Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ được thẩm tra bởi tư vấn quốc tế
Gói thầu tư vấn thẩm tra Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam sẽ được thực hiện theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế.
Mới đây, Quyết định số Quyết định số 1670/QĐ – HĐTĐNN do Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam ký phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu gói thầu: Tư vấn thẩm tra Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.
Gói thầu này có giá gói thầu 41,279 tỷ đồng, bằng nguồn ngân sách nhà nước, có hình thức lựa chọn nhà thầu là đấu thầu rộng rãi quốc tế theo phương thức một giai đoạn, hai túi hồ sơ; loại hợp đồng trọn gói.
Thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà thầu cho gói thầu nói trên là quý IV/2020, thời gian thực hiện hợp đồng là 90 ngày.
Tư vấn sẽ thẩm định 18 nội dung, trong đó đáng chú ý là sự cần thiết để thực hiện đầu tư; tác động của việc thực hiện dự án theo hình thức PPP (đối tác công tư); phân tích, lựa chọn sơ bộ về công nghệ và các điều kiện cung cấp vật tư, thiết bị, xác định sơ bộ tổng mức đầu tư, phương án huy động vốn...
Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam giao Vụ Giám sát và thẩm định đầu tư, Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành tổ chức lựa chọn nhà thầu theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu được duyệt đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành.
Dự kiến chi phí thẩm tra Báo cáo Pre F/S Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam dự kiến là 41,2 tỷ đồng và chi phí thẩm định Báo cáo Pre F/S là 0,54 tỷ đồng.
Vào tháng 7/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định số 859/TTg - QĐ thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước để thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam và giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng làm Chủ tịch hội đồng.
Đầu năm 2019, Bộ Giao thông Vân tải đã trình Chính phủ báo cáo tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam. Theo đề xuất, dự án dài 1.559 km nối Hà Nội và TP.HCM; tốc độ thiết kế đoàn tàu 350 km/h, tốc độ khai thác 320 km/h; được xây dựng để khai thác riêng tàu chở khách.
Thời gian chạy tàu từ Hà Nội - TP HCM là 5 giờ 20 phút (nếu không dừng ở một số ga) và 6 giờ 55 phút nếu dừng ở tất cả ga. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 58,7 tỷ USD.
Trên tuyến sẽ tổ chức các đoàn tàu thuộc các khu đoạn: Ngọc Hồi - Vinh, Ngọc Hồi - Đà Nẵng, Ngọc Hồi - Nha Trang, Thủ Thiêm - Nha Trang, Thủ Thiêm - Đà Nẵng, Ngọc Hồi - Thủ Thiêm (tàu suốt Bắc - Nam).
Dự kiến tổng mức đầu tư (TMĐT) dự án là 1.334.233 tỷ đồng (58,71 tỷ USD).
Với tổng mức đầu tư rất lớn, để đảm bảo hiệu quả đầu tư và phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực, giảm áp lực nợ công của nền kinh tế, nghiên cứu đề xuất 2 phương án phân kỳ đầu tư.
Trên cơ sở phân tích về nhu cầu vận tải, khả năng huy động các nguồn lực đầu tư, hiệu quả đầu tư Dự án cũng như sự phù hợp với quy hoạch liên quan, kết quả Bộ GTVT đề xuất phương án với tiến độ dự kiến như sau: chuẩn bị đầu tư (Dự kiến từ 2020 – 2026; thực hiện đầu tư (Dự kiến từ 2027 – 2050) với 2 giai đoạn.
Cụ thể, giai đoạn 1 (từ 2027 và dự kiến hoàn thành vào 2030 - 2032) sẽ tổ chức đầu tư xây dựng 2 đoạn (Hà Nội - Vinh và Nha Trang - Thành Phố Hồ Chí Minh). Cùng với quá trình đầu tư xây dựng là công tác chuẩn bị nguồn nhân lực, xây dựng thể chế để khai thác vào năm 2032.
Giai đoạn 2 (dự kiến từ 2032 - 2050): Tiếp tục đầu tư xây dựng đoạn Vinh - Nha Trang. Trong đó ưu tiên đoạn Vinh - Đà Nẵng để có thể khai thác vào năm 2040 và tiếp tục hoàn thành đoạn Đà Nẵng - Nha Trang vào năm 2050.
Dự án được đề xuất thực hiện theo hình thức đối tác công tư (nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng - chiếm khoảng 80% TMĐT dự án; nhà đầu tư mua sắm đoàn tàu và một số thiết bị - chiếm khoảng 20%. Nhà đầu tư chịu trách nhiệm vận hành khai thác, duy tu bảo dưỡng và trả phí thuê hạ tầng).
Hoàng MaiNgày 15/1, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng văn hóa trong Đảng giai đoạn mới”.