Đồng Tháp: Nắm bắt các thuận lợi và cơ hội để phát triển kinh tế xã hội

Địa phương
08:26 PM 14/03/2022

Dựa trên những gì đã đạt được trong năm 2021, trong năm 2022 này, tỉnh Đồng Tháp lên kế hoạch nắm bắt các thuận lợi để tập trung phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Theo đó, qua phân tích, đánh giá tình hình và khả năng thực hiện của các ngành, lĩnh vực, UBND tỉnh Đồng Tháp xây dựng kế hoạch với mức tăng trưởng GRDP năm 2022 là 7,0%.

Nắm bắt những thuận lợi, cơ hội để phát triển kinh tế

Trong năm qua, công tác phòng chống dịch bệnh của tỉnh Đồng Tháp đạt nhiều hiệu quả, nhiều tiến bộ. Cùng với đó, tăng trưởng kinh tế của tỉnh khá ổn định trong 10 năm qua, vẫn còn khá nhiều dư địa để tiếp tục phát triển, xuất khẩu vẫn tăng trưởng khá tốt. Trong giai đoạn 2021 - 2025, trung ương đầu tư xây dựng tuyến cao tốc An Hữu - Cao Lãnh sẽ khai thông điểm nghẽn trong vận chuyển hàng hóa.

Việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách hành chính tiếp tục được xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Thực hiện đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở, nỗ lực cung cấp dịch vụ công thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp. Chính quyền tỉnh Đồng Tháp trân trọng mọi nhà đầu tư và chắt chiu từng cơ hội hợp tác dù là nhỏ nhất. Nguồn nhân lực của tỉnh dồi dào, cùng với dòng dịch chuyển người lao động về quê trong đại dịch sẽ tạo ra sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đáng nói nữa đó là dự quyết tâm của chính quyền trong quản lý điều hành, sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong việc quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với đó là các cơ hội như dự báo nhu cầu tiêu dùng trong nước sẽ được cải thiện, nhu cầu bên ngoài cũng phục hồi đáng kể sau khi các nước là đối tác thương mại với Việt Nam triển khai tiêm vắc xin và các gói hỗ trợ kích thích kinh tế. Tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 được dự báo có nhiều triển vọng, đạt khoảng 4,2% theo dực báo của Quỹ Tiền Tệ Quốc tế (IMF). Về trong nước, Chính phủ tiếp tục cải cách thể chế về kinh tế, lấy hội nhập quốc tế là động lực để khôi phục, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp và người lao động, tiếp tục tăng cường các giải pháp để triển khai nhanh và hiệu quả vốn đầu từ công, kiểm soát lạm phát và duy trì ổn định tỷ giá. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có khả năng linh hoạt và chuyển đổi nhanh, sẽ thích ứng nhanh hơn khi thị trường khôi phục.

Đồng Tháp: Nắm bắt những thuận lợi và cơ hội để phát triển kinh tế xã hội trong năm 2022 - Ảnh 1.

(ảnh internet) Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa

Các xu hướng mới về dịch chuyển đầu tư, thương mai, chuyển đổi số, cùng với sự thay đổi nhanh chóng của các mô hình kinh doanh, phương thức sản xuất, tiêu dùng, khoa học - công nghệ là thời cơ cho các doanh nghiệp thay đổi và phục hồi, nhưng cũng là thách thức nếu không nắm bắt kịp. Cùng việc hội nhập quốc tế sâu rộng, nhất là các Hiệp song phương, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP), Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) đang dần thực thi toàn diện hơn sẽ mở ra nhưng thuận lợi, cơ hội lớn để đẩy mạnh xuất khẩu nhiều mặt hàng (giày da, dệt may, thủy sản chế biến, gạo, ...), tham gia sau hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Từ những thuận lợi và cơ hội có được đó, mục tiêu tổng quát là tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu kép "vừa phòng chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế xã hội", kiểm soát tốt tình hình dịch Covid -19, giữ vững địa bàn an toàn người dân, doanh nghiệp an tâm sinh sống và sản xuất, kinh doanh. Đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho các thành phần kinh tế phục hồi và phát triển. Thúc đẩy tăng trưởng đi đôi với tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững. Phát huy tối đa mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực nội tại cho đầu tư phát triển trên nền tảng tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, tái cơ cấu công nghiệp, chuyển đổi số, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Thúc đẩy chuyển dịch lao động, bảo vệ môi trường, nâng cao khả năng thích ứng biến đổi khí hậu, chăm sóc sức khỏe, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân. Đảm bảo quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị và TTATXH, nhất là khu vực biên giới.

Xây dựng kế hoạch với mức tăng trưởng GRDP năm 2022 là 7,0%.

Trên cơ sở ước tính kết quả thực hiện năm 2021, dự báo tình hình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025), ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế (GRDP) với 3 phương án sau: phương án 1 tốc độ kinh tế tăng 6,5%, trong đó khu vực 1 tăng 3,5%, khu vực 2 tăng 8,8% , khu vực 3 tăng 7,76%.

Phương án 2 tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 7,0%, trong đó khu vực 1 tăng 3,7%, khu vực 2 tăng 9%, khu vưc 3 tăng 8,7%. Phương án 3 tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 7,5%, trong đó khu vực 1 tăng 4%, khu vực 2 tăng 9,6%, khu vực 3 tăng 9,32%. Nhưng qua phân tích, đánh giá tình hình và khả năng thực hiện của các ngành, lĩnh vực, UBND tỉnh Đồng Tháp xây dựng kế hoạch với mức tăng trưởng GRDP năm 2022 là 7,0%.

Trên cơ sở định hướng nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và nền tảng đạt được trong năm 2021, bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, UBND tỉnh Đồng Tháp xác định một nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đối với các ngành, lĩnh vực trong năm 2022 là thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch Covid -19, kiểm soát tốt tình hình dịch trên địa bàn. Thứ 2 là phát triển ổn định khu vực nông - lâm- thủy sản và tăng tốc thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Thứ 3 là phát triển mạnh công nghiệp với vai trò đầu tàu tăng trưởng.

Đồng Tháp: Nắm bắt những thuận lợi và cơ hội để phát triển kinh tế xã hội trong năm 2022 - Ảnh 2.

(ảnh internet) Trong năm 2022, UBND tỉnh Đồng Tháp sẽ dựa trên những gì đã đạt được trong năm qua, nắm bắt các cơ hội và thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội tỉnh nhà

Thứ 4 là khôi phục và thúc đẩy tăng trưởng nhanh thương mại - dịch vụ. Thứ 5 là kích cầu du lịch, từng bước khôi phục lại hoạt động du lịch gắn với nâng cao chất lượng dịch vụ. Thứ 6 là cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế hợp tác, hội quán. Thứ 7 là đảm bảo tài chính, tín dụng. Thứ 8 là huy động nguồn lực xã hội đầu tư phát triển, phát triển đô thị theo lộ trình. Thứ 9 là phát triển đồng bộ lĩnh vực văn hóa - xã hội, chăm lo và hỗ trợ người dân ổn định việc làm và an tâm sinh sống.

Thứ 10 là đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống. Mười một là thực hiện tốt công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Mười hai là tập trung cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí và cuối cùng là tăng cường quốc phòng an ninh, giữ vững an ninh biên giới, tăng cường nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.

Đức Duy
Ý kiến của bạn