉnh, xe taxi được hoạt động trở lại. Đến ngày 13/5, Sở GTVT quyết định vận tải hành khách chính thức hoạt động bình thường như trước, các xe đã hoạt động nhộn nhịp trở lại. Tuy nhiên, hầu hết các xe đều ít người đi, thậm chí có những chuyến xe buýt trống hành khách ở cả hai chiều đi và về.

    Đồng Nai có 23 tuyến xe buýt với 425 phương tiện thực hiện hơn 1,6 ngàn chuyến/ngày với sản lượng vận chuyển đạt 40 ngàn lượt khách/ngày. Tuyến vận tải hành khách cố định có 149 tuyến đi và đến 30 tỉnh, thành trong cả nước. Riêng đối với loại hình vận tải hành khách theo hình thức hợp đồng, du lịch chiếm số lượng phương tiện lớn với 5,4 ngàn xe được cấp phù hiệu hoạt động.

    Trước đó, từ ngày 30/3, Sở GTVT đã tạm dừng hoạt động kinh doanh vận tải xe hợp đồng, xe du lịch trên 9 chỗ để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 lây lan, một số trường hợp đặc biệt vẫn được phép hoạt động như: xe công vụ; xe cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu; xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở vật liệu sản xuất. Những trường hợp này phải đáp ứng yêu cầu: khử trùng xe trước và sau khi đón trả khách; không vận chuyển quá 50% sức chứa và quá 20 khách mỗi chuyến. Lái xe, tiếp viên và hành khách phải đeo khẩu trang, khai báo y tế.

    Sau khi thực hiện các quy định về cách ly xã hội thì phần lớn xe của đơn vị phải dừng hoạt động. Tuy nhiên sau khi được phép hoạt động trở lại, nhiều xe vẫn phải dừng chạy hay chạy cầm chừng vì nhu cầu đi lại của người dân chưa cao và tâm lý e ngại dịch bệnh. Trong đó, ngoài xe hợp đồng chở công nhân vẫn diễn ra bình thường thì xe buýt, xe chở khách du lịch đều giảm mạnh khiến doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn về tài chính.

    Theo thông tin từ Sở GTVT, trong quý I/2020, vận chuyển hành khách đạt 7,46 triệu lượt hành khách, giảm 45,5% so với cùng kỳ năm 2019 và đạt 13,6% so với kế hoạch năm 2020. Cụ thể, vận chuyển khách theo hợp đồng du lịch giảm 75-80%; vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt giảm 60-70%; vận chuyển khách bằng taxi, tuyến cố định giảm 30-35%; vận chuyển đưa đón công nhân vẫn thực hiện bình thường.

    Để đối phó với những khó khăn trước mắt và từng bước khôi phục lại trạng thái kinh doanh, Sở GTVT đã có nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp như kiến nghị cơ quan chức năng, đặc biệt là ngân hàng thực hiện việc giảm lãi suất, thuế cho doanh nghiệp vận tải. Riêng các doanh nghiệp vận tải đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp cắt giảm các chi phí không cần thiết nhằm khắc phục khó khăn trước mắt và để giữ chân người lao động. Nhiều HTX, doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách phải tính toán, thay đổi từ phương tiện lớn sang phương tiện nhỏ để giảm mức tiêu hao nhiên liệu.

    Đồng thời thực hiện theo khuyến cáo của cơ quan chức năng để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh. Tiến hành sát khuẩn toàn bộ xe, ghế ngồi trên xe trước và sau khi chở khách. Trong quá trình vận chuyển, hành khách lên xe phải đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, đo thân nhiệt và khai báo y tế… Công ty cũng có chính sách giảm giá tiền thuê xe dịch vụ để kích cầu bảo đảm hoàn thành kế hoạch kinh doanh.
     

    Châu Phụng - Bá Vương
    Ý kiến của bạn