Đồng Tháp: Phát triển các địa điểm tham quan du lịch gắn với nông nghiệp
Kết nối tuyến điểm, lần đầu tiên Đồng Tháp tổ chức thử nghiệm chương trình trải nghiệm du lịch nông nghiệp, 2 ngày 1 đêm tại huyện Cao Lãnh.
Từ năm 2016, đến nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã có hơn 60 điểm tham quan du lịch gắn với trải nghiệm nông nghiệp và làng nghề được thành lập, đi vào hoạt động. Theo thông tin từ Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2022, Đồng Tháp thu hút 2 triệu lượt khách du lịch, doanh thu du lịch đạt cao với khoảng 800 tỷ đồng.
Tuy có nhiều kết quả, song du lịch nông nghiệp tại Đồng Tháp cũng bộc lộ nhiều thách thức, đặc biệt là việc kết nối các tuyến điểm để xây dựng thành các tour chương trình trải nghiệm, hệ số lưu trú của khách du lịch đến Đồng Tháp khá thấp dù số lượng khách đến nhiều, thêm vào đó, khách du lịch đến Đồng Tháp đa phần là khách nội địa, nhu cầu du lịch tâm linh và thông qua các lễ hội do tỉnh tổ chức là chủ yếu, các sản phẩm lữ hành của Đồng Tháp chưa được xây dựng thành hệ thống và chưa tiếp cận sâu và thu hút được đông đảo khách nước ngoài đến Đồng Tháp.
Ngoài ra, sau dịch bệnh Covid-19, khả năng phục hồi nhiều điểm du lịch nông nghiệp trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề, các chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự, lúng túng trong định vị sản phẩm đặc thù để tiếp cận phù hợp thị trường, các quy trình tiếp, đón khách và chuẩn dịch vụ đứng trước nguy cơ phải làm lại từ đầu,…
Mặt khác, du lịch cộng đồng tại Đồng Tháp phát triển từ khá sớm so với các tỉnh, thành khác trong khu vực. Đến nay, nhiều mô hình đã trở nên lỗi thời, chưa cập nhật kịp với xu hướng mới nhu cầu trải nghiệm du lịch, nhất là sau đại dịch Covid-19, nhiều thói quen, sinh hoạt và yêu cầu hưởng thụ trong những hành trình trải nghiệm du lịch của khách du lịch đã hoàn toàn thay đổi.
Xác định du lịch mà đặc biệt là du lịch nông nghiệp là thế mạnh của tỉnh nhà, đồng thời với quan điểm "phát triển du lịch gắn với quảng bá thương hiệu địa phương", Đồng Tháp xây dựng kế hoạch tiến hành tổ chức, sắp xếp và đánh giá toàn diện lại cơ sở hạ tầng du lịch, chất lượng phục vụ dịch vụ đối với các điểm du lịch nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời tạo cơ chế thông tin để kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp, chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ, các điểm du lịch tại nông thôn trong quá trình phục hồi phát triển du lịch nông nghiệp sau thời gian dài chịu tác động lớn của dịch bệnh Covid-19, trong hai ngày 9 và 10/11/2022 vừa qua, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp phối hợp cùng Viện ứng dụng Khoa học công nghệ và Đào tạo Mekong tổ chức tập huấn chuyên đề: xây dựng và phát triển mô hình du lịch nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp.
Đây được xem là lần đầu tiên, các hộ nông dân, cơ sở sản xuất nông nghiệp làm du lịch, các điểm đến và cán bộ quản lý du lịch địa phương được tập huấn chuyên sâu về phương pháp thiết kế và hoàn chỉnh chương trình tour nhằm kết nối các điểm đến ngay tại địa phương mình, những kỹ năng để tính toán chi phí trong quá trình triển khai dịch vụ, hoàn thiện sản phẩm lữ hành và nắm được kiến thức về xu hướng mới nhu cầu du lịch của thị trường khách hiện nay, phương pháp tiếp cận với từng phân khúc thị trường cho từng sản phẩm lữ hành đặc thù,…
Mặc dù chỉ trong thời gian ngắn hai ngày, nhưng tất cả các học viên đều bày tỏ sự vui mừng, đánh giá cao tính hữu ích khi được tiếp cận với kiến thức, kỹ năng mới, đúng với cái khó và yếu hiện nay của những người trực tiếp làm dịch vụ du lịch nông nghiệp ở tỉnh.
Tại lớp tập huấn chuyên sâu lần này, học viên tại các địa phương đã cùng thảo luận và thiết kế các chương trình lữ hành kết nối điểm đến ngay tại huyện, thành phố của mình, liên tuyến với các điểm đến của địa phương khác nhằm tăng thời gian lưu trú của khách. Sau hai ngày tập trung, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cùng Viện Ứng dụng Khoa học công nghệ và Đào tạo Mekong đã có một ngày triển khai tập huấn chuyên đề cho huyện Cao Lãnh, tập trung vào các kỹ năng và phương pháp xây dựng sản phẩm lữ hành.
Sau chương trình, huyện Cao Lãnh lần đầu tiên đã tổ chức thử nghiệm chương trình tour du lịch nông nghiệp trong hai ngày một đêm, kết nối với các điểm đến tại huyện. Với chương trình thử nghiệm đầu tiên này, địa phương mở bán giá nội bộ, số lượng giới hạn cho 35 khách nội địa đến từ Chợ Lách, Bến Tre.
