Đồng Nai: Kiến nghị thành lập Ban Quản lý dự án Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
Chiều 14/7, tại Tỉnh ủy Đồng Nai, Đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng làm Trưởng đoàn đã dự hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết 53-NQ/TW ngày 29/8/2005, Kết luận số 27-KL/TW ngày 2/8/2012 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010 định hướng đến năm 2020.
Nhiều chuyển biến tích cực
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng đã báo cáo tóm tắt tổng kết thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW ngày 29/8/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về "phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm an quốc phòng an ninh vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020" và Kết luận số 27-KL/TW ngày 02/8/2012 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW.
Theo đó, tỉnh Đồng Nai có diện tích 5.897,8 km2, chiếm 1,9% diện tích cả nước; dân số trên 3 triệu người, chiếm khoảng 3,2% dân số cả nước. Tỉnh Đồng Nai có 11 đơn vị hành chính cấp huyện, 170 đơn vị cấp xã, trong đó thành phố Biên Hòa là trung tâm hành chính của tỉnh.
Đồng Nai liền kề Thành phố Hồ Chí Minh, cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh khoảng một giờ đi ô tô, là một tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam Việt Nam, khu vực có hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển và thuộc vùng kinh tế năng động nhất Việt Nam.
Tỉnh ủy Đồng Nai chỉ đạo Ban cán sự Đảng UBND tỉnh cụ thể hóa các nội dung Nghị quyết 53-NQ/TW, Kết luận 27-KL/TW của Bộ Chính trị vào hồ sơ Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Theo đó, UBND tỉnh đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 734/QĐ-TTg ngày 27/5/2015 Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Tỉnh ủy Đồng Nai đã chỉ đạo, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển vùng Đông nam bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong đó có tỉnh Đồng Nai.
Về kết quả thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết 53-NQ/TW, trong đó đáng chú ý về phát triển kinh tế của địa phương giai đoạn 2005-2020, kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển ở tất cả các lĩnh vực. Việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, khuyến khích khởi nghiệp đã mang lại kết quả quan trọng cho sự phát triển kinh tế theo đúng định hướng Nghị quyết.
Đồng Nai có tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân mỗi năm trong 15 năm (2005 đến nay) tăng 10,22% (giai đoạn 2006-2010 tốc độ tăng bình quân 13,55%/năm. Cơ cấu ngành kinh tế chuyển dịch tích cực, tăng tỷ trọng GRDP ngành công nghiệp - xây dựng, ngành dịch vụ và giảm ngành nông lâm nghiệp (đến năm 2020 tỷ trọng GRDP ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 58,89%, ngành dịch vụ chiếm 22,38%, ngành nông lâm nghiệp chiếm 10,92%, Thuế sản phẩm 7,81%). GRDP bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 115,25 triệu đồng/người, tương đương khoảng trên 5.010 USD, tăng gấp 2,27 lần so với GRDP bình quân đầu người giai đoạn 2001-2005.
Bên cạnh đó, môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, cạnh tranh minh bạch, bình đẳng hơn, tạo điều kiện thúc đẩy các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài: Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 41.468 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh trên hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia với tổng vốn đăng ký khoảng 341.520 tỷ đồng.
Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) phát triển mạnh với nhiều dự án được cấp mới và bổ sung tăng vốn thuộc các tập đoàn lớn (từ Hàn Quốc, Đài Loan - Trung Quốc, Nhật Bản...). Tính đến nay, tỉnh có 1.070 dự án đầu tư trong nước còn hiệu lực với số vốn 303.391 tỷ đồng; số dự án FDI còn hiệu lực là 1.552 dự án với số vốn là 32,53 tỷ USD.
Thực hiện đường lối đổi mới, hạ tầng giao thông Đồng Nai bắt đầu có nhiều bước chuyển biến tích cực, các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ đã được nâng cấp, cải tạo kịp thời, phong trào xã hội hóa giao thông nông thôn được triển khai sâu, rộng, hiệu quả đã góp phần tích cực làm thay đổi diện mạo nông thôn, từng bước xóa bỏ khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.
