Đồng Tháp: Hội thảo “Nâng cao giá trị và phát triển bền vững ngành hàng xoài”

Địa phương
03:27 PM 28/04/2023

Ngày 28/4, tại Hội trường UBND tỉnh, UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức Hội thảo "Nâng cao giá trị và Phát triển bền vững ngành hàng xoài". Hội thảo diễn ra dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Từ lâu, câu ca dao "Xoài nào ngon bằng xoài Cao Lãnh" đã được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến. Đặc biệt, sau quá trình thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thương hiệu Xoài Cao Lãnh ngày càng khẳng định vị thế trong và ngoài nước. Xoài là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực của tỉnh Đồng Tháp khi thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, với diện tích trồng xoài của tỉnh là 14.399ha (sản lượng gần 140.000 tấn/năm), chiếm 33,7% tổng diện tích cây ăn trái của tỉnh, xếp thứ 2 khu vực đồng bằng sông Cửu Long về sản lượng với các giống xoài chủ lực như: xoài Cát Chu, xoài Cát Hòa Lộc, xoài Tượng da xanh...

Hội thảo Nâng cao giá trị và Phát triển bền vững ngành hàng xoài và Trao đổi giữa nông dân, hội quán trồng xoài với các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm xoài.

Hội thảo "Nâng cao giá trị và Phát triển bền vững ngành hàng xoài" và "Trao đổi giữa nông dân, hội quán trồng xoài với các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm xoài".

Để đáp ứng được yêu cầu về chất lượng cao từ các thị trường mục tiêu, khó tính và mong muốn đưa những sản phẩm tốt nhất đến với người dùng, thời gian qua, tỉnh đã tổ chức sản xuất phát triển ngành hàng xoài theo chuỗi giá trị, hình thành nhiều vùng nguyên liệu sản xuất xoài tập trung quy mô lớn ở huyện: Thanh Bình, Cao Lãnh và TP. Cao Lãnh; ứng dụng khoa học và công nghệ trong tổ chức sản xuất xoài theo hướng an toàn, bền vững, có gắn kết truy xuất nguồn gốc và liên kết thị trường tiêu thụ; đã có 296 vùng được cấp mã số với 8.228ha.

Nhãn hiệu "Xoài Cao Lãnh" đã được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ nhãn hiệu và được cấp chỉ số địa lý "Cao Lãnh" cho sản phẩm (năm 2019), từng bước xây dựng được thương hiệu, tạo lòng tin với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Ngoài thị trường tiêu thụ trong nước tại các chợ truyền thống, các hệ thống phân phối hiện đại như: siêu thị, trung tâm thương mại, sàn thương mại điện tử... xoài Đồng Tháp được cung ứng và xuất khẩu trực tiếp đi nhiều thị trường như: EU, Hoa Kỳ, Úc, Liên bang Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc...

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), nông dân ngày càng có kinh nghiệm sản xuất, áp dụng quy trình sản xuất an toàn thực phẩm, rải vụ, dần chuyển đổi nhận thức và tăng sử dụng phân hữu cơ trong sản xuất, giải pháp bao trái đang được áp dụng hiệu quả. Bước đầu hình thành vùng sản xuất xoài tập trung, sản xuất hàng hoá, hình thành liên kết sản xuất tại một số tỉnh như Đồng Tháp, An Giang, Sơn La, Khánh Hoà… 

Lễ hội xoài Đồng Tháp được diễn ra từ ngày 28/4 - 1/5 tại Quảng trường Công viên Văn Miếu, TP Cao Lãnh.

Lễ hội xoài Đồng Tháp được diễn ra từ ngày 28/4 - 1/5 tại Quảng trường Công viên Văn Miếu, TP Cao Lãnh.

Tuy nhiên, Cục Trồng trọt đánh giá quy mô sản xuất xoài còn nhỏ lẻ, manh mún, phân tán, khó khăn cho công tác đầu tư, quản lý chất lượng, tiêu thụ sản phẩm; tác động của biến đổi khí hậu (khô hạn, xâm nhập mặn, nhiệt độ bất thường, mưa trái mùa…), sâu bệnh hại ảnh hưởng năng suất, sản lượng và chất lượng xoài; sản xuất đạt chứng nhận còn rất khiêm tốn… để góp phần phát triển xoài theo hướng bền vững, cần triển khai thực hiện Quyết định số 4085/QĐ-TTg ngày 27/10/2013 của Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt Đề án "Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030 với định hướng đến năm 2030 đạt 130 - 140 nghìn, sản lượng 1,1 - 1,5 triệu tấn… 

Cục Trồng trọt đề nghị các tỉnh cần rà soát, quy hoạch sản xuất tập chung, hình thành liên kết sản xuất theo chuỗi. Cần có chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào liên kết sản xuất, sơ chế, chế biến và xuất khẩu xoài và các sản phẩm từ xoài. Hình thành các tổ chức liên kết sản xuất xoài. Ngoài ra, cần đẩy mạnh sản xuất có chứng nhận, sản xuất đáp ứng ATTP, cấp mã số vùng trồng. 

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc đánh giá công nhận cây đầu dòng, vườn đầu dòng, quản lý tốt chất lượng giống xoài. Triển khai ghép cải tạo, trồng mới các vùng sản xuất xoài già cỗi, kém hiệu quả bằng giống mới có năng suất, chất lượng và đầu ra tốt. Đặc biệt, là hỗ trợ chính sách phát triển ngành xoài. Chuyển đổi số.

Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường, Bộ NN&PTNT cho biết, xuất khẩu nông - lâm - thủy sản năm 2022 có 11 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó 7 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD gồm: Sản phẩm gỗ 15,85 tỷ USD, tôm 4,33 tỷ USD, cà phê 3,94 tỷ USD, gạo 3,49 tỷ USD, cao su 3,31 tỷ USD, rau quả 3,36 tỷ USD… Xoài xuất khẩu của Việt Nam đang ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường thế giới. Kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt 7,13 triệu USD, Xuất khẩu xoài 2 tháng đầu năm 2023 đạt 34,7 triệu USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Còn theo ông Nguyễn Phú Hiệp, Tổ trưởng Tổ hợp tác dịch vụ, sản xuất xoài Bà Két (ấp Tây Mỹ, xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp) cho biết, để trở thành nông dân chuyên nghiệp theo chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Tỉnh, các ngành chức năng cần mở thêm các lớp tập huấn chuyên sâu, đồng thời hỗ trợ chuyển giao khoa học công nghệ cho nông dân các thiết bị thông minh như dự báo thời tiết, dự báo sâu bệnh hại, dự báo cây thiếu thừa chất gì để nông dân biết mà điều chỉnh cho phù hợp. 

Tổ hợp tác dịch vụ sản xuất xoài Bà Két được thành lập từ ngày 19/6/2016, sản xuất xoài theo hướng hữu cơ được Công ty Đại Thuận Thiên bao tiêu sản phẩm đến giữa năm 2019, dịch Covid-19 bùng phát việc đi lại vận chuyển hàng hóa khó khăn, Công ty không còn bao tiêu sản phẩm, sản phẩm bán ra chậm và rất rớt giá, trong cái rủi có cái may, trong cái khó ló cái khôn. Trong tình hình mua bán khó khăn Tổ hợp tác quyết định dùng trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, quảng bá và giới thiệu sản phẩm với cộng đồng mạng được một số khách hàng quan tâm.

Ông Nguyễn Phú Hiệp thông tin thêm, để tạo niềm tin, tổ hợp tác dịch vụ, sản xuất xoài Bà Két đã tham gia vào trang web.nguonnongsan.com.vn làm tem truy xuất nguồn gốc mỗi con tem đều có mã số riêng của trái xoài đều được dán 1 con tem. Khi nhập mã số trái xoài vào trang web trên điện thoại di động sẽ biết được trái xoài này của ai, thu hoạch ngày nào, phương pháp canh tác thế nào, ngược lại tổ cũng sẽ biết được xoài này bán cho đối tác ở đâu, ngày nào, có thất thoát gì không, đồng thời tổ còn lập Fanpage riêng để minh bạch sản phẩm, bón phân ngày nào, phun thuốc gì liều lượng bao nhiêu, được chụp hình hoặc quay phim đưa lên Fanpage, nhờ thế ngày càng được khách hàng tin dùng, đây cũng là bước đầu của công nghệ 4.0. 

Đến cuối năm 2021, với xu thế chuyển đổi số Tổ hợp tác được UBND tỉnh, Sở Công Thương, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tổ chức tập huấn chuyển đổi công nghệ số cho nông dân. Từ khi có mã số vùng trồng nhật ký điện tử và tem có mã quét QR, sản phẩm được khách hàng tin dùng nhiều hơn, ngoài ra Tổ hợp tác xoài Bà Két còn tham gia sàn giao dịch Thương mại điện tử của Postmart để nhiều khách hàng biết đến và bán được số lượng hàng lớn hơn, đồng thời cũng đủ điều kiện tham gia đăng ký sản phẩm OCOP.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Theo chia sẻ của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Tháp chia sẻ, Đồng Tháp là tỉnh có diện tích xoài lớn nhất vùng ĐBSCL với diện tích đạt là 11,4 nghìn ha (chiếm 24% diện tích xoài cả vùng), kế đến là An Giang 11,2 nghìn ha (24%), Vĩnh Long 5,0 nghìn ha (11%), Tiền Giang 3,9 nghìn ha (9%), Hậu Giang 3,6 nghìn ha (8%), Cần Thơ 2,9 nghìn ha (6%), Sóc Trăng 2,1 ha (5%), Kiên Giang 2,0 ha (4%)… 

Tỉnh Đồng Tháp có 2 nhóm giống xoài: giống xoài địa phương như xoài Cát Chu và xoài Cát Hòa Lộc và giống xoài nhập nội như xoài Đài Loan, xoài Thái, xoài tượng da xanh. Tuy nhiên, giống xoài Cát Chu và xoài Cát Hòa Lộc chiếm phần lớn diện tích xoài, theo ước tính của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn năm 2020, khoảng 70% diện tích xoài toàn tỉnh là xoài cát Chu (54%), xoài cát Hòa Lộc (16%), khoảng 30% còn lại là các giống xoài nhập nội. 

Trong năm 2022, tỉnh Đồng Tháp được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt 2 nhiệm vụ KH&CN cấp Quốc gia "Đăng ký xác lập quyền đối với chỉ dẫn địa lý Cao Lãnh cho sản phẩm xoài tại Nhật" và "Quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý "Cao Lãnh" cho sản phẩm xoài của tỉnh Đồng Tháp gắn với kiểm soát chất lượng, mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu".

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Vũ Minh đánh giá, Hội thảo Nâng tầm vị thế cho xoài Đồng Tháp không chỉ là khẩu hiệu mà là khát vọng được cả hệ thống chính trị của tỉnh đang tập trung thực hiện. Tin rằng, bằng sự nỗ lực của Nhà nước, sự đồng lòng của người dân, doanh nghiệp... câu chuyện khát vọng, nâng tầm trái xoài Đồng Tháp sẽ mang lại thành công trong thời gian tới...

Văn Dương - Hồng Ân
Ý kiến của bạn