Chương trình tour thử nghiệm du lịch nông nghiệp của huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp được thiết kế trên tinh thần phát huy tối đa nội lực tài nguyên du lịch hiện đang có. Ngày đầu tiên khách đến huyện Cao Lãnh sẽ được xuống tàu du lịch di chuyển đến khu làng bè Bình Thạnh để trải nghiệm hoạt động dỡ chà bắt cá và thưởng thức những món ăn dân dã nhưng vô cùng tinh tế.
Sau hơn 1 giờ trải nghiệm, khách cập bến xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, nơi được xem là thủ phủ xoài của Đồng Tháp.
Tại Minh Tâm hội quán, du khách được gặp gỡ và trao đổi chuyện trò với Ban chủ nhiệm, tham quan, trải nghiệm vườn xoài, nghe giới thiệu và tìm hiểu về mô hình "Cây xoài nhà tôi", một mô hình gắn kết giữa khách du lịch với nhà vườn thông qua việc khách đăng ký mua cây xoài ngay tại vườn xoài trong vòng một năm với mức giá nhất định. Rời Minh Tâm hội quán, du khách tiếp tục di chuyển bằng xe đạp khoảng 10 phút đến Phủ thờ Thư ngọc hầu, di tích lịch sử cấp tỉnh. Du khách được nghe câu chuyện về danh tướng Nguyễn Văn Thư qua lời kể của hậu duệ đời thứ 7 của ông.
Điểm đến tiếp theo trong hành trình đó là Khu du lịch sinh thái Thiên Phú. Khách nhận phòng ngủ dân dã miệt vườn, vệ sinh và cùng nhau thưởng thức tiệc nướng tại sân vườn trong không gian thơ mộng, lắng nghe nghệ nhân chơi nhạc cụ dân tộc và ngân nga hò Đồng Tháp, di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia của địa phương.
Ngày thứ 2 của chuyến trải nghiệm bắt đầu bằng buổi sáng sớm với tiếng chim hót trong không gian thiên nhiên vườn sinh thái của Khu du lịch Thiên Phú.
Cùng với lợi thế rộng và có nhiều sự lựa chọn cho du khách muốn tìm về thiên nhiên dân dã, Khu du lịch Thiên Phú không quá ồn ào nhưng cũng đủ tạo nên các trải nghiệm sinh động cho quý khách.
Sau đó, xe đưa quý khách đến tham quan Bửu Lâm cổ tự cách đó không xa. Ngôi chùa cổ nằm ven kênh với hàng cây cổ thụ. Đây được xem là ngôi chùa cổ nhất vùng được hình thành và phát triển trên 320 năm.
Chia tay Bửu Lâm cổ tự, xe đưa quý khách đến Ecolotus, hơn cả một điểm dừng chân thông thường, tại Ecolotus, quý khách được hiểu hơn về câu chuyện văn hoá Sen Đồng Tháp do chính những người trẻ yêu quê hương, xứ sở không ngừng nghiên cứu ứng dụng làm tăng chuỗi giá trị cho Sen.
Nhận xét sau khi kết thúc chương trình thử nghiệm tour du lịch nông nghiệp huyện Cao Lãnh, anh Lương Hoài Trọng Tính, du khách từ TP. Hồ Chí Minh cho biết: Mặc dù là chương trình tour thử nghiệm chắc chắc sẽ không tránh khỏi nhiều khâu kỹ thuật dịch vụ phục vụ cần hoàn chỉnh nhưng có thể nói đây là chương trình trải nghiệm rất hay. Tôi lần đầu tiên được tham gia dỡ chà bắt cá, rất vui và thích thú. Ẩm thực đa dạng và phong phú.
Những điểm đến được chọn kỹ và tôi thấy được sự hiếu khách, chân thành, hồn hậu của người dân địa phương. Tôi cũng đặc biệt ấn tượng với những trải nghiệm về văn hóa mà chương trình tour mang lại, đây chắc chắn sẽ hấp dẫn được du khách quốc tế.
Được biết, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp cùng huyện Cao Lãnh sẽ tiếp tục phối hợp cùng Viện ứng dụng KHCN và Đào tạo Mekong, các chuyên gia tăng cường hỗ trợ hoàn thiện dịch vụ tại các điểm đến trong thời gian tới để sớm chính thức mở bán chương trình trải nghiệm du lịch nông nghiệp xanh tại huyện Cao Lãnh. Hiện tại, tour vẫn trong thời gian nhận khách với giá ưu đãi để tiếp tục hoàn chỉnh sản phẩm. Trong đó ưu tiên cho khách là các đơn vị lữ hành, khách học sinh, sinh viên và cán bộ hưu trí.
Hotline liên hệ nhận chi tiết chương trình và đặt tour giá ưu đãi trong thời gian thử nghiệm (tháng 11 và tháng 12/2022): 0985.583.540 (Mrs Phượng).
Huỳnh MạnhĐó là nhận định của TS. Dư Văn Toán, Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường về hướng đi đột phá để đảo Cát Bà thực sự vươn tầm thế giới, trở thành “hình mẫu” cho các nơi khác.