Dòng vốn 4,9 tỷ USD chảy vào các quỹ bền vững trên toàn cầu

Quốc tế
07:53 AM 27/07/2025

Thị trường quỹ bền vững toàn cầu đã phục hồi trong quý 2, với dòng vốn ròng chảy vào đạt 4,9 tỷ USD, sau khi ghi nhận mức thoái vốn kỷ lục trong ba tháng đầu năm.

Báo cáo của Morningstar Sustainalytics cho biết, trên toàn cầu, các quỹ bền vững đã hút ròng 4,9 tỉ USD trong quý 2, so với mức thoái vốn 11,8 tỉ USD trong quý 1.

Dòng vốn 4,9 tỷ USD chảy vào các quỹ bền vững trên toàn cầu- Ảnh 1.

Các quỹ ở châu Âu ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ nhất với 8,6 tỉ USD vốn chảy vào sau khi bị rút 7,3 tỉ USD trong quý 1. Ngược lại, các nhà đầu tư đã rút 5,7 tỉ USD khỏi các quỹ bền vững tại Mỹ, đánh dấu quý bị rút vốn thứ 11 liên tiếp.

Hortense Bioy, Trưởng bộ phận nghiên cứu đầu tư bền vững tại Morningstar Sustainalytic cho biết, bức tranh các quỹ đầu tư theo tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị (ESG) đã cải thiện trong quý vừa qua.

Dẫn đầu là các khoản đầu tư vào quỹ bền vững có trụ sở tại châu Âu, trong bối cảnh môi trường ở Mỹ bất lợi do phản ứng chính trị chống đối chính sách ESG của doanh nghiệp, căng thẳng địa chính trị và thuế quan.

Các nhà quản lý tài sản có trụ sở tại Mỹ ngày càng hạn chế đề cập đến các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị do sự phản đối chiến lược đầu tư này của nhà chính trị đảng Cộng hòa.

Bioy cho biết, dù tình hình tại Mỹ vẫn ảm đạm, các quỹ ESG ở các khu vực khác trên thế giới vẫn tiếp tục thu hút vốn và các cơ quan quản lý phần lớn vẫn duy trì đường lối chính sách bền vững.

Bất chấp bối cảnh địa chính trị phức tạp đã góp phần làm giảm mức độ ưu tiên của các vấn đề bền vững và chuyển hướng sự chú ý sang tăng trưởng kinh tế, năng lực cạnh tranh và quốc phòng, các quỹ ESG ở châu Âu vẫn phục hồi ấn tượng.

Sự không chắc chắn đối với các nhà đầu tư châu Âu về tác động của các biện pháp chống tẩy rửa xanh (cố tình quảng bá sản phẩm, dịch vụ hoặc hoạt động là thân thiện với môi trường một cách sai lệch hoặc phóng đại) bắt đầu giảm bớt trong quý 2 khi hướng dẫn đặt tên quỹ có sử dụng thuật ngữ ESG hoặc các thuật ngữ khác liên quan đến bền vững của Cơ quan chứng khoán và thị trường châu Âu (ESMA) sắp đến hạn chót thực hiện.

Hoạt động đổi tên đạt mức cao kỷ lục tại châu Âu trong quý này, với gần 600 quỹ đổi tên theo hướng dẫn của ESMA.

Ngoài ra, nhà đầu tư cũng đổ xô rót vốn vào quỹ bền vững khi cổ phiếu năng lượng sạch tăng giá vượt trội hơn các ngành năng lượng truyền thống. Chỉ số măng lượng tái tạo Morningstar Global Markets ghi nhận mức tăng trưởng mạnh 13,6% trong quý 2, trong khi Chỉ số năng lượng toàn cầu Morningstar giảm 2,6%.

“Đã có một số tín hiệu khởi sắc về lợi nhuận, ví dụ cổ phiếu điện gió và mặt trời, chăm sóc sức khỏe và các lĩnh vực bền vững liên quan khác. Dòng tiền nóng đổ vào các quỹ bền vững đã rời đi. Các nhà đầu tư còn lại có lẽ là những người hiểu rõ các xu hướng dài hạn, các yêu cầu pháp lý và những thay đổi đang diễn ra trong nhu cầu của người tiêu dùng”, Jake Moeller, Phó Giám đốc đầu tư có trách nhiệm tại Square Mile Investment Consulting nhận xét.

Moeller cho biết, dù câu chuyện về ESG đã trở nên mang tính chính trị hơn, nhưng điều này có lẽ là hệ quả của việc phát triển ESG từ một khái niệm ngách thành một khái niệm chính thống. Nhiều công ty hiện âm thầm theo đuổi các mục tiêu ESG, nhưng chỉ đơn giản là ít lên tiếng hơn về chính sách này.

Theo Morningstar, tính đến cuối tháng 6, các quỹ bền vững trên toàn cầu đang quản lý 3,5 nghìn tỉ USD tài sản, tăng 10% so với ba tháng trước. Tăng trưởng tài sản của các quỹ được hỗ trợ bởi sự tăng giá của thị trường cổ phiếu và trái phiếu.

Phần lớn trong số đó, khoảng 3 nghìn tỉ USD do các quỹ có trụ sở tại châu Âu nắm giữ, so với 355 tỉ USD vào các quỹ của Mỹ.

Số lượng quỹ mới liên quan đến ESG đã tăng lên trong quý 2, với 72 quỹ được ra mắt trên toàn cầu, tăng so với con số 57 quỹ mới trong quý trước. Châu Á, không bao gồm Nhật Bản, là động lực chính, chiếm hơn 40 quỹ mới.

Xét theo giá trị tài sản, BlackRock vẫn là công ty quản lý quỹ bền vững lớn nhất thế giới, tiếp theo là UBS Group và Amundi.

Minh An (Theo Bloomberg)
Ý kiến của bạn
Đi ngược dòng lũ về phía nhân dân Đi ngược dòng lũ về phía nhân dân

Mấy ngày qua, hoàn lưu của cơn bão số 3 (Wipha) đã đổ bộ và gây ra những trận mưa lũ lịch sử, chưa từng có tại miền Tây xứ Nghệ, để lại những hậu quả hết sức nặng nề về người và tài sản. Trước tình hình đó, với tinh thần "Vì nhân dân phục vụ" lực lượng Công an tỉnh Nghệ An đã không quản ngại khó khăn, hiểm nguy, "đi ngược dòng lũ" để kịp thời có mặt, sát cánh cùng đồng bào ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, mang lại niềm tin và sự sẻ chia trong hoạn nạn.