Dự án Nhổn - ga Hà Nội: Hoàn thành xây dựng, lắp đặt 8 nhà ga trên cao
Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết đã hoàn thành công tác xây dựng, lắp đặt tại 8 nhà ga trên cao tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội.
Tính đến thời điểm hiện tại, tiến độ thi công đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn-ga Hà Nội đạt 99,54%. Các công tác xây dựng và lắp đặt thiết bị tại 8 ga trên cao của dự án đã hoàn tất. Đồng thời, việc tháo dỡ toàn bộ hàng rào tôn bảo vệ trong quá trình thi công tại các công trường cũng đã được thực hiện.
Thông tin từ Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, các nhà ga trên cao có thiết kế tổng thể hình cánh chim hòa bình, bao quanh nhà ga là thảm cây xanh, được trồng và tưới nước tự động.
Mái nhà ga có kết cấu dạng chữ V với độ dốc tương đối lớn để có thể tự làm sạch khi trời mưa, giúp việc bảo dưỡng trở nên đơn giản hơn. Hệ kính mái được lựa chọn là loại kính cản nhiệt, chống tia UV bảo đảm việc cấp ánh sáng tự nhiên vào ban ngày, bảo vệ sức khỏe cho hành khách khi đứng đợi, lên xuống tàu ở tầng ke ga.
Hành khách có thể tiếp cận nhà ga trên cao bởi 4 lối lên xuống từ 4 hướng trên vỉa hè ở hai bên đường. Hệ thống thang bộ, thang cuốn và thang máy tiện lợi cho cả người khuyết tật, người cao tuổi, phụ nữ mang thai và trẻ em.
Về công năng, 8 nhà ga trên cao thuộc dự án có chiều cao khoảng 22,5m, chiều rộng khoảng 24m, nằm cách mặt đường 8m. Mỗi nhà ga được thiết kế với 3 tầng. Trong đó, tầng ke ga - nơi khách đợi, lên tàu, đi kèm với hệ thống chỉ dẫn các thông tin cho hành khách, hệ thống kiểm soát an toàn phục vụ vận hành.
Hiện tại, hệ thống thu vé được lắp đặt hoàn thiện tại tầng trung chuyển của 8 ga trên cao. Hệ thống được thiết kế theo tiêu chuẩn châu Âu, các thiết bị có xuất xứ chủ yếu từ Pháp.
Một số thiết bị của hệ thống là: Máy bán vé tự động (TVM), hệ thống cửa, máy bán vé đặt tại phòng vé (TOM), máy khởi tạo thẻ (CIM), thiết bị soát vé cầm tay (PCD)… Với hệ thống thu vé tự động AFC, khi đến ga bất kỳ của tuyến, hành khách có thể chọn mua nhiều loại thẻ, vé.
Tên gọi chính thức của 8 nhà ga được đặt theo vị trí địa lý mà tuyến đi qua, bao gồm: Nhổn, Minh Khai, Phú Diễn, Cầu Diễn, Lê Đức Thọ, Đại học Quốc gia, Chùa Hà, Cầu Giấy. Không chỉ đáp ứng yêu cầu về công năng, kỹ thuật, mỗi nhà ga trên cao còn được thiết kế hình ảnh riêng để quảng bá, tôn vinh văn hóa của Thủ đô.
Cũng theo đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội: Hiện tại, Dự án đã hoàn thành 3 gói thầu, bao gồm Gói CP01 - Tuyến đoạn trên cao, Gói CP02 - Các ga trên cao, Gói CP04 - Hạ tầng kỹ thuật Depot.
Tiến độ các gói thầu còn lại của Dự án như sau: Gói thầu CP05 - Các công trình kiến trúc khu Depot đạt 99,4%; Gói CP06 - Thiết kế, lắp đặt hệ thống đường sắt 1: Đầu máy toa xe, thiết bị Depot, CC/SCADA, tín hiệu, thông tin và cấp điện - đoạn trên cao đạt 99,6%; Gói CP07 - Thiết kế, lắp đặt hệ thống đường sắt 2 (E&M): Hệ thống kiểm soát môi trường, các thang máy và thang cuốn, hệ thống PCCC và hệ thống thoát nước - đoạn trên cao đạt 99,6%.
Gói CP08 - Thiết kế, cung cấp, lắp đặt hệ thống đường sắt 3: Đường sắt cho toàn bộ tuyến và các đường sắt trong Depot (bao gồm ray thứ 3) - tiến độ đoạn trên cao đạt 99,9%. Gói thầu CP09 - Hệ thống vé - tiến độ đoạn trên cao đạt 98,3%.
"Để tiến tới vận hành thử trước khi vận hành chính thức, Dự án đang tiến hành công tác đào tạo vận hành, đánh giá và báo cáo an toàn hệ thống, nghiệm thu", đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho hay.
Ngọc MỹBộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 33/2024/TT-BGTVT quy định về quản lý giá dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do trung ương quản lý.