Đồng Văn: Khơi dậy ý chí tự lực, vươn lên thoát nghèo của người dân
Những năm gần đây, nhờ những giải pháp cụ thể hoá mục tiêu giảm nghèo bền vững, đời sống người dân huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đã có nhiều đổi thay, “lột xác” ngoạn mục trong diện mạo nông thôn, kinh tế - xã hội từng bước đi lên. Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã chủ động viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo.
"Trái ngọt" trên hành trình giảm nghèo bền vững
Thời gian qua, xác định mục tiêu tổng quát là giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo, hỗ trợ hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững được huyện Đồng Văn thực hiện rất quyết liệt, ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch chỉ đạo tập trung thực hiện từ huyện đến cơ sở.
Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG các cấp được thành lập, kiện toàn, từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án, tiểu dự án. Năm 2024, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện là 150,249 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển là 84,824 tỷ đồng; vốn sự nghiệp là 65,425 tỷ đồng.
Với nhiều dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo như: Dự án chăn nuôi bò sinh sản, chăn nuôi bò vỗ béo, chăn nuôi dê, lợn nái sinh sản, trồng cây nho hạ đen hay trồng măng lục trúc… đã mang lại hiệu quả tích cực. Từ đó làm chuyển biến nhận thức của đồng bào các dân tộc, tạo niềm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, phát huy sức mạnh đoàn kết, kiên cường bám trụ, bảo vệ đường biên, mốc giới, yên tâm lao động sản xuất góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương, đồng bào có cuộc sống ngày một ấm no, hạnh phúc.
Cuối năm 2023, gia đình anh Vi Văn Hải thôn Sà Phìn B, xã Sà Phìn đã chủ động viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Trước đó, gia đình anh là một trong những hộ dân được hỗ trợ kinh phí để chăn nuôi bò vỗ béo, thuộc dự án từ chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Bằng kinh nghiệm chăn nuôi và sự chăm chỉ, cần cù trong lao động, đàn bò gia đình anh luôn phát triển ổn định, gia đình bán được 6 lứa bò, mỗi lứa cũng thu về 20 - 30 triệu đồng. Nhờ có sự hỗ trợ từ dự án thuộc chương trình MTQG, kinh tế ổn định, cuộc sống gia đình ngày càng khởi sắc.
Ngoài hộ gia đình anh Vi Văn Hải, nhiều hộ dân thôn Tráng Phúng A, xã biên giới Phố Cáo cùng viết đơn xin thoát nghèo. Đây là một trong những tín hiệu mừng trong công tác giảm nghèo của huyện Đồng Văn vì người dân đã có ý chí vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Tráng Phúng A là thôn có hầu hết là đồng bào dân tộc Mông, trước đây cuộc sống khó khăn, người dân thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản, nhưng nay, với sự đầu tư của Nhà nước từ các chương trình MTQG và quyết tâm lao động, sản xuất, phát triển kinh tế của người dân, toàn thôn đã có những chuyển biến tích cực, đời sống người dân không ngừng được nâng cao.
Theo lãnh đạo xã Phố Cáo, việc các hộ dân viết đơn xin thoát nghèo có ý nghĩa lớn đối với công tác giảm nghèo của xã. Không chỉ lan tỏa thông điệp tích cực về tinh thần tự lực, tự cường, chủ động vươn lên thoát nghèo mà điều này còn thể hiện công tác xóa đói giảm nghèo và chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo có những thành công lớn trong việc thay đổi nhận thức của người dân.
Đến với các thôn, xã huyện Đồng Văn hôm nay, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay mạnh mẽ của địa phương nơi phên dậu Tổ quốc. Cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện từng bước được đầu tư; những thôn, bản xa đều có đường bê tông nông thôn đến từng nhóm hộ. Tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng điện lưới quốc gia, nước sạch ngày càng tăng… Kinh tế hằng năm của huyện có tốc độ tăng trưởng khá; đời sống của đồng bào các dân tộc nơi đây được cải thiện rõ rệt.
Có thể thấy, nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện đã được phân bổ có hiệu quả, bước đầu tạo sự hứng khởi cho các hộ gia đình chủ động vươn lên thoát nghèo bằng chính sức lao động của mình.
Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn Đỗ Quốc Hương cho biết: Tại các thôn, xã của huyện có rất nhiều hộ viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Việc họ tự nguyện viết đơn đồng nghĩa với việc các hộ sẽ không được thụ hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ mà sẽ phải tự lực vươn lên lao động sản xuất, thoát khỏi tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Những lá đơn xin thoát nghèo từ các thôn, xã là làn gió mới, hứa hẹn mang đến tương lai tươi sáng hơn cho công cuộc giảm nghèo ở địa phương.
Phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm 11%
Bứt phá ngay từ khâu lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai hiệu quả, thực chất các chủ trương, chính sách giảm nghèo và phong trào "Đồng Văn chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau", từ năm 2021 đến nay, người nghèo trên địa bàn huyện Đồng Văn đã tiếp cận được các chính sách hỗ trợ, có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, tham gia phát triển sản xuất.
Đặc biệt, việc hỗ trợ con, giống tốt của địa phương giống như việc trao cho người dân chiếc cần câu tốt để kiếm kế sinh nhai bền vững, tiếp sức cho người dân thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có điều kiện tạo sinh kế, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, huyện Đồng Văn đã giải quyết việc làm cho 5.625 lao động, trong đó giải quyết việc làm mới là 1.560 lao động đạt 44,6% kế hoạch huyện giao, thu nhập bình quân đầu người 8 - 10 triệu đồng/lao động/tháng. Cùng với công tác tuyên truyền, khuyến khích các hộ dân phát triển sản xuất, hằng năm, chính quyền địa phương còn rà soát các hộ nghèo, cận nghèo tạo điều kiện giúp đỡ các hộ được tiếp cận vay vốn. Nguồn vốn cho vay đã cơ bản đáp ứng giải quyết việc làm, sản xuất kinh doanh, thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Đến thời điểm hiện tại, huyện Đồng Văn có tỷ lệ hộ nghèo còn 54,5%. Tốc độ giảm tỷ lệ hộ nghèo trong 3 năm qua liên tục tăng, cụ thể: năm 2021 tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm 6%, năm 2022 giảm 6,2%, năm 2023 giảm 7%. Năm 2024, huyện phấn đấu giảm 11% tương đương với 1.879 hộ thoát nghèo, phấn đấu đến cuối năm 2024 còn 9.329 hộ nghèo đa chiều.
Để đạt mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm 11%, huyện Đồng Văn tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác giảm nghèo để người dân tiếp cận tham gia. Đầu tư về cơ sở hạ tầng, tập trung các nguồn lực ưu tiên phát triển kinh tế các vùng khó khăn, nhất là các thôn, bản xa trung tâm, những nơi đời sống bà con còn nhiều thiếu thốn, kéo gần khoảng cách giữa các khu vực trong huyện. Khuyến khích, động viên các hộ mạnh dạn tham gia phát triển các mô hình phát triển kinh tế, lựa chọn các cây, con phù hợp tại địa phương nhằm nâng cao thu nhập…
Nguồn lực đầu tư lớn, đầu điểm công việc nhiều, mục tiêu cao, nhưng với phương châm "không ai bị bỏ lại phía sau", giúp người nghèo nâng cao chất lượng cuộc sống, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tiếp tục là động lực, tạo "cú hích" lớn, góp phần quan trọng để huyện Đồng Văn "biến khó khăn thành cơ hội phát triển", khai thác các tiềm năng, thế mạnh để góp phần xây dựng địa phương ngày càng ấm no, giàu đẹp.
Trung KiênTừ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.