Đồng rúp Nga tăng vọt trước thời hạn thanh toán khí gas bằng rúp có hiệu lực, USD và vàng cũng tăng mạnh, Bitcoin lao dốc
USD đảo chiều tăng trở lại do các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine hầu như không có tiến triển khiến nhu cầu đối với loại tiền trú ẩn an toàn lại tăng lên, giữa bối cảnh cú sốc năng lượng do chiến tranh đang gây áp lực lên nền kinh tế Châu Âu. Rúp Nga tiếp tục mạnh lên sau khi ông Putin tuyên bố từ 1/4 khách nước ngoài phải thanh toán khí đốt bằng rúp.
Đầu tuần này, thị trường dấy lên hy vọng các cuộc đàm phán hòa bình sẽ dẫn đến một lệnh ngừng bắn ở Ukraine 5 tuần sau khi Nga mở "Chiến dịch đặc biệt" ở nước này. Tuy nhiên, niềm hy vọng đó đang vơi dần. Các cuộc đàm phán hòa bình vẫn tiếp diễn vào thứ Sáu (1/4).
Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – lúc kết thúc tháng 3 tăng 0,445% lên 98,264.
Do thu hút dòng tiền chảy vào nơi trú ẩn an toàn khi Nga và Ukraine xảy ra xung đột, đồng USD đã tăng khoảng 1,6% trong tháng 3.
Các loại tiền tệ liên quan đến hàng hóa, chẳng hạn như đô la Australia và đô la New Zealand, đều giảm trong phiên vừa qua, theo đó AUD giảm 0,22% xuống 0,7495 USD, trong khi NZD giảm 0,6% xuống 0,6937 USD.
Crown Na Uy cũng giảm do giá dầu giảm và Ngân hàng trung ương nước này cho biết họ sẽ mua ngoại tệ trong tháng 4. Theo đó, Na Uy có kế hoạch đổi 2 tỷ Crown (231,9 triệu USD) mỗi ngày sang ngoại tệ. Số tiền này sẽ được quỹ đầu tư ra nước ngoài, vốn đã lớn nhất thế giới với tài sản 1,3 nghìn tỷ USD.
Đồng euro phiên 31/3 giảm 0,63% xuống 1,1088 USD, sau khi có lúc chạm mức cao nhất kể từ ngày 1/3, là 1,1184 USD do dữ liệu lạm phát tăng mạnh.
Nhà kinh tế trưởng Philip Lane của Ngân hàng Trung ương châu Âu hôm 31/3 cho biết lạm phát ở khu vực đồng euro ngày càng có khả năng ổn định khoảng 2% nhưng ECB nên sẵn sàng thay đổi hướng đi nếu triển vọng xấu đi do cuộc chiến ở Ukraine.
Antje Praefcke, nhà phân tích ngoại hối tại ngân hàng Commerzbank nói rằng: "Cho đến khi không còn nguy cơ khủng hoảng năng lượng và những ảnh hưởng đáng kể về mặt kinh tế do khủng hoảng ở Ukraine, ECB có thể sẽ ngần ngại đưa ra cam kết rõ ràng" về những hành động chống lại lạm phát.
"Và kết quả là, cũng sẽ phải mất một thời gian nữa đồng euro mới có thể tăng giá một cách bền vững", bà nói thêm.
Đáng chú ý, đồng rúp Nga tiếp tục tăng, phiên 31/3 tăng 5,26% so với USD lên 80,00 RUB.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ông đã ký sắc lệnh yêu cầu khách hàng nước ngoài phải trả bằng đồng rúp cho khí đốt của Nga bắt đầu từ thứ Sáu (1/4). Động thái này đã làm tăng giá trị tiền tệ của Nga - vốn đã giảm xuống mức thấp lịch sử sau khi nước này thực hiện chiến dịch quân sự ở Ukraine, nhưng sau đó đã hồi phục.
Dự trữ vàng và ngoại tệ của Nga giảm xuống còn 604,4 tỷ USD tính tới ngày 25/3, mức thấp nhất kể từ tháng 8/2021, từ mức 643,2 tỷ USD trước khi xảy ra xung đột ở Ukraine.
