Dự án tăng rau, giảm thịt siêu đáng yêu của học sinh Sài Gòn
Với những bài viết ngắn, hình ảnh dễ thương, Tofu Tree giúp người đọc hiểu được tầm quan trọng của môi trường cũng như tăng cường ăn rau, giảm thịt.
Lượng khí thải do ngành chăn nuôi động vật thải ra lớn hơn toàn bộ lượng khí do do các phương tiện giao thông vận tải trên thế giới cộng lại. Nếu chúng ta tăng cường ăn rau, giảm thịt không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn bảo vệ sức khỏe của chính bản thân bạn, giảm nguy cơ bị tim mạch, tiểu đường, béo phì, ung thư và còn nhiều loại bệnh khác nữa. Không chỉ vậy, khi ăn nhiều rau củ còn giúp mọi người tiết kiệm được tiền bạc cũng như thời gian chế biến.
Nhận thức được điều đó, được sự hỗ trợ của chương trình UPSHIFT do UNICEF và Saigon Innovation Hub (SIHUB) thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, cuối năm 2019, dự án Tofu Tree của nhóm học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (Q.1, TP.HCM) đã được triển khai thực hiện.
Kênh truyền thông Tofu Tree với những bài viết ngắn, hình ảnh dễ thương nhằm giúp người đọc hiểu được tầm quan trọng của môi trường cũng như tăng cường ăn rau, giảm thịt.
Đây là kênh truyền thông chia sẻ kiến thức cho giới trẻ về sử dụng thực phẩm xanh góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe. Dự án đã có tác động tích cực đến các bạn trẻ trong việc giảm thịt đỏ, tăng cường rau xanh trong bữa ăn hằng ngày. Từ đó, không chỉ làm giảm một lượng chất thải do ngành chăn nuôi thải ra môi trường mà còn bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Những chiếc túi vải xinh xắn do nhóm thiết kế để tặng cho các bạn học sinh nhằm giảm lượng túi nilong phát thải ra môi trường
Từ facebook, Tofu Tree đã thành lập fanpage mang tên Tofu Tree với những bài viết ngắn, hình ảnh dễ thương nhằm giúp người đọc hiểu được tầm quan trọng của môi trường cũng như tăng cường ăn rau, giảm thịt. Sau gần một năm xây dựng, fanpage mang tên Tofu Tree đã thu hút nhiều người quan tâm, theo dõi.
Qua từng ngày, từng tháng, fanpage Tofu Tree ngày càng hoàn thiện về mặt nội dung lẫn hình thức, được đầu tư kỹ lưỡng từ bài viết cho đến những video do nhóm thực hiện và sưu tầm. Bên cạnh việc truyền thông online, các thành viên của Tofu Tree còn tổ chức workshop và các sự kiện cộng đồng để phổ biến rộng rãi cho mọi người.
5 thành viên trong nhóm Tofu Tree kỳ vọng đề tài của mình sẽ góp phần hướng mọi ngượi có một chế độ ăn lành mạnh, bền vững hơn.
Theo chia sẻ của Ý Ngọc, trưởng nhóm dự án, để có được kết quả như hôm nay, Tofu Tree cũng vượt qua không ít khó khăn. “Khó khăn nhất với tụi em chính là việc làm sao để teamwork hiệu quả. Vì chỉ có bốn thành viên nên chỉ cần một người bận là ảnh hưởng đến toàn kế hoạch nhưng chúng em đều đang bận học thì việc sắp xếp thời gian chung để họp mặt là rất khó", Ngọc cho biết.
Bên cạnh đó, vì hầu hết các bạn học sinh đều chưa biết và chưa quan tâm về vấn đề ăn giảm thịt để bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, các bạn còn phải phụ thuộc nhiều vào gia đình nên chưa thể ăn giảm thịt theo ý muốn. Chính vì thế việc truyền thông trong giai đoạn đầu của dự án khá gian nan.
Nhóm Tofu Tree thuyết trình về dự án tại một sự kiện của UPSHIFT.
“Chúng em hy vọng dự án nhỏ này có thể góp phần làm thay đổi nhận thức của mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ trong việc giảm thịt vì môi trường và mở rộng hiểu biết của chính chúng em, những người thực hiện dự án. Mục tiêu quan trọng nhất chính là hướng tất cả đến một chế độ ăn lành mạnh, bền vững hơn, vừa bảo vệ sức khoẻ của chúng ta vừa tốt cho môi trường”, Ngọc Mỹ, thành viên trong nhóm, bày tỏ.
Dự án đã nhận được sự hỗ trợ của chương trình UPSHIFT với kinh phí tài trợ 1.000 USD. Bên cạnh đó, các bạn còn được SIHUB hỗ trợ về không gian tổ chức sự kiện trong thời gian tới. Ngoài ra, các thành viên còn nhận thêm 10 triệu đồng tiền tài trợ của ông Huỳnh Kim Tước (Giám đốc điều hành SIHUB) vì đề tài có tính sáng tạo, tác động tích cực đến xã hội.
Các thành viên trong nhóm Tofu Tree chụp hình lưu niệm cùng người hướng dẫn đề tài.
“Em mong là với dự án này, mọi người có thể nhận ra tầm ảnh hưởng to lớn của mình lên môi trường chỉ qua những hành động nhỏ bé hằng ngày. Thông qua những bài post trên fanpage chúng em cũng mong sẽ phần nào khuyến khích mọi người có một chế độ ăn “xanh” hơn, giảm lượng thịt tiêu thụ. Để bảo vệ môi trường, chúng ta không cần một người làm mọi việc hoàn hảo mà cần hàng nghìn, hàng triệu người cùng cố gắng", Khánh Minh, thành viên nhóm, chia sẻ.
Được tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2015, cho đến nay, UPSHIFT đã thu hút sự tham gia trực tiếp của hàng ngàn bạn trẻ và tiếp cận hàng chục ngàn người quan tâm trên cả nước. Các hội thảo về tư duy thiết kế và xác định vấn đề của UPSHIFT trong giai đoạn tiếp cận cộng đồng đã mang lại lợi ích cho hơn 5.000 thanh thiếu niên, bao gồm những người trẻ tuổi bị thiệt thòi, dễ bị tổn thương và khuyết tật.
Việc triển khai thành công nhiều mùa UPSHIFT qua các năm vừa qua đã giúp nhân rộng phương pháp tiếp cận này tại TP.HCM và những địa phương khác trên cả nước thông qua mô hình câu lạc bộ sáng tạo xã hội nhằm tiếp cận nhiều thanh thiếu niên hơn.
Trong năm 2019-2020, UPSHIFT đã trao tài trợ ươm tạo cho 5 dự án của 24 bạn trẻ, với mục tiêu chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.
Dự án UPSHIFT nằm trong khuôn khổ “Sáng kiến Thành phố thân thiện với trẻ em” đang triển khai tại TP.HCM, do SIHUB phối hợp với UNICEF tổ chức, hướng đến thanh thiếu niên từ 12 đến 24 tuổi trên địa bàn.
Chia sẻ về dự án UPSHIFT, ông Huỳnh Kim Tước - Giám đốc SIHUB cho biết, các dự án mà chương trình ươm tạo trong suốt 5 năm qua luôn mang đến cho ông rất nhiều cảm xúc.
“Chương trình đã giúp trang bị trí thức trong thời đại mới cho hơn 5.000 nhóm bạn trẻ, đặc biệt là tri thức sáng tạo, tri thức kinh doanh để sống và tồn tại cùng thế giới. Mục đích hướng tới của UPSHIFT cũng như của SIHUB là đưa chương trình đổi mới sáng tạo vào giảng dạy ở mọi cấp học tại TP.HCM cũng như Việt Nam, nhằm chuẩn bị cho những thế hệ trẻ tiếp theo có thể làm chủ sự sáng tạo, kinh doanh và trách nhiệm xã hội,” ông Tước chia sẻ.
Linh LinhCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.