Dòng vốn “khủng” chảy mạnh vào vùng biển Thanh Hóa
Thanh Hóa với vùng lãnh hải rộng 17.000-18.000 km2, gấp 1,6 lần diện tích đất liền. Dọc bờ biển có nhiều tiềm năng, lợi thế nổi trội, tỉnh Thanh Hóa đã huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực thúc đẩy kinh tế khu vực ven biển phát triển, từng bước đưa Thanh Hóa trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển của cả nước.
Khu vực ven biển của tỉnh Thanh Hóa có Khu kinh tế Nghi Sơn là 1 trong 8 khu kinh tế trọng điểm quốc gia, với cảng nước sâu Nghi Sơn, có thể tiếp nhận được tàu tải trọng 70.000 DWT (trọng tải toàn phần), khu vực ngoài khơi cảng Nghi Sơn có thể tiếp nhận tàu trọng tải trên 200.000 DWT.
Đây là điều kiện thuận lợi để tỉnh Thanh Hóa phát triển đa dạng các ngành, lĩnh vực kinh tế biển, công nghiệp ven biển, cảng biển, đánh bắt, nuôi trồng thủy, hải sản...
Xây dựng thương hiệu cho du lịch biển
Tạo nên bức tranh kinh tế biển tỉnh Thanh Hóa đa dạng sắc màu, năng động, hiên đại có sự đóng góp to lớn của ngành "công nghiệp không khói" mà trọng tâm là du lịch nghỉ dưỡng biển. Giai đoạn 2019-2023, tổng lượt khách đến các khu du lịch biển tại Thanh Hóa đạt trên 31 triệu lượt khách, tốc độ tăng trưởng đạt 6,5%/năm, tổng thu du lịch tại các khu du lịch biển khoảng 56.352 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 16,6%/năm...
Hoạt động thu hút các dự án đầu tư kinh doanh du lịch được đẩy mạnh, đã thu hút được 58 dự án với tổng vốn đăng ký gần 120.000 tỷ đồng, nhiều dự án có hệ thống dịch vụ đồng bộ, chất lượng cao, như: Khu đô thị du lịch sinh thái Tân Dân; Flamingo Linh Trường Khu B; Khu phức hợp khách sạn, trung tâm thương mại xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương...
Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa, 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã thu hút được 71 dự án đầu tư trực tiếp, tăng 91,9% so với cùng kỳ năm trước (trong đó, có 15 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài), với tổng số vốn đầu tư đăng ký 11.615 tỷ đồng (tăng 23,8% so với cùng kỳ) và 184,4 triệu USD (tăng 23,8% so với cùng kỳ)...
Trong nhiều năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung thu hút đầu tư, sử dụng linh hoạt vốn đầu tư để xây dựng kết cấu hạ tầng khu vực ven biển, tạo "đoàn bẩy" phát triển kinh tế biển. Nếu tính từ năm 2019 đến nay, Thanh Hóa đã có 17 dự án cơ sở hạ tầng du lịch được đầu tư, với kinh phí trên 10.500 tỷ đồng. Trong đó có 9 dự án đã hoàn thành và dự án chuyển tiếp. Các khu du lịch biển của Thanh Hóa có khoảng 780 cơ sở lưu trú với 35.300 phòng, 320 cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống du lịch với 36.200 ghế ngồi, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.
Cùng với đó, Thanh Hóa đã hoàn thành một số công trình thủy lợi lớn, như: Dự án nạo vét sông Lạch Trường đoạn từ cầu Tào đến cửa Lạch Sung; dự án xử lý sạt lở bờ biển Sầm Sơn; hoàn thành 4 dự án phát triển cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão...
Đáng chú ý là hạ tầng Khu kinh tế Nghi Sơn, các khu công nghiệp ven biển được quan tâm đầu tư xứng tầm. Từ năm 2018 đến nay, đã hoàn thành đưa vào sử dụng nhiều công trình, dự án quan trọng như: Nạo vét luồng tàu ra vào bến số 4, số 5 Cảng Nghi Sơn, cải dịch sông Tuần Cung, mở rộng đường 513 và các tuyến giao thông trục chính phía Đông Khu kinh tế Nghi Sơn.
Hiện Thanh Hóa có 12 cụm công nghiệp khu vực ven biển, với tổng diện tích 363,8 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2.823 tỷ đồng, lũy kế vốn đầu tư hơn 1.075 tỷ đồng. Một số doanh nghiệp đã đầu tư các cơ sở chế biến hải sản tập trung, quy mô lớn với công suất hơn 20.000 tấn nguyên liệu/năm, thu hút tạo việc làm cho lao động.
