Dòng tiền đổ vào chứng khoán, tín hiệu tích cực cho TTCK
Dòng tiền tham gia vào thị trường chứng khoán đã bắt đầu phục hồi, lan tỏa, luân chuyển ở nhiều nhóm ngành, kỳ vọng mang đến hiệu ứng tích cực cho thị trường chứng khoán.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có một tuần giao dịch tích cực khi chỉ số VN-Index ghi nhận 4 phiên tăng và 1 phiên giảm, chốt tuần trước ở mức 1.296,75 điểm.

Ảnh minh họa. Nguồn: NLĐ
Theo Công ty Chứng khoán MBS, chuỗi tăng 5 tuần liên tiếp, dài nhất kể từ đầu năm 2024 của chỉ số Vn-Index đang mở ra cơ hội vượt ngưỡng 1.300 điểm khi dòng tiền đang có sự cải thiện đáng kể và định giá của thị trường thấp hơn 17,7% so với mức bình quân 5 năm.
Dòng tiền vào thị trường kể từ sau Tết nguyên Đán cũng đang tăng dần, từ mức nền 12.000 – 13.000 tỷ đồng/phiên trong tháng 1 đã tăng lên ngưỡng gần 19.000 tỷ đồng ở tuần vừa qua.
Ngoài ra, từ sau mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 4 cũng như cả năm 2024 khá tích cực đã giúp định giá của thị trường hấp dẫn hơn, qua đó giúp thị trường chống đỡ khá tốt với các tác động từ tỷ giá USD/VND trong nước cũng như các tác động từ thuế quan trong vòng 1 tháng qua.
Về kỹ thuật, khả năng bứt phá qua ngưỡng cản 1.300 điểm là khá cao trong bối cảnh dòng tiền mới bắt đầu quay trở lại, so với các lần chỉ số Vn-Index tiện cận ngưỡng cản này trong năm 2024, thanh khoản lúc này tuy không cao bằng nhưng lại là dư địa cho dòng tiền ở các nhịp rung lắc hay điều chỉnh ở khu vực này.
Về nguồn dòng tiền tham gia vào thị trường chứng khoán, theo phân tích của Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), dòng tiền có thể được bổ sung từ các cán bộ được nhận tiền từ chính sách tinh gọn bộ máy. Dòng tiền này được ví như chính sách “helicopter money”. Dòng tiền được bơm ra ồ ạt trong thời gian ngắn hứa hẹn sẽ làm nhiều loại tài sản tài chính bùng nổ như bất động sản, chứng khoán, tiền ảo…, vì người lao động sẽ ra ngoài với một khoản tiền trong tay sẽ phải tìm cách đem đi đầu tư nhằm ổn định tài chính trong bối cảnh chờ việc làm mới cũng như sự thiếu ổn định của thu nhập từ lương trong tương lai.
Các kênh đầu tư chính dự kiến thu hút dòng tiền này là tiền gửi ngân hàng, vàng vật chất, bất động sản (đặc biệt các khu vực ngoài Hà Nội, nơi mà giá bất động sản giai đoạn vừa qua chưa tăng mạnh), các tài sản tài chính như cổ phiếu và có thể cả tiền điện tử.
Dòng tiền thứ hai có thể hỗ trợ thị trường chứng khoán là dòng tiền từ việc kích thích đầu tư công. Dòng tiền này được bơm ra cho các công ty triển khai dự án, thi công dự án, tạo nhiều công ăn việc làm và lợi nhuận. Các công ty này thường sử dụng lợi nhuận thu được tái đầu tư vào lĩnh vực bất động sản nên thời gian tới có thể kích thích thị trường đi lên, nhất là lĩnh vực bất động sản dân cư, qua đó tạo hiệu ứng tốt cho kênh chứng khoán, vốn có nhiều doanh nghiệp địa ốc niêm yết.
Thêm một lý do tích cực cho dòng tiền là vào tháng 9/2025, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể được nâng hạng lên thị trường mới nổi loại 2 của FTSE. Điều này có thể giúp ngăn chặn đà bán mạnh của nhà đầu tư nước ngoài suốt hơn một năm qua và đảo ngược xu hướng từ bán ròng sang mua ròng vào nửa cuối năm 2025, với kỳ vọng dòng tiền tham gia vào thị trường Việt Nam ước tính đạt 1 - 5 tỷ USD trong quá trình trước và sau khi được nâng hạng.
Minh An (t/h)
Hội nghị quốc tế về “Trí tuệ nhân tạo và Bán dẫn 2025” (AISC 2025) được tổ chức với chủ đề: “Kiến tạo tương lai: Kết nối AI & Công nghệ bán dẫn toàn cầu” sẽ chính thức diễn ra từ ngày 12/3 - 16/3/2025 tại Hà Nội và Đà Nẵng.