Dự báo CPI quý 1/2022 ở mức 2 - 2,1%
Trên cơ sở đánh giá diễn biến mặt bằng giá hàng hóa, dịch vụ trong thời gian qua, Bộ Tài chính dự báo Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 có thể tiếp tục ở mức cao, từ đó ảnh hưởng tới CPI bình quân quý 1/2022.
Theo đó, Bộ Tài chính dự báo CPI quý 1/2022 sẽ ở mức từ 2 - 2,1%. Mức dự tăng này vẫn nằm trong kịch bản lạm phát đã được báo cáo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá (dự báo CPI bình quân năm 2022 tăng trong khoảng 3,42 - 4,3%).
Theo ước tính của Bộ Tài chính, nếu giả định CPI các tháng còn lại tăng đều một tỷ lệ như nhau so với tháng trước thì trong 9 tháng còn lại, CPI mỗi tháng còn dư địa tăng 0,5% để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4%.
Để đạt được điều đó, mục tiêu trọng tâm là phải kiểm soát chặt chẽ giá các mặt hàng thiết yếu (xăng dầu, LPG; thép xây dựng, xi măng; dịch vụ vận tải; thức ăn chăn nuôi, thịt lợn, gạo; vật tư trang thiết bị y tế…) theo đúng quy định của pháp luật về giá.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trong cuộc họp mới đây đặc biệt lưu ý, trong điều kiện biến động khó lường, phải tăng cường biện pháp quản lý, các bộ, ngành, địa phương phải hết sức sát sao, nắm chắc tình hình, thực hiện các biện pháp điều hành giá linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, gắn với tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về giá.
Nhất là giá xăng dầu, mặt hàng xăng dầu trong nước hiện chịu áp lực lớn bởi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine và diễn biến giá thế giới.
Do đó, Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục triển khai các biện pháp điều hành để ổn định nguồn cung. Trên cơ sở nắm bắt dự báo, diễn biến giá xăng dầu thế giới để có phương án điều hành phù hợp.
Ngoài ra, cần sử dụng Quỹ Bình ổn giá hợp lý, linh hoạt để hạn chế mức tăng giá xăng dầu trong nước; địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, lợi dụng diễn biến giá xăng dầu để tăng giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý...
Bên cạnh đó, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng, áp lực lớn nhất của Việt Nam trong lúc này chính là việc kiểm soát nhập khẩu lạm phát để tránh gây tác động xấu đến kinh tế vĩ mô.
Cùng với đó, do giá xăng dầu tăng đã tạo áp lực lên các dịch vụ vận tải hành khách, hàng hóa đường bộ khiến các doanh nghiệp vận tải đều đang phải tính toán để tăng giá cước. Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố rà soát kê khai giá của doanh nghiệp để đánh giá việc tăng giá có phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào hay không, đặc biệt là chi phí xăng dầu trong các yếu tố hình thành giá. Đồng thời, tăng cường kiểm tra việc chấp hành niêm yết giá, của các doanh nghiệp; xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tăng giá bất hợp lý, thu cao hơn mức giá niêm yết.
Theo TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam, các mục tiêu kinh tế vĩ mô cần linh hoạt thích ứng, có thể theo hướng ưu tiên ổn định vĩ mô trong đó có kiểm soát lạm phát hơn là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Hay nói cách khác, có thể phải thay đổi mục tiêu giảm lãi suất bằng việc có thể tăng lãi suất điều hành để kiểm soát lạm phát, hoặc nới mục tiêu lạm phát 4% để phù hợp với diễn biến mới và có cách điều hành tương ứng.
Ngoài ra, cơ quan chức năng nên khuyến khích các nhà xuất khẩu tìm kiếm thị trường mới và đổi mới sáng tạo sang những sản phẩm mới thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) và hiệp định thương mại tự do (FTA) hiện có để nâng cao khả năng chống chịu của xuất khẩu. Giá cả hàng hóa thế giới đã tăng mạnh và còn có thể tiếp tục tăng trong ngắn hạn.
An MaiBáo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, ước giải ngân vốn đầu tư công của cả nước đến hết tháng 11 là 410.953,1 tỷ đồng, đạt 60,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.