Dự báo dư nợ tín dụng tăng 14,2% trong năm 2024
Theo khảo sát về tình hình kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) trong quý I/2024, dư nợ tín dụng của ngân hàng dự kiến sẽ tăng 4,4% trong quý này và tăng 14,2% trong cả năm, tăng cao hơn 04 điểm phần trăm so với dự báo trước đó là 13,8%.
Cũng theo đánh giá từ cuộc điều tra, mức lãi suất cho vay dự kiến sẽ tiếp tục giảm nhẹ, với kỳ vọng trung bình giảm khoảng 0,3%-0,4% trong quý I/2024 và giảm 0,2% trong cả năm 2024. Điều này cho thấy xu hướng giảm lãi suất huy động vẫn được duy trì trong thời gian tới, mang lại lợi ích cho các nhà đầu tư và người vay vốn.
Quý I/2024, tỷ lệ TCTD dự báo nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng “cải thiện” thấp hơn so với quý IV/2023, nhưng dự báo “cải thiện” mạnh hơn trong năm 2024, trong đó, nhu cầu vay vốn được dự báo “cải thiện” nhiều hơn nhu cầu tiền gửi và thanh toán, khác với diễn biến của năm 2023.
Theo nhận định của các TCTD, thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong quý IV/2023 tiếp tục duy trì trạng thái “tốt” và cải thiện tích cực hơn dự kiến. Các TCTD đánh giá tình hình thanh khoản trong năm 2023 dồi dào hơn so với năm 2022, dự báo sẽ tiếp tục dồi dào trong quý I/2024 và cả năm 2024.
Huy động vốn toàn hệ thống TCTD được kỳ vọng tăng bình quân 2,6% trong quý I/2024 và tăng 12,1% trong năm 2024, tương đương mức kỳ vọng tại kỳ điều tra trước.
Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được dự báo tăng 4,4% trong quý I/2024 và tăng 14,2% trong năm 2024, điều chỉnh tăng 0,4 đpt so với mức dự báo 13,8% tại kỳ điều tra trước.
Trái ngược với kỳ vọng giảm, kết quả điều tra kỳ này cho thấy các TCTD nhận định tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng trong quý IV/2023 tiếp tục xu hướng “tăng nhẹ”, nhưng được kỳ vọng sẽ “giảm nhẹ” trong quý I/2024.
Theo kết quả điều tra của Ngân hàng Nhà nước, tình hình kinh doanh và lợi nhuận trước thuế của hệ thống ngân hàng trong quý IV/2023 có sự cải thiện nhẹ so với quý trước, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức kỳ vọng tại cuộc điều tra trước đó.
Xét về tổng thể, các TCTD đánh giá tình hình kinh doanh trong năm 2023 chưa đạt được như kỳ vọng và đã điều chỉnh giảm mạnh kỳ vọng về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trước thuế so với mức dự báo tại cuộc điều tra trước.
Trong đó, có 78,6% TCTD dự đoán lợi nhuận trước thuế sẽ tăng so với năm trước, trong khi 17,9% TCTD dự đoán lợi nhuận sẽ tăng trưởng âm và 3,6% TCTD dự đoán sẽ không thay đổi.
Với tình hình kinh doanh và lợi nhuận trước thuế năm 2023 tăng trưởng ở mức thấp và chưa đạt được như kỳ vọng, các TCTD hy vọng rằng tình hình sẽ khả quan hơn trong quý I/2024 và cả năm 2024, nhưng lợi nhuận trước thuế có thể phục hồi chậm hơn so với tình hình kinh doanh.
Theo kết quả điều tra, 71,6% TCTD đánh giá các nhân tố nội tại đã giúp “cải thiện” tình hình kinh doanh của đơn vị trong năm 2023 và 81,8% TCTD kỳ vọng ”cải thiện” trong năm 2024, bên cạnh đó, 7,3% TCTD nhận định tổng thể các nhân tố nội tại làm ”suy giảm” tình hình kinh doanh của đơn vị trong năm 2023 và dự kiến cho cả năm 2024, chủ yếu là do nhân tố “Năng lực tài chính của đơn vị” (4,4-7,1% TCTD lựa chọn).
“Chính sách lãi suất, tín dụng, tỷ giá của đơn vị” tiếp tục được 71,4-72,6% TCTD đánh giá là nhân tố nội tại quan trọng nhất ảnh hưởng tích cực tới tình hình kinh doanh của đơn vị trong 3 quý liên tiếp cũng như cả năm 2023 và năm 2024 (80,5% TCTD lựa chọn).
Đối với các nhân tố khách quan, các TCTD đánh giá “Chính sách tín dụng, lãi suất và tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước” tiếp tục là nhân tố quan trọng nhất giúp “cải thiện” tình hình kinh doanh của TCTD trong quý IV/2023, cả năm 2023 và kỳ vọng cho cả năm 2024, sau đó đến “Cầu của nền kinh tế đối với sản phẩm dịch vụ của đơn vị” và “Điều kiện kinh doanh và tài chính của khách hàng”. Trong năm 2024, các TCTD kỳ vọng tất cả các nhân tố khách quan có tác động tích cực hơn so với năm 2023.
Huyền My (t/h)Theo Trung tâm Dự báo và Phân tích Kinh tế Độc lập (CEBR), với tốc độ phát triển nhanh, dự báo quy mô GDP của Việt Nam sẽ sớm vượt Singapore. Đặc biệt, năm 2025 có thể đánh dấu cột mốc Việt Nam gia nhập nhóm quốc gia có thu nhập trung bình cao.