Đồng Nai: Phát triển kinh tế xã hội, đời sống vật chất cho người dân qua mô hình “dân vận khéo”
Đồng Nai hiện có khoảng 3,2 triệu dân, với đặc thù đông dân tộc, đa tôn giáo, đông công nhân lao động, vì vậy, công tác dân vận luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở quan tâm làm tốt.
Theo Ban Dân vận Tỉnh ủy, thực hiện Chỉ thị 30-CT/TW ngày 14/2/2015 của Ban TVTU về thực hiện phong trào thi đua "dân vận khéo", cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể các cấp quan tâm, lãnh đạo và tổ chức thực hiện khá hiệu quả. Quá trình thực hiện gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện quy chế dân chủ. Kết quả 5 năm qua, toàn tỉnh có 11.890 mô hình "dân vận khéo" đăng ký. Trong đó, có 7.672 tập thể và 6.296 điển hình cá nhân "dân vận khéo" trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Ban Dân vận Tỉnh ủy cho hay, phần lớn các mô hình đăng ký đã thành công, thu được nhiều kết quả quan trọng. Nhiều địa phương đã xây dựng được các mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế ở cơ sở. Qua đó, góp phần phấn tích cực vào phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Với phương châm hướng mạnh về cơ sở, nhất là những vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo. Trong những đợt làm công tác dân vận, vai trò "Dân vận khéo" tiếp tục được Ban Dân vận tỉnh ủy phát huy. Điều này thể hiện rõ ở không chỉ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang tham gia mà cả người dân cũng tham gia, mỗi người mỗi việc tùy vào hoàn cảnh, điều kiện của mình để cùng "chung tay làm dân vận".
"Dân vận khéo" trong những chuyến công tác dân vận ở chỗ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang đã lồng ghép tuyên truyền, vận động để người dân nhận thức rõ hoạt động dân vận là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Trong những đợt làm công tác dân vận, mặc dù chính quyền các địa phương đều bố trí nơi ăn, ở chu đáo cho các lực lượng tham gia nhưng người dân vẫn mời cán bộ, chiến sĩ ở tại nhà họ. Tình đoàn kết quân - dân, cán bộ - nhân dân tiếp tục được phát huy, khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố và thắt chặt, góp phần phát huy và khẳng định hiệu quả rõ nét của phong trào "Dân vận khéo".
Cũng từ những mô hình "Dân vận khéo", lợi ích của người dân và cộng đồng xã hội được nâng lên. Thành quả công tác dân vận là những tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp, những căn nhà khang trang được xây dựng, những đoạn kênh mương nội đồng được nạo vét và hàng ngàn lượt người dân được khám sức khỏe, cấp thuốc miễn phí. Tất cả đều vì lợi ích của nhân dân. Điều này thể hiện rõ trong mức tăng trưởng kinh tế, thu nhập bình quân đầu người, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của tỉnh luôn cao hơn so với bình quân cả nước. Đồng Nai được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cấp bằng ghi công hoàn thành xây nhà đại đoàn kết, xóa nhà dột nát cho người nghèo. Đồng thời là tỉnh đầu tiên hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới; là mô hình kiểu mẫu trong đoàn kết quân - dân, đoàn kết lương - giáo, huy động sức mạnh toàn dân vào mục tiêu phát triển.
Những năm tiếp theo, để phong trào thi đua "Dân vận khéo" tiếp tục phát huy hiệu quả, xây dựng được nhiều mô hình hay, điển hình tốt có sức lan tỏa trong tất cả các lĩnh vực, công tác dân vận và phong trào thi đua "Dân vận khéo" tập trung thực hiện những nội dung trọng tâm như: Tiếp tục nâng cao nhận thức về công tác dân vận, phong trào thi đua "Dân vận khéo" nhằm tạo chuyển biến thực chất trong quan hệ giữa Đảng với nhân dân. Xác định phong trào "Dân vận khéo" là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị các cấp trong tỉnh; tăng cường tuyên truyền, định hướng phong trào gắn với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị.
Đức Duy (t/h)Bộ Tài chính trình Chính phủ hỗ trợ tỉnh Lào Cai 150 tỷ đồng và tỉnh Yên Bái 30 tỷ đồng để hỗ trợ khẩn cấp cho 2 tỉnh khắc phục hậu quả do bão số 3.