Dòng vốn ETFs tiếp tục rút khỏi TTCK Việt Nam trong những ngày đầu tháng 10

Chứng khoán
07:49 AM 10/10/2021

Trong tháng 9, các quỹ ETFs lớn trên TTCK Việt Nam đã bị rút ròng kỷ lục hơn 2.200 tỷ đồng. Sang tháng 10, áp lực rút vốn có phần "hạ nhiệt" nhưng các quỹ ETFs vẫn đang bị rút ròng 255 tỷ đồng.

Những tháng gần đây, xu hướng bán ròng của khối ngoại trên TTCK Việt Nam diễn ra khá mạnh. Sau khi bán ròng hơn 9.000 tỷ đồng trong tháng 9, khối ngoại tiếp tục bán ròng gần 1.600 tỷ đồng trên sàn HoSE từ đầu tháng 10 tới nay.

Đóng góp vào xu hướng bán ròng của khối ngoại thời gian qua có vai trò không nhỏ từ các quỹ ETFs khi trong tháng 9, các quỹ ETFs lớn trên TTCK Việt Nam đã bị rút ròng kỷ lục hơn 2.200 tỷ đồng. Sang tháng 10, áp lực rút vốn có phần "hạ nhiệt" nhưng các quỹ ETFs vẫn đang bị rút ròng 255 tỷ đồng. Việc rút vốn diễn ra trên nhiều quỹ lớn như DCVFM VN30 ETF, Fubon FTSE Vietnam ETF, FTSE Vietnam ETF…

Dòng vốn ETFs tiếp tục rút khỏi TTCK Việt Nam trong những ngày đầu tháng 10 - Ảnh 1.

Dòng vốn ETFs tiếp tục rút khỏi TTCK Việt Nam trong những ngày đầu tháng 10

Cụ thể, từ đầu tháng 10 tới nay, Fubon FTSE Vietnam ETF là quỹ bị rút vốn mạnh nhất với 6 triệu chứng chỉ quỹ, tương ứng 3,6 triệu USD (khoảng 82 tỷ đồng). Trước đó trong tháng 9 và tháng 8, Fubon FTSE Vietnam ETF cũng bị rút vốn khá mạnh với giá trị lên tới 85 triệu USD (khoảng 1.940 tỷ đồng).

Dù vậy, tính từ đầu năm tới nay Fubon FTSE Vietnam ETF vẫn "bơm" ròng hơn 10.000 tỷ đồng vào TTCK Việt Nam. Lực mua chủ yếu diễn ra vào giai đoạn tháng 4 (thời điểm mới thành lập quỹ) và tháng 7.

Một quỹ ETF ngoại khác là FTSE Vietnam ETF cũng bị rút ròng 3,3 triệu USD (khoảng 75 tỷ đồng) trong những ngày đầu tháng 10. Trước đó trong tháng 9, quỹ này đã bị rút hơn 57 triệu USD (khoảng 1.309 tỷ đồng). Lũy kế từ đầu năm tới nay, FTSE Vietnam ETF đã rút tổng cộng hơn 70 triệu USD (khoảng 1.600 tỷ đồng) khỏi TTCK Việt Nam.

Vaneck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF) cũng bị rút ròng 50 nghìn chứng chỉ quỹ, tương ứng gần 1 triệu USD (22 tỷ đồng) trong những ngày đầu tháng 10. Đây cũng là lần đầu tiên VNM ETF bị rút vốn trong năm 2021.

Với nhóm quỹ ETF nội, DCVFM VN30 ETF là quỹ bị rút mạnh nhất với 64 tỷ đồng trong tháng 10. Trong khi đó, áp lực rút vốn tại DCVFM VNDiamond ETF đã giảm đáng kể so với tháng 9, chỉ còn 10,6 tỷ đồng (tháng 9 DCVFM VNDiamond ETF bị rút gần 990 tỷ đồng khi Pyn Elite Fund thoái vốn).

Các quỹ ETF khác nhìn chung không có biến động lớn về dòng vốn trong những ngày đầu tháng 10.

Thống kê cho thấy biến động dòng vốn ETFs thường đồng pha với xu hướng thị trường. Dù vậy, diễn biến thị trường gần đây không quá tiêu cực mặc dù các quỹ ETFs rút vốn do dòng tiền mạnh mẽ từ các nhà đầu tư trong nước đã giúp cân bằng.

Theo đánh giá của SSI Research, dòng tiền đầu tư có xu hướng tiêu cực trong thời gian qua khi sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam giảm sút đến từ nhiều lý do khách quan và chủ quan. Tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi hoạt động sản xuất, đặc biệt là chuỗi cung ứng bị đứt gãy trong suốt 2 tháng qua (xuất khẩu tháng 8 giảm 1,7%, trong khi xuất khẩu tháng 8 của các quốc gia trong khu vực đều tăng trưởng 2 chữ số). Thêm vào đó, dòng tiền hiện tại đang chuyển hướng sang các quốc gia có thế mạnh xuất khẩu các mặt hàng nguyên liệu thô như dầu thô, than đá,…do vậy Việt Nam không còn là điểm đến hấp dẫn của khối ngoại trong giai đoạn này.

Trong tháng 10, thị trường sẽ chào đón thêm một quỹ ETF nội là IPAAM VN100 ETF (Mã CK: FUEIP100) chính thức niêm yết từ ngày 12/10. Quy mô của quỹ còn khá nhỏ với giá trị IPO 52 tỷ đồng nên mức tác động lên thị trường là không nhiều.

SSI Research đánh giá dòng tiền đầu tư của khối ngoại vẫn chưa thể quay trở lại trong ngắn hạn. Dù vậy, nền tảng vĩ mô của Việt Nam vẫn được duy trì trong dài hạn và kỳ vọng thị trường Việt Nam được nâng hạng trong năm 2023 – 2025 sẽ là động lực giúp dòng vốn ngoại quay trở lại trong năm 2022.

Minh Anh
Ý kiến của bạn
Đà Nẵng, Phú Quốc có gì chơi Tết khiến cả Tây lẫn Ta lũ lượt đổ bộ? Đà Nẵng, Phú Quốc có gì chơi Tết khiến cả Tây lẫn Ta lũ lượt đổ bộ?

Đà Nẵng, Phú Quốc dẫn đầu top điểm đến được ưa chuộng dịp Tết Ất Tỵ 2025 với nhiều trải nghiệm đặc sắc thuyết phục du khách chọn “ăn tết” xa nhà hoặc tận hưởng năm mới theo cách riêng.