Đồng Nai: Thành lập Trung tâm Vi mạch bán dẫn
Trung tâm Vi mạch bán dẫn được thành lập tại tỉnh Đồng Nai là thỏa thuận hợp tác giữa Công ty Cổ phần Giáo dục quốc tế SUN EDU (viết tắt - SUN EDU) và Trường Đại học Lạc Hồng.
Ngày 22/1, SUN EDU và Trường Đại học Hồng Lạc ký kết thỏa thuận hợp tác (MOU) thành lập Trung tâm Vi mạch bán dẫn (VMBD) tại Đồng Nai.
Đến dự và chứng kiến lễ ký kết, có ông Nguyễn Hồng Lĩnh - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai; ông Nguyễn Sơn Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai; ông Viên Hồng Tiến - Chánh Văn phòng Tỉnh ủy; ông Nguyễn Anh Thi - Trưởng BQL Khu Công nghệ cao TP.HCM; đại diện lãnh đạo SUN EDU, Ban Giám hiệu Trường Đại học Lạc Hồng và các sở, ngành liên quan.
Sau khi thành lập, Trung tâm VMBD tỉnh Đồng Nai tập trung phát triển các chương trình đào tạo tiên tiến, cung cấp không chỉ kiến thức lý thuyết mà còn kỹ năng thực hành cho sinh viên, từ đó nâng cao năng lực và chuẩn bị cho sinh viên trở thành những chuyên gia chất lượng cao trong lĩnh vực điện tử và VMBD.
Bên cạnh đó, trong việc hợp tác còn có chương trình đào tạo kỹ sư vi mạch tại Trường Đại học Lạc Hồng. Chương trình này được thiết kế một cách toàn diện, đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe từ thị trường lao động và ngành công nghiệp, giúp sinh viên có được kiến thức sâu rộng và kỹ năng cần thiết để thành công trong sự nghiệp về sau.
Hai bên cũng cam kết hỗ trợ nghiên cứu và phát triển công nghệ trong lĩnh vực VMBD thông qua việc tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động nghiên cứu, dự án đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ. Qua đó, mong muốn góp phần thúc đẩy sự tiến bộ của ngành công nghiệp điện tử và VMBD, cũng như phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ.
Phát biểu tại lễ ký kết giữa SUN EDU với Trường đại học Lạc Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Sơn Hùng khẳng định, sự phát triển dựa vào khoa học công nghệ, trong đó có ngành công nghiệp VMBD là yêu cầu khách quan, cũng là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu của Việt Nam nói chung và tỉnh Đồng Nai nói riêng.
Để phát triển ngành công nghệ VMBD, tỉnh Đồng Nai đã và đang tích cực, tập trung phát triển hạ tầng bao gồm: hạ tầng cứng và hạ tầng mềm; hạ tầng công nghệ và hạ tầng xã hội; tập trung thu hút, chuyển giao khoa học công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực; xây dựng cơ chế chính sách phát triển ngành VMBD…
Về phát triển nguồn nhân lực, ông Nguyễn Sơn Hùng cho rằng cần diễn ra nhanh và toàn diện từ nghiên cứu cơ bản đến đội ngũ quản lý, giảng dạy, đào tạo và thực hành, liên kết sâu rộng với nguồn lực hỗ trợ từ đội ngũ chuyên gia trong nước và quốc tế.
"Như PGS.TS Nguyễn Anh Thi - Trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM đã phát biểu, ngành công nghệ VMBD là hạt nhân của ngành công nghiệp điện tử. Đây là ngành kinh tế có quy mô hàng tỷ USD, thế nhưng hiện đang đối mặt với sự thiếu hụt nguồn nhân lực trầm trọng, nhu cầu nguồn nhân lực đối với ngành công nghệ VMBD tăng vọt trong thời gian gần đây. Do đó, để hiện thực hóa thành công chiến lược bán dẫn thì yếu tố quyết định chính là nguồn nhân lực và ở đây đòi hỏi vai trò của các trường đại học. Trong đó, có Trường Đại học Lạc Hồng, là đơn vị đào tạo của Đồng Nai đang tiên phong triển khai phối hợp SUN EDU nghiên cứu thành lập Trung tâm VMBD", ông Nguyễn Hùng Sơn nói.
