Đồng Tháp: Hội quán Đất Sen hồng - Hành trình đồng hành cùng phát triển

Địa phương
10:32 AM 19/11/2023

Tối 18/11, tại Quảng trường Công viên Văn Miếu, TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp long trọng tổ chức khai mạc Ngày hội Hội quán lần thứ I năm 2023 với chủ đề "Ngày hội Hội quán Đất Sen hồng - Hành trình đồng hành cùng phát triển". Tham dự khai mạc có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan.

Từ khi được thành lập, mô hình Hội quán đã đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đặt nền móng cho sự thay đổi bền vững nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Các Hội quán đều xây dựng quy chế sinh hoạt định kỳ mỗi tháng ít nhất một lần (tuỳ theo quy chế của mỗi Hội quán); việc tổ chức sinh hoạt cơ bản đúng theo lệ kỳ. 

Các đại biểu tham dự khai mạc Ngày hội Hội quán lần thứ I năm 2023 với chủ đề "Ngày hội Hội quán Đất Sen hồng - Hành trình đồng hành cùng phát triển".

Các đại biểu tham dự khai mạc Ngày hội Hội quán lần thứ I năm 2023 với chủ đề "Ngày hội Hội quán Đất Sen hồng - Hành trình đồng hành cùng phát triển".

Trải qua hành trình 7 năm, với sự quan tâm tạo điều kiện của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, Ban, Ngành Trung ương cùng nhiều địa phương đến tham quan, tìm hiểu thực tế, góp ý cho sự phát triển chung, đến nay hội quán thật sự đã mang đến những kết quả tích cực, ngày càng phát huy rõ nét vai trò người dân trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Sau 7 năm, Đồng Tháp có 145 Hội quán với gần 8.000 thành viên

Phát biểu khai mạc Ngày hội Hội quán, ông Lê Thành Công - Trưởng ban Dân vận Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh Đồng Tháp cho biết, xuất phát từ chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Đồng Tháp về phát huy vai trò của người dân tham gia thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh. 

Từ những trăn trở của Lãnh đạo tỉnh mong muốn xây dựng các mô hình phát huy tinh thần tự chủ, tự quản của người dân, thay đổi nhận thức trong sản xuất, liên kết, hợp tác, tự bàn bạc giải quyết công việc của chính địa phương mình, khắc phục tình trạng trông chờ vào Nhà nước. Ông Lê Minh Hoan, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khi đó là Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp đã khởi xướng và thành lập mô hình Hội quán trên địa bàn tỉnh.

Văn nghệ chào mừng Ngày hội Hội quán lần thứ I năm 2023.

Văn nghệ chào mừng Ngày hội Hội quán lần thứ I năm 2023.

"Canh Tân Hội quán" được ra đời, là Hội quán đầu tiên trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp được thành lập vào ngày 3/7/2016 tại xã An Nhơn, huyện Châu Thành với 105 thành viên, đây là thiết chế mở tự nguyện của cộng đồng dân cư.

Vừa triển khai thực tiễn - vừa bảo đảm củng cố lý luận, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ giao Ban Dân vận Tỉnh uỷ theo dõi, nghiên cứu, tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về mô hình Hội quán trên địa bàn tỉnh. Tại Hội nghị lần 47 ngày 18/11/2019, sau khi xem xét Báo cáo của Ban Dân vận Tỉnh uỷ về kết quả nghiên cứu Đề tài "Tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về mô hình Hội quán", Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Kết luận số 243-KL/TU ngày 03/12/2019 về hoạt động mô hình Hội quán trên địa bàn tỉnh, mô hình Hội quán trở thành chủ trương triển khai thực hiện chung trong toàn tỉnh và giao cho Uỷ ban MTTQ tỉnh theo dõi, hướng dẫn và hỗ trợ hoạt động hội quán.

Ngày hội Hội quán Đất Sen Hồng là dịp để các thành viên Hội quán gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm nhìn lại những kết quả đã đạt được và tiếp tục hành trình phát triển trong tương lai.

Ngày hội Hội quán Đất Sen Hồng là dịp để các thành viên Hội quán gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm nhìn lại những kết quả đã đạt được và tiếp tục hành trình phát triển trong tương lai.

Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh Đồng Tháp đánh giá, sau hơn 7 năm từ 01 Hội quán đã tăng lên 145 Hội quán, từ 105 thành viên đến nay đã gần 8.000 thành viên, có mặt hầu hết các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh; hoạt động đều trên các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp - nông thôn và nhiều lĩnh vực khác. 

Ông Lê Thành Công cho rằng, thành phần tham gia Hội quán khá đa dạng, gồm cán bộ đương chức, nghỉ hưu; đảng viên, đoàn viên, hội viên của các tổ chức chính trị - xã hội; các doanh nghiệp, nhà khoa học, chức sắc, chức việc các tôn giáo, văn nghệ sĩ. Bên cạnh những Hội quán nông dân còn có Hội quán doanh nhân, Hội quán làm du lịch, Hội quán văn nghệ sĩ...; từ những Hội quán trong ấp, trong xã đã mở ra Hội quán liên xã, liên huyện, liên tỉnh. Dù ở những địa bàn khác nhau, với tên gọi khác nhau nhưng cùng hướng đến mục tiêu phát huy tinh thần cộng đồng và vai trò tự chủ, tự quản của người dân.

Ông Lê Thành Công - Trưởng ban Dân vận Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh Đồng Tháp phát biểu khai mạc Ngày hội Hội quán lần thứ I năm 2023.

Ông Lê Thành Công - Trưởng ban Dân vận Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh Đồng Tháp phát biểu khai mạc Ngày hội Hội quán lần thứ I năm 2023.

Ông Lê Thành Công cho biết thêm, Đồng Tháp vinh dự được chia sẻ kinh nghiệm mô hình hội quán với nhiều tỉnh, thành phố và được một số tỉnh, thành phố vận dụng tổ chức thành công. Đây là tín hiệu khả quan để chuẩn bị cho việc tổng kết, đánh giá, nhân rộng để Hội quán có thể trở thành chủ trương chung - như kỳ vọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi về thăm mô hình Hội quán tại Đồng Tháp vào tháng 4/2018: "Hội quán nông dân là sáng kiến mới của Đồng Tháp. Mong Tỉnh tiếp tục thực hiện, mở rộng dần và có tổng kết, đánh giá để có thể trở thành chủ trương chung của cả nước".

Vinh danh, tuyên dương tập thể và cá nhân có thành tích trong tổ chức và hoạt động của mô hình Hội quán.

Vinh danh, tuyên dương tập thể và cá nhân có thành tích trong tổ chức và hoạt động của mô hình Hội quán.

Hội quán đã phát huy tốt vai trò là trung tâm kết nối cộng đồng

Ông Lê Thành Công - Trưởng ban Dân vận Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh Đồng Tháp cho rằng, trong suốt hành trình vừa đi - vừa tìm đường, vừa gợi mở - vừa thuyết phục, vừa so sánh - vừa chứng minh, vừa hình thành cái mới - vừa vun đắp cái cũ. Mô hình Hội quán từng bước đã được đông đảo người dân ủng hộ, tự nguyện tham gia, đã có những sẻ chia đồng hành với những khó khăn ban đầu của Hội quán, xem việc tham gia Hội quán trở thành nếp văn hoá của cộng đồng.

Một trong những vai trò đặc biệt quan trọng của hội quán là giúp gắn kết tình làng, nghĩa xóm.

Một trong những vai trò đặc biệt quan trọng của hội quán là giúp gắn kết tình làng, nghĩa xóm.

Với tinh thần "Chăm chỉ - tự lực - hợp tác", mô hình Hội quán Đồng Tháp hoạt động với phương châm nhất quán: 3 Không - 3 Tự - 3 Cùng (3 Không đó là: không tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị, không kinh phí từ ngân sách, không cơ sở vật chất do Nhà nước trang bị; 3 Tự đó là: tự nguyện, tự quản, tự quyết định; 3 Cùng: cùng nghĩ, cùng làm, cùng hưởng).

Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh Đồng Tháp đánh giá, từ khi ra đời cho đến nay, Hội quán đã khẳng định được vai trò quan trọng trong tham gia thiết lập cộng đồng dân cư theo xu hướng tự lực - bền vững, phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc lấy người dân làm gốc, phát huy tối đa vai trò chủ thể của người dân tham gia quản trị địa phương, tự bàn bạc, giải quyết câu chuyện của chính mình, của xóm làng mình thay vì thụ động trông chờ vào chính sách và sự can thiệp quản lý của Nhà nước. 

Đồng Tháp: Hội quán Đất Sen hồng - Hành trình đồng hành cùng phát triển- Ảnh 7.
Đồng Tháp: Hội quán Đất Sen hồng - Hành trình đồng hành cùng phát triển- Ảnh 8.

Ông Lê Thành Công - Trưởng ban Dân vận Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh Đồng Tháp và ông Nguyễn Phước Thiện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp trao kỷ niệm và Bằng khen của UBND tỉnh cho 14 tập thể và 14 cá nhân có thành tích trong tổ chức và hoạt động của mô hình Hội quán.

Hành trình của mô hình Hội quán Đất Sen hồng hướng đến sự tự thay đổi của người dân Đồng Tháp. Từ tâm lý trông chờ ỷ lại, người dân đã biết "tự nguyện, tự quản, tự quyết định", là người làm chủ xóm làng, làm chủ vận mệnh của mình; từ cách nghĩ "Đèn nhà ai nấy sáng, ruộng nhà ai nấy làm" giờ người dân đã biết "cùng nghĩ, cùng làm, cùng hưởng".

Từ thực tiễn nhiều mô hình Hội quán được thành lập và hoạt động hiệu quả đã góp phần củng cố về mặt lý luận đối với công tác Dân vận nói chung trong tập hợp và phát huy vai trò của nhân dân. Hoạt động của mô hình Hội quán đã làm phong phú hơn nội dung, phương thức hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội tại cộng đồng dân cư. 

Hội quán đã phát huy tốt vai trò là trung tâm kết nối cộng đồng, góp phần từng bước chuyển dần tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp của người nông dân; thay đổi thói quen, tập quán sản xuất, từ chỉ tập trung vào sản lượng hướng đến tính hiệu quả; từ sản xuất đơn thuần cho đến biết xây dựng giá trị thương hiệu, từ sản xuất đại trà đã biết dõi theo tín hiệu của thị trường, từ sản xuất sản phẩm thô chuyển dần sang đa giá trị, từ chỉ nghĩ cho mình đã biết đặt vào vị trí người tiêu dùng để tạo ra sản phẩm tử tế phục vụ cộng đồng.

Các đại biểu ấn nút khai mạc Ngày hội Hội quán Đất Sen Hồng - Hành trình đồng hành cùng phát triển lần thứ I, năm 2023.

Các đại biểu ấn nút khai mạc Ngày hội Hội quán Đất Sen Hồng - Hành trình đồng hành cùng phát triển lần thứ I, năm 2023.

Thông qua Hội quán, đã từng bước xây dựng tinh thần liên kết, hợp tác trong sản xuất kinh tế, liên kết giữa người sản xuất với người sản xuất; giữa người sản xuất với doanh nghiệp, thị trường; phát huy vai trò các mô hình kinh tế tập thể trong định hướng phát triển nông nghiệp tỉnh nhà, từ mô hình Hội quán đã phát triển 38 hợp tác xã, góp phần tham gia thực hiện có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu Nông nghiệp và Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Ông Lê Thành Công - Trưởng ban Dân vận Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh Đồng Tháp tin rằng, thời gian tới, Hội quán cần nhìn từ không gian nông thôn để kết nối với không gian đô thị; từ liên kết "3 nhà" (Nhà nông - Nhà nước và Doanh nghiệp) đến liên kết với tổ chức Quốc tế; hướng mạnh đến việc tiếp cận những mô hình nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp đa giá trị; kết hợp phát triển kinh tế nông thôn gắn với bảo tồn, phát huy truyền thống văn hoá, xã hội và bảo vệ môi trường.

Văn Dương - Hồng Ân
Ý kiến của bạn
Những chính sách kinh tế nổi bật có hiệu lực từ tháng 12 Những chính sách kinh tế nổi bật có hiệu lực từ tháng 12

Điều chỉnh thuế xuất, nhập khẩu một số mặt hàng; 3 hình thức công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành trái phiếu từ 25/12/2024; Quy định mới về hạn mức tối đa về giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại,… là một số chính sách đáng chú ý có hiệu lực từ tháng 12/2024.