Dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên được bổ sung thêm 7.000 tỷ đồng

Tài chính - Đầu tư
10:11 AM 18/12/2023

Nhật Bản cam kết tài trợ hơn 41,2 tỷ Yên (7.000 tỷ đồng) tiếp tục bổ sung, góp phần hoàn thành dự án Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận và Ngài Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio đã có cuộc trao đổi Công hàm cho khoản vay ODA có ràng buộc (STEP) lần 4 của Chính phủ Nhật Bản tài trợ cho Dự án "Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến Bến Thành – Suối Tiên" (tuyến Metro số 1).

Đây là khoản vay tiếp nối lần thứ 4 trị giá 41,2 tỷ Yên (sau 3 khoản vay cho Dự án vào các năm 2007, 2012 và 2016) được Nhật Bản cam kết tài trợ, nhằm tiếp tục bổ sung nguồn vốn, góp phần hoàn thành dự án quan trọng này tại TP.HCM.

Đây là một trong những văn kiện quan trọng được ký kết nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Nhật Bản, góp phần vào thành công chung của chuyến thăm ngay sau khi lãnh đạo hai nước nhất trí nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.

Dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên được bổ sung thêm 7.000 tỷ đồng- Ảnh 1.

Nhật Bản cam kết cho vay 7.000 tỷ đồng bổ sung dự án Metro Bến Thành-Suối Tiên

Tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên là một trong tám tuyến Metro được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch nhằm hình thành hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn cho đô thị lớn nhất trong cả nước.

Dự án có bốn gói thầu chính sử dụng vốn vay ODA từ Nhật Bản, gồm ba gói thầu xây dựng và một gói thầu cơ điện.

Dự án dài gần 20 km từ Bến Thành, quận 1 đến Depot Long Bình, Thành phố Thủ Đức. Đây là là dự án đường sắt đô thị đầu tiên ở TP.HCM, khởi công năm 2012 và dự kiến dự kiến sẽ đưa vào vận hành khai thác trong năm 2024.

Vốn vay STEP là vốn vay ODA Nhật Bản ràng buộc, còn được gọi là "Điều khoản đặc biệt dành cho Đối tác kinh tế". Hình thức cho vay này áp dụng cho các dự án cần tận dụng một cách đáng kể công nghệ và bí quyết kỹ thuật của Nhật Bản, dựa trên yêu cầu của nước nhận viện trợ về việc sử dụng và chuyển giao các công nghệ vượt trội của Nhật Bản.

Điều kiện chính của khoản vay STEP là nhà thầu chính sẽ là các công ty Nhật Bản hoặc là liên doanh giữa công ty Nhật và công ty Việt Nam, do công ty Nhật đứng đầu liên doanh và không dưới 30% hàng hóa sẽ có xuất xứ từ Nhật Bản.

Nhật Bản hiện là nhà tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, với tổng giá trị vay tính đến hết năm tài khóa 2020 là 2.812,8 tỷ Yên. Vốn ODA tập trung vào các lĩnh vực trọng điểm như giao thông, năng lượng, cơ sở hạ tầng đô thị. Năm 2023, lần đầu tổng giá trị vốn vay ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam vượt 100 tỷ Yên kể từ năm tài khóa 2017.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Đồng ý đưa sân bay Gia Bình vào quy hoạch cảng hàng không Đồng ý đưa sân bay Gia Bình vào quy hoạch cảng hàng không

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đồng ý chủ trương điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bổ sung sân bay Gia Bình vào quy hoạch.