Dự án FDI quy mô trên 50 triệu USD vào Việt Nam có xu hướng tăng: 'Khó khăn chỉ là nhất thời, FDI sẽ không rời Việt Nam'
Tổng cục Thống kê cũng cho biết, số lượng các dự án quy mô trên 50 triệu USD có xu hướng tăng.
Tại buổi họp báo ngày 29/9 của Tổng cục Thống kê, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp (Tổng cục Thống kê) Chu Hải Vân cho biết, giữa cuối tháng 9 và bắt đầu từ tháng 10, các tỉnh phía Nam bắt đầu bước vào giai đoạn bình thường mới ở mức độ thận trọng.
Chính vì vậy, đại diện Tổng cục Thống kê, Phó Vụ trưởng Chu Hải Vân nhấn mạnh: "chúng tôi nghĩ rằng khó khăn này chỉ là nhất thời, không có chuyện doanh nghiệp FDI sẽ có khả năng rời khỏi thị trường Việt Nam".
Theo đại diện Tổng cục Thống kê, số lượng các dự án cấp mới quy mô dưới 5 triệu USD có xu hướng giảm, trong khi số lượng các dự án quy mô trên 50 triệu USD có xu hướng tăng. Đáng chú ý, một số dự án quy mô hàng tỷ USD, gồm dự án điện khí của Singapore tại Long An, dự án nhiệt điện của Nhật Bản tại Cần Thơ, hay dự án sản xuất màn hình điện tử của Hàn Quốc tại Hải Phòng.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/9/2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó vốn đăng ký cấp mới có 1.212 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 12,5 tỷ USD, giảm 37,8% về số dự án và tăng 20,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đăng ký điều chỉnh có 678 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước, đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 6,43 tỷ USD, tăng 25,6%. Vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 2.830 lượt với tổng giá trị góp vốn 3,22 tỷ USD, giảm 43,8%.
Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, có 1.139 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 2,05 tỷ USD và 1.691 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 1,17 tỷ USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 9 tháng năm 2021 ước tính đạt 13,28 tỷ USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 9 tháng năm 2021 có 41 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư, với tổng số vốn của phía Việt Nam là 150,1 triệu USD, giảm 44,1% so với cùng kỳ năm trước; có 15 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm 422,1 triệu USD, gấp gần 2,6 lần so với cùng kỳ năm trước. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) đạt 572,3 triệu USD, tăng 32,4% so với cùng kỳ năm trước.
Cùng quan điểm với đại diện Tổng cục Thống kê, trước đó, Đại diện Samsung, ông Choi Joo Ho cho biết, hiện Samsung Việt Nam đang tiếp tục xây dựng trung tâm R&D (nghiên cứu và phát triển) quy mô hơn 220 triệu USD tại Hà Nội. Trung tâm R&D này sẽ nghiên cứu phát triển 5G, cơ sở dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam, góp phần nâng tầng tổ hợp Samsung tại đây.
Theo ông Choi Joo Ho, nếu Việt Nam vừa chống dịch hiệu quả, vừa duy trì lưu thông hàng hóa, bảo đảm hoạt động chuỗi cung ứng thì đầu tư nước ngoài vào sẽ tiếp tục tăng lên trong dài hạn.
Ngoài ra, ông Fred Burke, Founder Baker McKenzie Vietnam cũng cho biết, về lâu dài, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn. Ông vẫn chứng kiến nhiều nhà đầu tư đang lên kế hoạch rót vốn vào các doanh nghiệp Việt Nam, hoặc muốn đến Việt Nam để thành lập doanh nghiệp mới.
Hồng NhuậnNgày 20/12, tại Khu đô thị Park City Hà Đông, đường Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông), Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch TP Hà Nội khai mạc Tuần hàng Việt "Made in Vietnam 2024".