Dự án BĐS phải dành 20% quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội: Bất cập, không khác gì "bia kèm lạc"

Các chuyên gia đều đồng tình cho rằng, quy định chủ đầu tư phát triển nhà ở thương mại phải dành 20% cho nhà ở xã hội là vô cùng bất cập dù quy định này xuất phát từ mong muốn sự công bằng trong cuộc sống, để người nghèo cũng sống như người giàu, nhưng đây là điều không thể.

Tại Hội nghị Góp ý sửa đổi "Luật đất đai - Luật Nhà ở - Luật Kinh doanh bất động sản, để phát triển nhà ở và thị trường bất động sản" do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) tổ chức, các chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp đã có ý kiến xung quanh về quy định chủ đầu tư phát triển nhà ở thương mại phải dành 20% cho nhà ở xã hội (NƠXH) của Luật Nhà ở.

PGS.TS. Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính ngân sách Quốc hội chia sẻ, hiện quy định chủ đầu tư phát triển nhà ở thương mại phải dành 20% cho NƠXH là vô cùng bất cập, không khác gì “bia kèm lạc”. Quy định này xuất phát từ mong muốn sự công bằng trong cuộc sống, để người nghèo cũng sống như người giàu, nhưng đây là điều không thể.

Ông Luyện Văn Phương, Phó Giám đốc Sở xây dựng Hà Nội cũng cho rằng, hiện các quy định NƠXH đang rất bất cập. Hà Nội đang đề xuất xây dựng NƠXH tập trung, thống kê cho thấy nhu cầu là khoảng 6,8 triệu m2 sàn nhà ở xã hội đến năm 2030. Nhưng tổng mặt sàn nhà ở đã được thực hiện chỉ đạt khoảng 1,2 triệu m2 sàn.

Ngoài ra, chỉ nên để các cơ quan quản lý Nhà nước bố trí quy hoạch chứ không phải các nhà đầu tư bố trí tại các dự án, rõ ràng cơ chế để lựa chọn nhà đầu tư. Bởi các dự án đã thông qua đấu giá đấu thầu rồi, sau đó phải dành 20% cho NƠXH thì Nhà nước lại phải tính toán để trả lại cho nhà đầu tư, rất bất cập.

Dự án BĐS phải dành 20% quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội: Bất cập, không khác gì bia kèm lạc - Ảnh 1.

Ông Luyện Văn Phương, Phó Giám đốc Sở xây dựng Hà Nội chia sẻ ý kiến tại Hội nghị.

PGS. TS. Doãn Hồng Nhung, Phó trưởng ban Pháp chế Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, quy định quỹ đất 20% xây dựng NƠXH trong các dự án thực sự không linh hoạt, khó khả thi trong thực tiễn kinh doanh.

Về phía doanh nghiệp, ông Vương Quốc Toàn, đại diện Tập đoàn Bất động sản Lan Hưng chia sẻ: “Chúng tôi có một số đề xuất sửa đổi luật liên quan đến vấn đề phát triển nhà ở xã hội.

Thứ nhất, chúng ta nên sửa đổi quy định trích 20% quỹ đất để xây nhà ở xã hội trong dự án nhà ở thương mại. Đây là quy định còn quá nhiều bất cập, chúng tôi đề nghị nên loại bỏ càng sớm càng tốt.

Thứ hai, việc quy định 20% nhà ở cho thuê hiện nay đang không có người thuê. Vì vậy, chúng ta nên sửa đổi theo hướng giảm xuống còn 5 - 10%. Điều này sẽ giúp giảm lãng phí ngân sách, còn những dự án nào mà không ai thuê thì nên cho doanh nghiệp bán. Như doanh nghiệp chúng tôi, hiện nay đang vướng hàng ngàn căn hộ cho thuê mà không ai thuê.

Thứ ba, trong Điều 49 của Luật Nhà ở, quy định rất nhiều đối tượng như công chức, viên chức, người có công… là đối tượng được mua NƠXH. Để tránh tình trạng khó khăn khi bán hàng của các doanh nghiệp, chúng tôi đề nghị thống nhất tên gọi, chỉ sử dụng duy nhất tên nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp chứ không phân ra các đối tượng cụ thể”.

Về ý kiến trên, ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng chia sẻ, trong thời gian tới chúng tôi sẽ đặt lại tên gọi NƠXH gồm NƠXH cho người thu nhập thấp tại đô thị, cho công nhân tại các khu công nghiệp và có một đối tượng riêng là lực lượng vũ trang nhân dân.

Dự án BĐS phải dành 20% quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội: Bất cập, không khác gì bia kèm lạc - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng phát biểu ý kiến tại Hội nghị.

Cũng liên quan đến việc bắt buộc dành 20% tổng diện tích đất ở để xây dựng nhà ở xã hội tại một dự án nhà ở thương mại, khu đô thị, ông Nguyễn Lê Mỹ Hưng, Phó Giám đốc Khối Điều hành dự án TP.HCM, Tập đoàn Novaland đưa ra đề xuất, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại có quyền lựa chọn việc dành 20% quỹ đất trong dự án để xây dựng nhà ở xã hội hoặc chuyển đổi quỹ đất 20% dành cho phát triển nhà ở xã hội sang một khu vực khác thuộc sở hữu hợp pháp của chủ đầu tư để phát triển một dự án nhà ở xã hội độc lập nhằm đảm bảo dành đủ quỹ đất phát triển nhà ở xã hội và thực hiện đúng nghĩa vụ của chủ đầu tư.

Trước những ý kiến của chuyên gia, đại diện phía doanh nghiệp, ông Khởi thay mặt Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cảm ơn những chia sẻ của các chuyên gia, nhà quản lý, lãnh đạo các doanh nghiệp. Liên quan đến Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, quan điểm của Bộ Xây dựng chúng tôi là cần trình lên Quốc hội song song với Luật Đất đai để những vấn đề mâu thuẫn, chồng chéo được sửa đổi cùng một lúc và đồng bộ.


Phong Linh
Ý kiến của bạn
Standard Chartered: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% năm 2024 Standard Chartered: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% năm 2024

Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.