Đồng Xâm (Thái Bình) - Tinh hoa làng nghề chạm bạc
Làm nổi danh quê hương “chị Hai năm tấn” với những sản phẩm chạm bạc tinh tế, tinh xảo, kỹ nghệ làng nghề chạm bạc Đồng Xâm không ngừng được hoàn thiện, sản phẩm làng nghề Đồng Xâm đã được công nhận là thương hiệu quốc gia.
Làm nổi danh quê hương "chị Hai năm tấn" với những sản phẩm chạm bạc tinh tế, tinh xảo, kỹ nghệ làng nghề chạm bạc Đồng Xâm không ngừng được hoàn thiện, sản phẩm làng nghề Đồng Xâm đã được công nhận là thương hiệu quốc gia.
Không chỉ được biết đến là vùng đất trù phú giàu có với những cánh đồng "thẳng cánh cò bay", Thái Bình còn nổi tiếng khắp nơi về một lĩnh vực khác đó là nghề chạm bạc ở Đồng Xâm. Với lịch sử tồn tại trong suốt 400 năm, danh tiếng của những sản phẩm chạm bạc tuyệt mỹ, tinh xảo mà các nghệ nhân của làng chế tác ra đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia, tới nhiều nơi trên thế giới.
Làng Đồng Xâm nằm cách thành phố Thái Bình khoảng 20km về phía Đông, thuộc xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Là vùng quê thân quen với không gian làng vô cùng yên bình, mộc mạc với đồng ruộng, lũy tre và dòng sông Đồng Giang hiền hòa. Chỉ có một điểm khiến vùng đất này khác biệt so với các làng quê khác đó là khi đến làng, bạn sẽ nghe thấy âm thanh đục, đẽo, chạm khắc văng vẳng khắp nơi. Đây chính là âm thanh do những nghệ nhân chạm bạc làng Đồng Xâm phát ra trong quá trình làm việc.
Buổi đầu dân làng Đồng Xâm làm nghề hàn đồng, gò thùng chậu, đánh dao kéo, chữa khóa, làm quai và vòi ấm tích, điếu bát..., về sau mới làm đồ kim hoàn, chuyên sâu về chạm bạc, đồng. Thời kỳ hưng thịnh nhất của làng nghề là các nghệ nhân từ Đồng Xâm tỏa ra 4 phương, mang tinh hoa nghề chạm bạc đến khắp mọi miền đất nước. Các nghệ nhân của làng đã được mời vào Huế để chạm trổ cung kiếm, đồ trang sức cho triều đình. Và cũng chính họ cùng các thợ bạc ở Châu Khê, Định Công lập ra phố Hàng Bạc ở Hà Nội ngày nay.
So với nhiều nghề truyền thống khác, nghề chạm bạc không ngừng phát triển về quy mô và chất lượng. Tuy nhiên, thực tế, những nghệ nhân về chạm bạc không có nhiều, bởi lẽ, đây là công việc yêu cầu sự công phu, tỉ mỉ, chính xác hoàn hảo, đòi hỏi trình độ tay nghề người thợ rất cao. Để làm ra một sản phẩm chạm bạc hoàn chỉnh, cần tới 10 công đoạn khác nhau. Trong đó quan trọng nhất là các công đoạn: Trơn (cắt xẻ nguyên liệu, đấu là hàn các chi tiết), đậu (chạm những họa tiết hoa văn) và chạm (kĩ thuật quyết định sự tinh xảo hay không của sản phẩm).
Hàng chạm bạc Ðồng Xâm khác hẳn và nổi trội so với hàng bạc của các nơi khác ở sự điêu luyện và hoàn hảo tới mức tối đa, ở các kiểu thức lạ về hình khối, dáng vẻ sản phẩm phong phú, đa dạng, tinh vi ở thủ pháp xử lý sáng - tối nhờ tận dụng đặc tính phản quang của chất liệu bạc, cũng chính vì thế mà đáp ứng được nhu cầu của các khách hàng khó tính. Nhờ tài năng và sự sáng tạo tuyệt vời mà làng nghề chạm bạc Đồng Xâm đã được Trung ương hội Làng nghề Việt Nam công nhận là 1 trong 12 làng nghề tiêu biểu toàn quốc.
Nếu như ngày xưa, người thợ ở làng Đồng Xâm thường chạm bạc các sản phẩm trang sức, đồ thờ cúng, hàng lưu niệm để bán cho vua chúa, quan lại và thương nhân nước ngoài. Thì ngày nay, làng Đồng Xâm còn nổi tiếng với các sản phẩm chạm đồng có chất lượng cao, đa dạng mẫu mã, được thị trường ưa chuộng, không chỉ có các đại lý phân phối khắp cả nước, nhất là ở Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh; mà còn sản xuất theo các đơn đặt hàng nhiều đồ xuất khẩu, đồ kỷ niệm, ngoại giao. Sản phẩm của làng nghề cũng đã được đăng ký thương hiệu, sở hữu trí tuệ.
Nhờ có nghề chạm bạc mà cuộc sống dân làng Đồng Xâm ngày càng sung túc. Nếu qua Thái Bình, nhớ ghé qua làng nghề Đồng Xâm tận mắt tìm hiểu quá trình chạm khắc ra sản phẩm và mua một món quà làm kỷ niệm.
Hà ChiDự kiến từ đầu năm 2025, ngành thuế sẽ nâng cấp ứng dụng hỗ trợ cá nhân kê khai thuế điện tử, tự động hỗ trợ toàn bộ việc quyết toán thuế, hoàn thuế thu nhập cá nhân cho người nộp thuế.