Ông Nguyễn Hùng Sơn cũng kỳ vọng Trung tâm VMBD của Trường ĐH Lạc Hồng sẽ là nơi tập hợp các chuyên gia, giảng viên nòng cốt, hạt nhân có chất lượng cao để tiếp tục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của tỉnh, đáp ứng nhu cầu thiếu nhân lực ngày càng cao đối với lĩnh vực này, cũng như góp phần hiện thực hoá mục tiêu 50.000 kỹ sư vào năm 2030 của Chính phủ cho ngành VMBD. Đồng thời, hướng đến tham gia, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái bán dẫn và tạo thêm động lực, sức hút mới để tăng cường thu hút đầu tư công nghệ cao tại Đồng Nai và khu vực.
Ông Nguyễn Hùng Sơn cũng đề nghị, ngoài khoá học thiết kế VMBD, thời gian tới Trường Đại học Lạc Hồng cần tiếp tục triển khai những khóa đào tạo khác để nâng cao kỹ năng trong các mảng công nghệ khác liên quan đến công nghiệp 4.0 như: internet vạn vật, sản xuất thông minh, chuyển đổi số trong doanh nghiệp, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn… để hoàn thiện hệ sinh thái đào tạo trong lĩnh vực công nghệ cao.
"Về phía UBND tỉnh, sẵn sàng tạo điều kiện về cơ sở vật chất, cũng như điều kiện về đầu tư để triển khai đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh Đồng Nai. Tỉnh sẽ xem xét hỗ trợ đầu tư hạ tầng hiện đại nhất cho các trường đại học, kết hợp doanh nghiệp đào tạo nhân lực để nắm vững cả chuỗi giá trị của công nghiệp VMBD vì đây là đầu tư cho phát triển, cho tương lai. Qua đây, tôi yêu cầu các đồng chí lãnh đạo các sở, ngành liên quan, các doanh nghiệp có mặt trong buổi lễ hôm nay hỗ trợ, tạo điều kiện cho Trường Đại học Lạc Hồng triển khai các nội dung như đã đề cập, nhằm xây dựng tỉnh Đồng Nai phát triển ngành VMBD trong vùng kinh tế động lực công nghiệp công nghệ thông tin", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn hùng Sơn khẳng định.
Về SUN EDU và Trường Đại học Lạc Hồng
SUN EDU là một trong những đơn vị đào tạo tiên phong trong lĩnh vực điện tử và VMBD, chuyên cung cấp các giải pháp đào tạo chất lượng cao và dịch vụ tư vấn cho các trường đại học, tổ chức giáo dục.
Trước đó SUN EDU đã hợp tác thành công với Trung tâm Đào tạo thuộc BQL Khu Công nghệ cao TP.HCM để thành lập Trung tâm Điện tử và VMBD khánh thành vào ngày 6/9/2023, và với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thành lập Trung tâm thiết kế VMBD khánh thành ngày 28/10/2023 tại NIC Hòa Lạc (TP Hà Nội) và một số trung tâm đào tạo VMBD tại các tỉnh thành khác.
Còn Trường Đại Học Lạc Hồng vào ngày 24/9/1997 được Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký quyết định 790/TTg chính thức cho ra đời Trường Đại học Dân lập Lạc Hồng đặt tại TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai). Trải qua 27 năm hình thành và phát triển, trường có 27 ngành học, là cơ sở giáo dục đa ngành, đa cấp học; gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực kỹ thuật công nghệ, kinh tế và xã hội nhân văn, đáp ứng nhu cầu xã hội, cung cấp nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.