Với quyết tâm đột phá trong phát triển hạ tầng giao thông, tỉnh chủ động phối hợp với các Bộ ngành Trung ương đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trong quy hoạch phát triển vùng như: Dự án cầu Đồng Nai mới, dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, dự án mở rộng Quốc lộ 51, dự án mở rộng Quốc lộ 1A đoạn Phan Thiết - Đồng Nai, dự án đầu tư mở rộng Quốc lộ 20, dự án Quốc lộ 1 đoạn tránh thành phố Biên Hòa.
Ngoài ra, hiện nay tỉnh đang tích cực hỗ trợ các đơn vị triển khai dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, mở rộng cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, dự án đường Vành đai 3 đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch, dự án đường Vành đai 4, hệ thống cảng biển nhóm 5.
Riêng đối với dự án sân bay quốc tế Long Thành, tỉnh đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư để hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng phục vụ dự án.
Hạ tầng chưa theo kịp phát triển
Về cơ chế và chính sách liên kết, hợp tác khai thác tiềm năng vùng, theo UBND tỉnh Đồng Nai, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có đóng góp lớn nhất về phát triển kinh tế xã hội của cả nước. Các địa phương trong vùng có nguồn thu lớn nhưng nhà nước cũng điều tiết rất lớn về Trung ương để giải quyết những vấn đề chung cả nước.
Cùng với sự gia tăng nhanh chóng dân số cơ học, các địa phương trong vùng đều gặp khó khăn về đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại và giải quyết an sinh xã hội, đặc biệt là chăm lo đời sống, giáo dục, y tế, văn hóa do lực lượng lao động và người dân nhập cư sống trên địa bàn. Điều này làm cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của tỉnh và của vùng chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, thậm chí phát triển chậm hơn các vùng khác.
Về cơ chế phối hợp liên vùng, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết chưa có cơ chế đặc thù mà đều căn cứ vào các quy định pháp luật chung. Thực chất thời gian qua các địa phương điều hành thực hiện theo chức năng nhiệm vụ trong phạm vi địa bàn của mình. Việc phối hợp giữa các địa phương trong vùng đạt hiệu quả chủ yếu là sự hợp tác liên kết phát triển song phương giữa các địa phương.
Tại hội nghị, tỉnh Đồng Nai đã chia sẻ với Đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về những bài học kinh nghiệm, cụ thể đó là hợp tác liên kết vùng là điều kiện quan trọng để phát triển bền vững. Cần xác định mục tiêu, các vấn đề trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện và bối cảnh phát triển của vùng; thống nhất và xác định lộ trình khả thi, phân công, phân nhiệm rõ ràng cho từng bộ, ngành, địa phương để phối hợp thực hiện có hiệu quả.
Phải có những cơ chế chính sách đặc thù cho Vùng trong phân bổ nguồn lực ngân sách nhà nước và thu hút nguồn vốn xã hội hóa đầu tư cho những công trình trọng điểm, có sức lan tỏa, làm nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững. Lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao là động lực phát triển của vùng.
Sự đồng thuận, đoàn kết, thống nhất của các cấp, các ngành và người dân, chính quyền, tính chủ động trong xử lý tình huống của các cấp đóng vai trò quan trọng đối với sự thành công trong việc thực thi các chính sách phát triển kinh tế xã hội.
Tỉnh Đồng Nai cũng kiến nghị với Đoàn công tác về việc cần thiết phải thành lập Ban Quản lý dự án vùng, nguồn kinh phí các án từ Trung ương và địa phương đóng góp. Trung ương cho Đồng Nai quyền báo cáo với HĐND tỉnh về kế hoạch sử dụng đất của tỉnh, các bộ ngành tích cực hỗ trợ tỉnh về các vấn đề liên quan đến dự án sân bay Long Thành, các dự án khu công nghiệp, kết nối cầu Cát Lái với TP.HCM và một số vấn đề liên quan khác.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Đồng Nai trong thực hiện Nghị quyết 53-NQ/TW ngày 29/8/2005, Kết luận số 27-KL/TW ngày 2/8/2012 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010 định hướng đến năm 2020.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của tỉnh Đồng Nai, cũng như một số vướng mắc về pháp luật liên quan đến liên kết vùng. Đoàn công tác đề nghị tỉnh hoàn thiện các báo cáo, đề xuất chính sách cụ thể để Đồng Nai thể hiện được tốt vai trò của địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Huỳnh Mạnh - Mạc HiểnSáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.