Đồng Nai: Phát hiện hơn 1 tấn khẩu trang tái chế chuẩn bị tiêu thụ
Công an TP Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai phối hợp với lực lượng chức năng bất ngờ kiểm tra nhà ông Nguyễn Đăng Giang tại tổ 31, khu phố 7, phường Long Bình, TP Biên Hoà thu giữ hơn 237 ngàn chiếc khẩu trang tái chế chuẩn bị đưa ra thị trường tiêu thụ.
Theo đó, vào khoảng 10h30 ngày 22/8, công an phường Long Bình phối hợp Đội QLTT số 2 (Cục QLTT Đồng Nai) cùng Đội Cảnh sát kinh tế (Công an TP Biên Hoà) bất ngờ kiểm tra, phát hiện cơ sở tái chế khẩu trang y tế quy mô lớn do ông Nguyễn Đăng Giang (49 tuổi) làm chủ.
Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở trên đang tái chế số lượng lớn khẩu trang y tế các loại, gồm 29 bao tải khẩu trang y tế đã qua tái chế và 54 bao tải được tái chế xong, chất thành đống trong nhà chuẩn bị tiêu thụ. Qua thống kê tổng số lượng hơn 237 ngàn chiếc với trọng lượng hơn 1 tấn.

Lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện số lượng lớn khẩu trang tái chế chuẩn bị đưa ra thị trường
Tại thời điểm kiểm tra chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn, chứng từ liên quan tới số khẩu trang nói trên. Ông Giang khai nhận thu mua khẩu trang phế liệu tại nhiều cơ sở ở TP Hồ Chí Minh với giá 1.500 đồng/kg, sau đó ông Giang đưa về Đồng Nai thuê người dân địa phương và công nhân đang sống tại khu nhà trọ, tẩy rữa, giặt ủi và nối vá lại dây đeo. Đóng thành từng túi cho vào bao tải đưa về các tỉnh Tây Nam Bộ bán với giá 8.500 đồng/kg.
Theo lực lượng chức năng khẩu trang y tế do cơ sở này tái chế có nguồn gốc từ phế liệu, của các cơ sở khác loại bỏ, thậm chí có cả khẩu trang đã qua sử dụng. khẩu trang này không đảm bảo chất lượng, nếu sử dụng sẽ rất nguy hiểm và khả năng lây bệnh cao.
Hiện tại cơ quan chức năng đã tiến hành tịch thu, niêm phong, toàn bộ số khẩu trang trên. Công an TP Biên Hòa đang tiếp tục điều tra, xử lý vụ việc theo quy định.
Theo Luật gia Nguyễn Đức Hải – Trung tâm Tư vấn Pháp luật TP. Hồ Chí Minh – Hội Phổ biến và Tham vấn Pháp luật Việt Nam: Hành vi này không những cần lên án, chỉ trích mà cần xử lý nghiêm để làm gương cho những kẻ chỉ vì hám lợi trước mắt mà bất chấp đến sức khoẻ, thậm chí là tính mạng con người.
Theo đó, nếu tổ chức, cá nhân biết rõ loại khẩu trang này đã qua sử dụng, không đảm bảo chất lượng an toàn mà bán cho người khác thì tùy vào hành vi cụ thể, người vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội mua bán hàng giả hoặc Lừa dối người tiêu dùng.
Trường hợp các cơ sở bán khẩu trang đã qua sử dụng hoặc kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái mà trị giá tài sản bán ra từ 30 triệu đồng trở lên thì người bị vi phạm có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán hàng giả.
Ngoài ra người vi phạm còn có thể bị xử lý hình sự về tội lừa dối người tiêu dùng (nếu hành vi lừa dối khách hàng từ 5 triệu trở lên).
Đối với hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo Điều 240 BLHS, đây là loại tội phạm có cấu thành vật chất nên buộc phải có hậu quả làm cho người khác bị lây bệnh. Do vậy, cơ quan điều tra cần giám định số khẩu trang có chứa dịch bệnh hay không?
Huỳnh Mạnh - Lai Võ
Trước biến động của giá dầu thế giới, các doanh nghiệp đầu mối dự báo, trong kỳ điều hành ngày mai (27/3), giá xăng có thể tăng khoảng 350-400 đồng/lít, còn giá dầu diesel tăng ít hơn.