Dự án CCN làng nghề Minh Phương: Người dân cần hiểu rõ tính chất của dự án
Một số hộ dân có đất bị thu hồi cho dự án Cụm Công nghiệp (CCN) làng nghề Minh Phương (huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) cho rằng, dự án này không phải là dự án được nhà nước thu hồi. Hơn thế nữa, người dân cũng không đồng ý với mức giá bồi thường, và đòi hỏi đất dịch vụ, vì cho rằng doanh nghiệp trục lợi bằng việc mua đất của dân để bán lại với mức giá cao.
Dự án Cụm Công nghiệp làng nghề Minh Phương đã được HĐND tỉnh Vĩnh Phúc thông qua tại Nghị quyết số 49/NQ–HĐND ngày 18/12/2017 về việc chấp thuận thu hồi đất để thực hiện các dự án, công trình năm 2018 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp tại Văn bản số 1567/TTg – NN ngày 9/11/2018 và đã có trong kế hoạch sử dụng đất năm 2018, 2019, 2020, 2021 của UBND huyện Yên Lạc. Dự án có diện tích đất thu hồi là 33,3ha của hơn 500 hộ, trong đó có 14,07 ha đất thuộc địa phận thị trấn Yên Lạc và 19,3ha đất thuộc địa phận xã Nguyệt Đức.
Đến nay, huyện Yên Lạc đã thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) được 28,5 ha (đạt 85,6%), còn lại 4,8 ha (14,4%) chưa GPMB. Chỉ còn 78 hộ ở thị trấn Yên Lạc chưa chấp thuận nhận tiền bồi thường GPMB, bởi cho rằng dự án này không phải là dự án được nhà nước thu hồi, từ đó không đồng ý với mức giá bồi thường, và đòi hỏi đất dịch vụ, đòi hỏi phải thỏa thuận giá... vì cho rằng doanh nghiệp trục lợi bằng việc mua đất của dân để bán lại với mức giá cao. Ngoài những ý kiến trên, trong thời gian vừa qua, nhiều người dân đã dựng lều bạt, tập trung đông người trên vị trí diện tích đất đã bàn giao cho doanh nghiệp chủ đầu tư.
Sau khi đi vào hoạt động, Cụm Công nghiệp làng nghề Minh Phương dự kiến sẽ thu hút khoảng 260 doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng các hộ cá thể. Tính chất của dự án là tạo quỹ đất cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vào trong Cụm Công nghiệp, đưa các cơ sở sản xuất ở các khu dân cư vào cụm công nghiệp sản xuất tập trung, tách rời khu dân cư, từ đó tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp và các hộ dân phát triển sản xuất kinh doanh. Dự án dự kiến sẽ tạo việc làm cho khoảng 8.000 lao động. Giải quyết việc làm, phân công lại lao động, từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; duy trì, phát huy làng nghề truyền thống góp phần phát triển kinh tế của địa phương.
Thông tin tại hội nghị 21 Ban chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội ngày 21/1, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, tổng thu ngân sách của Hà Nội năm 2024 đạt mức 511.928 tỷ đồng, trở thành địa phương có số thu ngân sách cao nhất cả nước.