Mặt khác, công tác đầu tư phát triển kinh tế hàng hải cũng được Thanh Hóa chú trọng, đến nay tỉnh này có 35 cầu cảng, bến phao, khu neo đậu chuyển tải được đầu tư với tổng chiều dài 5.343 m.
Trong đó, Cảng Nghi Sơn có 25 bến cảng đã đi vào hoạt động, có thể tiếp nhận và cung cấp dịch vụ cho các tàu trọng tải lên đến 70.000 DWT, hiện đã thu hút được 2 hãng tàu CMA,CGM (Pháp) và Công ty Vận tải biển VIMC (Việt Nam). Tổng số container qua Cảng Nghi Sơn từ năm 2020 đến nay là 7.029 container.
Thanh Hóa bứt phá với nhiều dự án hàng chục nghìn tỷ
Nhận thức đấy đủ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong những năm qua, tỉnh Thanh Hóa tập trung phát huy tiềm năng, lợi thế sẳn có, huy động hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế biển, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh và bền vững, từng bước xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển của cả nước. Tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, đề án, cơ chế, chính sách nhằm phát triển kinh tế - xã hội trên các lĩnh vực.
Để khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế về du lịch biển, trong hai nhiệm kỳ gần đây, đặc biệt nhiệm kỳ 2020-2025 Thanh Hóa xác định phát triển du lịch là chương trình trọng tâm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, dưa du lịch trở thành một trụ cột tăng trưởng, ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, với du lịch biển là một trong ba sản phẩm du lịch ưu tiên phát triển.
Tỉnh Thanh Hóa đã chủ động ban hành các chiến lược, đề án để phát triển du lịch biển, như Chiến lược phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030...; triển khai xây dựng 13 quy hoạch phát triển các khu, điểm du lịch ven biển; ưu tiên dành nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng du lịch; tập trung kêu gọi, thu hút và tạo điều kiện để các dự án Khu nghỉ dưỡng, khách sạn quy mô lớn hoàn thành đưa vào sử dụng, làm thay đổi mạnh mẽ diện mạo du lịch biển của tỉnh, như quần thể nghỉ dưỡng và sân golf FLC, quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội thành phố Sầm Sơn, Flamingo Hải Tiến...
Hiện nay, các khu du lịch biển trên địa bàn tỉnh có khoảng 780 cơ sở lưu trú, với 35.300 phòng; 320 cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống du lịch...Bên cạnh đó, một số sản phẩm du lịch mới đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả, như quảng trường biển, nhạc nước, phố đi bộ tai thành phố Sầm Sơn; tour du lịch Đảo Mê, Đảo Nẹ; Festival dù lượn tại khu du lích Hải Tiến... Trong giai đoạn 2021-2023, du lịch tỉnh Thanh Hóa thu hút trên 26,5 triệu lượt khách, tốc độ tăng trưởng bình quân 17,8%/năm.
Với việc triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phát huy lợi thế về biển, trong những năm qua, vùng ven biển của tỉnh đã trở thành khu vực phát triển năng động; tốc độ tăng giá trị sản xuất giai đoạn 2022-2023 cao nhất tỉnh, đạt 12,94%. Khu kinh tế Nghi Sơn tiếp tục phát huy vai trò động lực, " đầu tàu" dẫn dắt kinh tế của tỉnh; các đô thị, khu du lịch biển Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa... phát triển sôi động; các ngành khai thác, nuôi trồng thủy sản tiếp tục tăng trưởng mạnh, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế của tỉnh tăng trưởng cao. Trong đó, khu vực ven biển đóng đóng góp khoảng 61% vào tăng trưởng của tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc khai thác nguồn lực kinh tế biển trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, cụ thể là: Kinh tế biển phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; du lịch biển được quan tâm đầu tư, nhưng chưa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội khu vực ven biển còn thiếu đồng bộ, chưa tạo ra động lực mạnh mẽ cho thu hút đầu tư, phát triển kinh tế biển; mối liên kết phát triển giữa các vùng, đô thị ven biển, giữa khu vực ven biển với nội địa và các ngành, lĩnh vực kinh tế biển còn thiếu thống nhất, hiệu quả chưa cao.
Để khai thác hiệu quả nguồn lực kinh tế biển, tạo đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc, tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, "Về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Đồng thời tăng cường bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh thái biển tự nhiên; nâng cao năng lực dự báo, chủ động phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Xây dựng vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vùng biển đảo.
Triều NguyệtTheo số liệu Tổng cục Thống kê công bố sáng 6/1/2025, kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 đạt 786,29 tỷ USD, Việt Nam xuất siêu 24,77 tỷ USD.