Đồng Nai: Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai nhiệm vụ năm 2023
Chiều 5/1, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị tổng kết kế hoạch công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023. Tham dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Võ Văn Phi; Giám đốc Sở NN&PTNT, Cao Tiến Sỹ; cùng đại diện sở, ngành địa phương và các doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNN Ngành nông nghiệp triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2022 trong bối cảnh thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Về thuận lợi, Chính phủ đã ban hành kịp thời các chính sách về hỗ trợ phục hồi kinh tế, các hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu thụ nông sản đang dần được khôi phục hoàn toàn, dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi được kiểm soát tốt, mùa khô không xảy ra tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, cháy rừng ảnh hưởng đến sản xuất. Đặc biệt sản phẩm sầu riêng, chuối của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, là cơ hội lớn để mở rộng thị trường tiêu thụ cho nông sản chủ lực của tỉnh.
Bên cạnh đó ngành phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là ảnh hưởng của hậu đại dịch Covid-19 và tác động của sự bất ổn kinh tế, lạm phát tăng cao, chính trị thế giới do xung đột giữa Nga – Ukraine đã làm giá vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng cao, hoạt động xuất khẩu một số mặt hàng nông sản chế biến, đặc biệt là đồ gỗ sang thị trường EU, Mỹ gặp nhiều khó khăn, giá cả các mặt hàng nông sản thiếu ổn định ảnh hưởng đến tâm lý, khả năng tái sản xuất của người dân, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được kiểm soát tốt và có xu hướng giảm, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan, bùng phát ở mức cao, đặc biệt một số bệnh nguy hiểm như Cúm gia cầm, LMLM, Dịch tả lợn châu phi; bên cạnh đó, biến đổi khí hậu, thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp khó lường.
Với sự nổ lưc của toàn ngành, GRDP nông lâm thủy sản năm 2022 ước đạt 22,7 ngàn tỷ đồng, tăng 3,86% cao nhất trong 5 năm gần đây, cao hơn bình quân chung cả nước và các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ, đóng góp 9,28% giá trị trong tổng GRDP toàn tỉnh. Tỷ lệ che phủ rừng 28,7%, góp phần ổn định tỷ lệ che phủ cây xanh 52%. Có 04 chỉ tiêu vượt mục tiêu nghị quyết, giá trị sản phẩm trên ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản ước đạt 142 triệu đồng/ha (tăng 4% so với năm 2021). Một số huyện như Tân Phú, Định Quán, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc đã đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý nên hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp đạt ở mức cao.
Trong năm 2022, số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (31 xã), nông thôn mới kiểu mẫu (13 xã, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch theo quy chuẩn (82,65%).
Về chăn nuôi phát triển ổn định, chăn nuôi tiếp tục phát triển theo hướng công nghiệp, hiện đại, tổng đàn các đối tượng vật nuôi chủ lực tiếp tục đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ, hiện đàn heo khoảng 2,5 triệu con, tăng 4,6%, đàn gia cầm khoảng 26 triệu con, tăng 4,16%. Công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật ra vào tỉnh được kiểm soát chặt chẽ, góp phần đảm bảo nguồn cung thực phẩm an toàn trước và trong dịp Tết Nguyên đán 2023.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Võ Văn Phi, ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực phấn đấu cũng như những thành tích nổi bật mà toàn ngành NN&PTNT đã đạt được trong năm 2022. Tuy nhiên công tác tuyên truyền chưa thực sự được lan tỏa rộng rãi, nội dung tuyền truyền còn dàn trải, chưa mang tính trọng tâm, hình thức tuyên truyền chậm đổi mới để phù hợp với địa bàn, đối tượng, tính thuyết phục, nhận thức của người dân và doanh nghiệp chưa chuyển mạnh từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, từ sản xuất truyền thống sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
Một số chính sách được ban hành, nhưng triển khai còn khó khăn, các điểm nghẽn chậm khơi thông, do đó chưa trở thành động lực cho sự phát triển. Công tác phối hợp giữa các ngành chưa thực sự tốt, nhất là chủ động nắm bắt khó khăn của doanh nghiệp, người dân để kịp thời xử lý, một số địa phương trong chỉ đạo còn có lúc có nơi chưa kiên quyết và còn có tình trạng chạy theo thành tích, nhất là việc thành lập hợp tác xã, hình thành chuỗi liên kết, chỉ tiêu sử dụng nước sạch nông thôn để phục vụ tiêu chí nông thôn mới.
Mục tiêu triển khai kế hoạch năm 2023, Giải quyết những khó khăn, vướng mắc, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch năm 2023, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Ngoài những giải pháp được đề xuất tại báo cáo của ngành, đề nghị các ngành, địa phương cần tập trung phối hợp triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Tiếp tục tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi trong giá trị sản xuất nông nghiệp. Chăn nuôi theo hướng trang trại quy mô lớn, ưu tiên các dự án đầu tư ứng dụng công nghê cao trong xử lý chất thải, dự án sản xuất giống, dự án nuôi gia cầm đẻ trứng và các dự án đầu tư gắn với sơ chế, chế biến sản phẩm.
Các ngành, địa phương tích cực hỗ trợ, đồng hành cũng doanh nghiệp, nông dân thông qua các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, chuyển sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, hướng đến sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu, đảm bảo quy chuẩn hướng đến xuất khẩu, trong đó, chú trọng hình thức liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Huỳnh Mạnh - Trọng NhânGiá xăng đồng loạt giảm từ 15h hôm nay (26/12), sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính.