Dự án trọng điểm quốc gia đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô giảm 8.000 tỷ đồng vốn đầu tư
Dự án đường Vành đai 4 đi qua Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Tổng mức đầu tư dự án trong giai đoạn phân kỳ là 87.098 tỷ đồng, giảm khoảng 8.700 tỷ đồng so với phương án được đưa ra tháng 1/2022.
UBND TP. Hà Nội vừa có Tờ trình số 27/TTr-UBND gửi Chính phủ về việc trình thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô.
Đây là lần thứ 3 trong vòng 6 tháng qua, UBND TP. Hà Nội gửi đề xuất tới Chính phủ liên quan đến dự án đường Vành đai 4 – vùng Thủ đô. Hai tờ trình trước đó của UBND TP. Hà Nội gồm Tờ trình số 173 được gửi đi vào tháng 8/2021 và Tờ trình số 2 được gửi đi vào ngày 6/1/2022.
Tại Tờ trình số 27, UBND TP. Hà Nội cho biết đã tiếp thu đầy đủ ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học tại cuộc hội thảo về Dự án được tổ chức vào ngày 14/2/2022, ý kiến của Hội đồng Thẩm định Nhà nước, ý kiến của các thành viên Hội đồng tại Thông báo số 12/TB-BKHĐT, ngày 24/2/2022.
UBND TP. Hà Nội kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô ngay trong Kỳ họp Quốc hội tháng 5/2022.
Theo đó, dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô có chiều dài 112,8 km (gồm 103,1 km đường Vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối cao tốc theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long). Dự án được chia thành 7 dự án thành phần vận hành độc lập và triển khai theo hình thức đầu tư công kết hợp đầu tư PPP, thay vì 3 dự án thành phần tại Tờ trình số 2.
Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 1.341 ha (trong đó, đất trồng lúa khoảng 816 ha), tiến hành giải phóng mặt bằng theo quy hoạch gồm 6 làn xe cao tốc và hệ thống đường song hành 2 bên, với chiều rộng mặt cắt ngang 120 m.
Để đảm bảo hiệu quả đầu tư, UBND TP. Hà Nội tiếp tục kiến nghị thực hiện phân kỳ đầu tư, trong đó, đầu tư trước phần đường cao tốc quy mô 4 làn xe, rộng 17 m đối với phần đường và 17,5 m đối với phần cầu. Tuyến đường có vận tốc khai thác 80 km/giờ này sẽ chủ yếu đi trên cao, ngoại trừ 37,43 km có nhu cầu liên kết ngang và phát triển quỹ đất hai bên không cao sẽ đi thấp.
Với phương án đầu tư nói trên, tổng mức đầu tư dự án trong giai đoạn phân kỳ là 87.098 tỷ đồng, giảm khoảng 8.700 tỷ đồng so với phương án được đưa ra tháng 1/2022. Trong số này, đơn vị chủ đầu tư dự kiến huy động từ ngân sách giai đoạn 2021 - 2025 là 32.514 tỷ đồng.
Ngân sách gồm 14.250 tỷ đồng ngân sách Trung ương và 18.254 tỷ đồng ngân sách 3 địa phương; ngân sách giai đoạn 2026 - 2030 là 24.240 tỷ đồng, gồm 14.125 tỷ đồng ngân sách Trung ương và 10.115 tỷ đồng ngân sách 3 địa phương; vốn nhà đầu tư là 27.531 tỷ đồng, tương đương 48% tổng mức đầu tư dự án thành phần hợp tác công - tư (PPP) và 32% tổng mức đầu tư dự án tổng thể.
Theo đơn vị lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự án tiến hành chuẩn bị đầu tư từ năm 2021 và dự kiến hoàn thành vào năm 2027, rút ngắn khoảng 1 năm so với đề xuất trước đó.
Trước đó, trong tờ trình hồi đầu tháng 1/2022, Hà Nội dự kiến chia dự án thành 3 dự án thành phần vận hành độc lập và triển khai theo hình thức hỗn hợp đầu tư công và đầu tư PPP.
Dự án đường Vành đai 4 có chiều dài 112,8km, trong đó qua TP Hà Nội 58,2km, Hưng Yên 19km, Bắc Ninh 25,6km và tuyến nối quốc lộ 18 dài 9,7km. Quy mô hoàn chỉnh gồm 6 làn xe cao tốc và hệ thống đường song hành hai bên, tuyến đường đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc với thiết kế 100 km/h
Sơ bộ tổng mức đầu tư trong giai đoạn phân kỳ là 95.425 tỷ đồng, bao gồm nhu cầu vốn ngân sách giai đoạn 2021 – 2025 là 34.806 tỷ đồng; nhu cầu vốn ngân sách giai đoạn 2026 – 2030 là 28.225 tỷ đồng; vốn nhà đầu tư PPP là 29.391 tỷ đồng (bằng 50% tổng mức đầu tư dự án thành phần PPP, bằng 31% tổng mức đầu tư dự án tổng thể); lãi vay là 3.003 tỷ đồng.
Tiến độ thực hiện mà UBND TP. Hà Nội đề xuất là chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2021, hoàn thành công trình vào năm 2028.
Đà Nẵng, Phú Quốc dẫn đầu top điểm đến được ưa chuộng dịp Tết Ất Tỵ 2025 với nhiều trải nghiệm đặc sắc thuyết phục du khách chọn “ăn tết” xa nhà hoặc tận hưởng năm mới theo cách riêng.