Đồng Tháp: Phấn đấu tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm đạt 8,89%

Địa phương
03:22 PM 21/06/2023

Tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023 tiếp tục chuyển biến tích cực, khởi sắc, phục hồi và phát triển trên hầu hết lĩnh vực, GRDP 6 tháng đầu năm đạt 5,89%, xếp thứ 6/13 tỉnh, TP vùng ĐBSCL.

Doanh thu du lịch 6 tháng đầu năm ước đạt 1.100 tỷ đồng

Các ngành công nghiệp chế biến tiếp tục hoạt động ổn định. Giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng ước đạt 35.000 tỷ đồng, tăng 6,96% so với cùng kỳ năm 2022. Hoạt động thương mại và dịch vụ diễn ra khá sôi động, sức mua hàng hoá tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước, tổng mức bán lẻ hàng hoá dịch vụ ước đạt 63.000 tỷ đồng, tăng 13,14% so với cùng kỳ. 

Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá 6 tháng đầu năm (không tính hàng hóa tạm nhập tái xuất) ước đạt 565 triệu USD. Riêng xuất khẩu gạo có nhiều thuận lợi do nhu cầu nhập khẩu của các thị trường tăng cao với sản lượng tăng 19,98%, kim ngạch tăng 25,61% so với cùng kỳ 2022. Kim ngạch nhập khẩu hàng hoá 6 tháng ước đạt 385 triệu USD, tăng 0,83%.

Các điểm du lịch sinh thái trên địa bàn TP. Sa Đéc thu hút du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, trải nghiệm.

Các điểm du lịch sinh thái trên địa bàn TP. Sa Đéc thu hút du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, trải nghiệm.

Ngành du lịch phục hồi và tiếp tục phát triển khá nhanh, trong 6 tháng đầu năm, thu hút 2,5 triệu lượt khách, tăng 8,99%, doanh thu du lịch đạt 1.100 tỷ đồng, tăng 10,7%, tiêu biểu trong dịp tết Quý Mão đã thu hút lượt khách tăng hơn 2 lần và doanh thu tăng hơn 4,6 lần so với cùng kỳ năm 2022, tổ chức thành công Lễ hội Xoài Đồng Tháp năm 2023. Tiếp tục triển khai tuyên truyền chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch, đã chi hỗ trợ 900 triệu đồng.

Giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản, 6 tháng đầu năm đạt 21.671 tỷ đồng. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tính đến nay toàn tỉnh có 356 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao và 4 sao (81 sản phẩm đạt 4 sao và 275 sản phẩm đạt 3 sao) và 1 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt 5 sao (hạt sen sấy của Công ty Nam Huy Đồng Tháp), hiện có 3 sản phẩm OCOP tiềm năng đã hoàn thiện thủ tục, hồ sơ đề nghị Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia xét công nhận sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao.

Bên cạnh đó, các địa phương trong tỉnh tập trung rà soát hiện trạng theo bộ tiêu chí NTM, NTM nâng cao đối với cấp xã và cấp huyện để tập trung tổ chức thực hiện, cải thiện từng tiêu chí thành phần. 

Hiện toàn tỉnh có 109 xã đạt chuẩn NTM, 10 xã được công nhận xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao. Hoạt động văn hóa, văn nghệ diễn ra sôi nổi, phong phú, hấp dẫn về nội dung và đa dạng về hình thức, đi vào chiều sâu, gắn với tạo dựng hình ảnh địa phương và xây dựng văn hóa, con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo. Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ người lao động được thụ hưởng đầy đủ chính sách, quyền lợi theo quy định. Đã ban hành quyết định cho 2.825 người hưởng trợ cấp thất nghiệp, với tổng số tiền hơn 49,727 tỷ đồng.

Tiếp tục hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP.

Tiếp tục hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP.

15 năm liền PCI "lọt" Top 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành xuất sắc

Trong 6 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách của tỉnh Đồng Tháp ước đạt 4.123 tỷ đồng. Công tác phân khai chi tiết vốn đầu tư công năm 2023 được triển khai ngay từ đầu năm, đến nay, đã phân bổ chi tiết 5.967,7 tỷ đồng, đạt 99,8% kế hoạch vốn. Kết quả giải ngân 6 tháng năm ước đạt 2.169,4 tỷ đồng, đạt 48,4% (tình đến ngày 30/4/2023). Tình hình phân khai vốn và triển khai các dự án đầu tư từ ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 là 25.037,8 tỷ đồng, đạt 95,04%. Qua đó, góp phần thúc đẩy huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội 6 tháng đầu năm ước đạt 10.896 tỷ đồng, tương tương 20,67% GRDP, tăng 12%.

Dự kiến đến ngày 30/6/2023, tỉnh hỗ trợ học sinh, sinh viên vay mua máy tính với số tiền vay 22,6 tỷ đồng; cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập vay là 872 triệu đồng; cho vay Nhà ở xã hội là 47,5 tỷ đồng. Chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là 269 tỷ đồng. Hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022 - 2023 đối với các khoản vay có lãi suất cho vay trên 6%/năm (từ nguồn vốn ngân hàng chính sách xã hội) với số tiền lãi hỗ trợ là 27,76 tỷ đồng; đối với nguồn vốn ngân hàng thương mại đã cho vay hỗ trợ lãi suất với dư nợ 1.809 tỷ đồng.

Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất và đời sống.

Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất và đời sống.

Ngoài ra, các ngành, địa phương tiếp tục tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thực hiện chủ trương "đồng hành cùng doanh nghiệp". Tỉnh Đồng Tháp đã tập trung cải thiện các chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI, DDCI), theo đó, PCI năm 2022 tiếp tục đạt kết quả khá tốt (xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố), có 15 năm liền xếp trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành xuất sắc nhất cả nước. 

Đến hết tháng 6, toàn tỉnh có 325 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký 1.930 tỷ đồng. Công tác xúc tiến đầu tư được triển khai tích cực, nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu và đăng ký đầu tư. 

Tính đến ngày 22/5, có 7 dự án được chấp thuận về chủ trương đầu tư, với tổng vốn đầu tư 6.242 tỷ đồng, trong đó, có 3 dự án FDI, tổng vốn đầu tư khoảng 437 tỷ đồng.

Song song đó, tiến độ triển khai các dự án công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh và các dự án trọng điểm quốc gia (cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1, tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh, tuyến cao tốc Cao Lãnh - Lộ Tẻ và Quốc lộ 30 tuyến tránh TP Cao Lãnh) được đẩy nhanh. 

Trong đó, cao tốc Cao Lãnh - An Hữu dự kiến khởi công dự án thành phần 1 vào ngày 25/6/2023. Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng Khu công nghiệp Tân Kiều, Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Tháp giai đoạn 3, cụm công nghiệp Tân Lập, cụm công nghiệp Quảng Khánh giai đoạn 1.

Khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Chính phủ phê duyệt theo quy định

Khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Chính phủ phê duyệt theo quy định

13 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023

Bên cạnh những kết quả đạt được 6 tháng đầu năm, UBND tỉnh Đồng Tháp tiếp tục chỉ đạo tăng tốc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phấn đấu tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm đạt 8,89%, cả năm 2023 đạt 7,5% trở lên. Trong đó, tiếp tục lãnh đạo thực hiện hiệu quả đồng bộ Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên giải quyết khó khăn, vướng mắc trong cung ứng thiết bị, vật tư y tế, đảm bảo cho công tác khám chữa bệnh cho Nhân dân.

Triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung theo Chương trình hành động năm 2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh; Chương trình làm việc, Chương trình kiểm tra, giám sát năm 2023; Kế hoạch tổ chức Hội nghị sơ kết, đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp trong Tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025. 

Bên cạnh đó, triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; định hướng sản xuất phù hợp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, khơi thông thị trường. Tiếp tục hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP; tăng tốc thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Mô hình Điểm hẹn Cafe Doanh nghiệp để lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp, ghi nhận những khó khăn và tháo gỡ cho doanh nghiệp. Ảnh: Cổng TTĐT Đồng Tháp

Mô hình Điểm hẹn Cafe Doanh nghiệp để lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp, ghi nhận những khó khăn và tháo gỡ cho doanh nghiệp. Ảnh: Cổng TTĐT Đồng Tháp

Tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án công nghiệp trọng điểm, có vai trò quan trọng, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư để sớm hoàn thành và đưa vào hoạt động trong năm 2023. Đồng thời, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Thường xuyên đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; triển khai đồng bộ các chính sách để phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế hợp tác, hội quán; bảo đảm tài chính, tín dụng.

Đẩy mạnh truyền thông, quảng bá giới thiệu hình ảnh địa phương, triển khai Chương trình kích cầu du lịch gắn với tổ chức sự kiện lớn của Tỉnh và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Hoàn thành thủ tục đầu tư các dự án dự kiến khởi công mới trong năm 2023, thúc đẩy giải ngân, tập trung các dự án trọng điểm; tháo gỡ khó khăn trong cung ứng nguyên vật liệu xây dựng san lấp mặt bằng cho các công trình trên địa bàn tỉnh. Phát triển đồng bộ lĩnh vực văn hoá - xã hội, chăm lo và hỗ trợ người dân ổn định việc làm và an tâm sinh sống.

Song song đó, khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Chính phủ phê duyệt theo quy định; xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch vốn đầu tư công, ngành, lĩnh vực năm 2024. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất và đời sống; thực hiện tốt công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai; thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, đấu tranh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; nắm chắc tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn; giải quyết kịp thời, dứt điểm, đúng quy định các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền ngay từ mới phát sinh, không để trở thành điểm nóng. Nắm chắc tình hình, triển khai đồng bộ các chủ trương, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phòng ngừa cháy nổ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tăng cường công tác đối ngoại, chú trọng bảo đảm an ninh khu vực biên giới.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận trong hệ thống chính trị và nhân dân chung sức phấn đấu, tích cực tham gia thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo niềm tin và động lực tham gia sản xuất, kinh doanh góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Tỉnh.

Văn Dương - Hồng Ân
Ý kiến của bạn
Thực thi ESG là nhiệm vụ cấp bách của ngành ngân hàng Thực thi ESG là nhiệm vụ cấp bách của ngành ngân hàng

Ngành ngân hàng Việt Nam là lĩnh vực có vai trò huyết mạch của nền kinh tế, do vậy việc tiên phong trong thực thi ESG sẽ tạo ra sự thúc đẩy lớn đối với các doanh nghiệp là khách hàng của ngân hàng trong việc thiết lập những chuẩn mực mới về phát triển bền vững.