Đồng Nai luôn chào đón nhà đầu tư, kết nối thương mại dịch vụ
Đồng Nai luôn cầu thị và sẵn sàng chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để đón tiếp các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào tỉnh. Đó là cam kết của Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh.
Sáng 23/11, Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư lĩnh vực thương mại dịch vụ, logistics tỉnh Đồng Nai và khai thác lợi thế khu vực quanh bây bay Long Thành 2023.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho biết, ngay từ trước năm 1975 tỉnh đã có khu công nghiệp cũng như những lợi thế về mặt địa lý đem lại khiến cho Đồng Nai trở thành một trong những tỉnh phát triển lớn nhất vùng Đông Nam Bộ. Các ngành thương mại dịch vụ logistic, khách sạn, nhà hàng của tỉnh trong thời gian qua có sự phát triển bền vững. Ngoài ra sau khi sân bay Long Thành hoàn thành xây dựng và đi vào hoạt động sẽ là sân bay lớn nhất cả nước tạo nên 1 cú hích lớn đối với hàng loạt lĩnh vực như công nghiệp, logistics, thương mại dịch vụ và đô thị cùng phát triển.
Theo đại diện Sở Kế hoạch - Đầu tư Đồng Nai cho biết hiện nay địa phương có hệ thống giao thông thuận tiện bao gồm 24 đường tỉnh, 233 tuyến đường huyện, Quốc lộ 1A, 1K, 20, 51, 56, đường sắt Bắc Nam, hệ thống đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết (thuộc tuyến cao tốc Bắc Nam). Như vậy sẽ giúp rút ngắn thời gian lưu thông từ các tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về Đồng Nai. Đặc biệt Đồng Nai còn có mạng lưới các tuyến nhánh, phục vụ tương đối đầy đủ nhu cầu vận chuyển của người dân.
Hiện nay tỉnh Đồng Nai đang phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ các tuyến đường giao thông huyết mạch, có vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phát triển công nghiệp và đô thị của tỉnh cũng như kết nối hệ thống giao thông quốc gia và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, như dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường Vành đai 3 TP.HCM, đường cao tốc Dầu Giây - Đà Lạt, đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, Vành đai 4.
Đặc biệt dự án sân bay Long Thành với diện tích 5000ha, quy mô vận chuyển 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa dự kiến đi vào khai thác năm 2026 và sân bay Biên Hòa (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch là sân bay lưỡng dụng) đang được các ngành đẩy mạnh công tác triển khai đầu tư.
Cũng tại Hội nghị cũng đã ghi nhận sự quan tâm đến từ các hiệp hội và doanh nghiệp trong và ngoài nước. Cụ thể ông Park Sung Jin, Trưởng Văn phòng đại diện tỉnh Gyeonam( Hàn Quốc) cũng đề nghị lãnh đạo tỉnh Đồng Nai tiếp tục quan tâm đến các doanh nghiệp Hàn Quốc nói chung và tỉnh Gyeonam nói riêng trong việc xúc tiến đầu tư. Ngoài ra, đại diện của DH Logistic Property cho biết đơn vị rất quan tâm đến 7 vùng Logistics xung quanh sân bay và tiến độ trong việc xây dựng hạ tầng để kết nối đến các vùng này.
Kết luận tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết tỉnh luôn hoan nghênh và mong muốn chào đón làn sóng đầu tư, doanh nghiệp nhất là các tập đoàn, công ty lớn trong lĩnh vực thương mại dịch vụ tham gia đầu tư vào Đồng Nai. Mục đích để tạo được chuyển biến trong chuyển đổi cơ cấu ngành thương mại dịch vụ, đạt được mục tiêu đề ra của tỉnh Đồng Nai.
Ngoài ra ông Lĩnh đề nghị, Hiệp hội, các tập đoàn, doanh nghiệp tiếp tục đồng hành cùng tỉnh Đồng Nai với mục tiêu "lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ" tiếp tục đóng góp hoàn thiện cho quy hoạch tỉnh. Mục đích nhằm phát triển thương mại dịch vụ logistics xứng tầm với vị trí của một tỉnh công nghiệp, có sân bay quốc tế Long Thành hiện đại và một sân bay lưỡng dụng cùng với hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ.
Châu Phụng“Với hạ tầng, hệ sinh thái du lịch hoàn thiện và khả năng tiếp cận thuận tiện, Phú Quốc có thể trở thành địa điểm tổ chức các sự kiện tầm cỡ thế giới như APEC. Phú Quốc đang ở giai đoạn vàng để phát triển toàn diện”, Phó Chủ tịch thường trực Hội Lữ hành G7 đánh giá.