"Các yếu tố chính đằng sau sự sụt giảm dự trữ là các biện pháp can thiệp bằng ngoại tệ, tái cấp vốn bằng ngoại tệ cũng như việc đánh giá lại các tài sản bằng ngoại tệ", ngân hàng trung ương Nga cho biết.
Khoảng 300 tỷ USD dự trữ của Nga đã bị đóng băng do các lệnh trừng phạt mới nhất của phương Tây.
Nhân dân tệ Trung Quốc hồi phục trong phiên cuối tháng, có lúc đạt mức cao nhất trong vòng 2 tuần so với USD, được hỗ trợ bởi niềm hy vọng rằng cuộc chiến ở Ukraine có thể đang bước vào giai đoạn giảm leo thang. Tuy nhiên, thị trường vẫn trong trạng thái lo ngại về tình trạng gián đoạn các hoạt động ở Trung Quốc do Covid-19.
Một cuộc khảo sát chính thức cho thấy hoạt động của khu vực nhà máy và dịch vụ nước này đã bị thu hẹp trong tháng 3, là lần giảm đầu tiên kể từ đỉnh điểm bùng phát Covid-19, vào đầu năm 2020.
Trên thị trường giao ngay, đồng nhân dân tệ nội địa kết thúc ngày 31/3 ở mức 6,3495 giảm 10 pips so với lúc đóng cửa phiên liền trước.
Hầu hết các tiền tệ châu Á khác mạnh lên trong phiên này khi giá dầu thô giảm làm bớt đi lo ngại về lạm phát, mặc dù rupee Ấn Độ và peso Philippines quý I giảm giá do bất ổn địa chính trị.
Kết thúc phiên 31/3, peso Philippines tăng 0,4%, trong khi đồng rupee tăng 0,2%, song tính chung quý I rupee giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2020.
Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin duy trì quanh mức 47.000 – 47.500 USD trong gần suốt phiên 31/3, nhưng đột ngột lao dốc mất khoảng 2.000 USD vào cuối ngày sau thông tin các nhà lập pháp Liên minh châu Âu muốn ra quy định mọi sàn tiền số phải lưu và báo thông tin về tất cả giao dịch của người dùng.
Theo đó, ngày 31/3, hai ủy ban trong Nghị viện châu Âu đã loại bỏ yêu cầu giao dịch tiền kỹ thuật số chỉ cần tối thiểu cần năm trường thông tin, nghĩa là tất cả các dịch sẽ cần được ghi nhận thông tin người thực hiện.
Giá Bitcoin ngày 31/3.
Giá vàng tăng trong phiên vừa qua, và tính chung cả quý I tăng mạnh nhất kể từ giữa năm 2020 do lo ngại giá tiêu dùng tăng vọt và cuộc khủng hoảng Ukraine, làm tăng sức hấp dẫn của vàng như một nơi trú ẩn an toàn.
Theo đó, giá vàng giao ngay lúc kết thúc ngày 31/3 theo giờ Việt Nam tăng 0,4% lên 1.940,95 USD/ounce, tính chung cả tháng 3 giá tăng khoảng 1,7%. Giá vàng kỳ hạn tương lai phiên này cũng tăng 0,4% lên 1.946,90 USD.
"Tình hình địa chính trị đã kéo dài một tháng nay và dữ liệu lạm phát tiếp tục tăng. Vì vậy, tâm lý chung trên thị trường này lúc này là mọi người đang tìm kiếm sự an toàn", chiến lược gia thị trường cấp cao của RJO Futures, Bob Haberkorn cho biết. Vàng được coi là một khoản đầu tư an toàn trong thời kỳ bất ổn chính trị và tài chính.
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk
Vũ Ngọc DiệpKhông khí Tết len lỏi khắp mọi nẻo đường lên “nóc nhà Đông Dương”, Fansipan (Sa Pa) khoác lên tấm áo xuân rực rỡ sẵn sàng chào đón du khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.