Dòng tiền ngoại ưu ái cổ phiếu bất động sản

Chứng khoán
08:37 AM 12/05/2025

Cổ phiếu bất động sản liên tục dẫn sóng dẫn sóng trong nhiều phiên giao dịch, hấp dẫn các dòng tiền ngoại đổ vào, nhờ đó thị trường chứng khoán giữ được nhịp tăng.

Thị trường đã có những ngày đầu tháng 5 đầy tích cực, bên cạnh nhà đầu tư nước ngoài duy trì trạng thái mua ròng hàng trăm tỷ đồng, thậm chí mạnh nhất kể từ đầu năm trong phiên 7/5 với giá trị đạt xấp xỉ 900 tỷ đồng, chỉ số chung đã liên tục khởi sắc và xác nhận phiên tăng điểm thứ 4 liên tiếp. Trong đó, phiên 8/5 là khởi sắc nhất, khi chỉ số VN-Index tăng gần 20 điểm lên sát mốc 1.270 điểm.

Dòng tiền ngoại ưu ái cổ phiếu bất động sản- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Với phiên giao dịch ngày 9/5, chỉ số VN-Index vẫn giao dịch khởi sắc dù trong ngày có chút rung lắc nhẹ khi vừa “chạm vùng giá” 1.275 điểm.

Qua nhiều phiên giao dịch, các mã cổ phiếu dẫn sóng vẫn là bất động sản. Dẫn đầu thị trường lẫn nhóm bất động sản vẫn là bộ đôi VIC và VHM. Nhờ sự duy trì tăng trưởng, nhóm bất động sản đã nhận được sự ưu ái của dòng tiền ngoại trong thời gian gần đây.

Ghi nhận từ Vietnam Enterprise Investments Ltd (VEIL) - quỹ ngoại lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam, Top 10 khoản đầu tư lớn nhất danh mục tại thời điểm 30/4/2025 có sự xuất hiện của cổ phiếu VHM (Vinhomes).

Cụ thể, VHM đứng thứ 10 trong danh mục đầu tư của VEIL với tỷ trọng 4,4%, tương ứng khối lượng nắm giữ khoảng 30 triệu đơn vị.

Lần gần nhất, cổ phiếu VHM hiện diện trong top 10 danh mục đầu tư của VEIL là thời điểm cuối tháng 10/2024 với tỷ trọng 3,8%, tương ứng số lượng sở hữu khi đó khoảng 39,5 triệu đơn vị. Tuy nhiên, sau đó, VHM đã không còn trong top danh mục của VEIL vào thời điểm công bố cuối tháng, cho tới tận cuối tháng 4 vừa qua mới quay trở lại.

VEIL là pháp nhân đăng ký tại quần đảo Cayman, được thành lập từ năm 1995, do Dragon Capital quản lý. Thời điểm hiện tại, VEIL đang là quỹ ngoại lớn nhất Việt Nam với giá trị tài sản ròng lên đến gần 1,6 tỷ USD, tương đương hơn 40.000 tỷ đồng (tính đến ngày 6/5/2025).

Trước đó, CTCP Tập đoàn Đất Xanh (DXG) đã công bố văn bản thông báo về thay đổi sở hữu của nhóm nhà đầu tư nước ngoài có liên quan là cổ đông lớn, nhà đầu tư nắm giữ từ 5% trở lên cổ phiếu của công ty.

Theo đó, trong phiên giao dịch ngày 29/4/2025, quỹ ngoại Dragon Capital do bà Trương Ngọc Phượng làm đại diện đã thông qua 4 quỹ thành viên của mình để mua vào thành công 2,8 triệu cổ phiếu DXG.

Sau giao dịch này, Dragon Capital nâng sở hữu cổ phiếu DXG từ gần 110,8 triệu cổ phiếu lên gần 113,6 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu tăng từ 12,7183% lên 13,0399% vốn tại Tập đoàn Đất Xanh.

Cũng trong tháng 4, CTCP Quản lý quỹ VinaCapital đã có văn bản thông báo đăng ký giao dịch mua cổ phiếu của CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền ( KDH).

Theo đó, các quỹ thuộc VinaCapital đã đăng ký mua tổng cộng 1,5 triệu cổ phiếu KDH nhằm mục đích cơ cấu danh mục đầu tư.

Không riêng các quỹ, nhìn chung, trong thời gian gần đây, khối ngoại trên thị trường liên tục có động thái gom cổ phiếu bất động sản.

Điển hình trong phiên 7/5, việc mua ròng 3 phiên liên tiếp của khối ngoại là điểm sáng, tạo tâm lý vững chắc cho nhà đầu tư nội. Đây cũng là phiên khối ngoại mua ròng lớn nhất 15 phiên, tổng cộng hơn 905 tỷ đồng trên HoSE, trong đó "bộ đôi" bất động sản DXG và NLG được mua ròng mạnh nhất toàn thị trường với giá trị lần lượt 105 tỷ và 102 tỷ đồng.

Đáng chú ý, cổ phiếu DXG tiếp tục được khối ngoại mua ròng mạnh trong phiên 8/5 với giá trị khoảng 70 tỷ đồng. Trong phiên này, cổ phiếu VIC được khối ngoại mua ròng mạnh nhất thị trường với giá trị 145 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Chí Hồng Ngọc, Phó Giám đốc Khối phân tích chi nhánh TP.HCM của Công ty Chứng khoán Bảo Việt, nhận định rằng cổ phiếu bất động sản hiện đang ở mức định giá hấp dẫn với nhiều yếu tố hỗ trợ. Giai đoạn 2023 đến nửa đầu 2024, động lực tăng giá chủ yếu đến từ định giá thấp sau khủng hoảng trái phiếu và các chính sách tháo gỡ khó khăn. Hiện tại, yếu tố quan trọng nhất để thúc đẩy cổ phiếu bất động sản chính là quỹ đất sạch, năng lực triển khai dự án hiệu quả, và định giá còn dư địa tăng trưởng.

Đồng quan điểm, ông Đỗ Thạch Lam, Trưởng phòng Trung tâm phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, cho rằng triển vọng cổ phiếu bất động sản đang tích cực hơn sau giai đoạn khó khăn và sự thận trọng của nhà đầu tư. Ông Lam nhận định, cổ phiếu ngành này hiện giao dịch ở mức P/B trung bình 1,3 lần, thấp hơn mức trung bình 5 năm là 1,5 lần, cho thấy vẫn còn dư địa tăng trưởng.

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn
Tạo "cú hích, đòn bẩy, điểm tựa" cho khu vực kinh tế tư nhân Tạo "cú hích, đòn bẩy, điểm tựa" cho khu vực kinh tế tư nhân

Thường trực Chính phủ chỉ đạo tạo "cú hích, đòn bẩy, điểm tựa", mang lại tác động, hiệu quả lớn khu vực kinh tế tư nhân; thực hiện mục tiêu đến năm 2030 có 2 triệu doanh nghiệp và có ít nhất 20 Tập đoàn lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu đa quốc gia.