Dự báo GDP nửa đầu năm 2024 có thể tăng 5,8-6,2%
Với kết quả đạt được từ quý I/2024, dự báo GDP quý II có thể đạt 5,9-6,3%, giúp GDP nửa đầu năm 2024 tăng 5,8-6,2% và cả năm 2024 có thể tăng 6-6,5%.
Đó là dự báo tại Báo cáo đánh giá về Kinh tế Việt Nam quý I và dự báo cả năm 2024 của TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV vừa công bố.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại nhưng lạm phát và lãi suất giảm, cùng với đà phục hồi nội tại và các nỗ lực cải thiện thể chế, môi trường đầu tư - kinh doanh của Quốc hội, Chính phủ, báo cáo của nhóm chuyên gia dự báo kinh tế Việt Nam trong quý II và cả năm 2024 sẽ tăng trưởng cao hơn trong khi lạm phát được kiểm soát trong mục tiêu.
Cụ thể, về tăng trưởng GDP, báo cáo nêu rõ, với kết quả tăng trưởng khá của quý I, các yếu tố rủi ro bên ngoài được dự báo và trong tầm kiểm soát; các động lực tăng trưởng (cả truyền thống và mới) được khai thác, phát huy hiệu quả cao hơn; kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, niềm tin của doanh nghiệp và người dân được củng cố...; tăng trưởng GDP quý II sẽ tiếp tục khả quan, có thể đạt 5,9-6,3%, giúp GDP nửa đầu năm 2024 tăng 5,8-6,2% và cả năm 2024 có thể tăng 6-6,5% (theo kịch bản cơ sở) đạt mục tiêu do Quốc hội và Chính phủ đề ra hoặc có thể khả quan hơn, khoảng 6,5-7% (kịch bản tích cực).
Về lạm phát, theo nhóm nghiên cứu, áp lực lạm phát năm 2024 dự báo sẽ ở mức cao hơn năm 2023 do yếu tố chi phí đẩy (trong đó, theo ước tính sơ bộ của Nhóm Nghiên cứu, lương tối thiểu vùng tăng 6% từ ngày 1/7/2024 sẽ khiến CPI năm 2024 tăng thêm khoảng 0,03 điểm %) và cả yếu tố cầu kéo (cung tiền và vòng quay tiền dự báo tăng cao hơn năm 2023 cùng với đà phục hồi của nền kinh tế).
Tuy nhiên, lạm phát năm 2024 sẽ vẫn trong tầm kiểm soát và không đáng quan ngại (CPI bình quân tăng khoảng 3,4-3,8% theo kịch bản cơ sở) nhờ tác động cộng hưởng của các yếu tố hỗ trợ kiềm chế lạm phát (giá cả và lạm phát toàn cầu đang hạ nhiệt, giá dầu dự báo ở mức tương đương hoặc chỉ tăng nhẹ so với năm 2023, cung tiền tăng song vòng quay tiền còn chậm, dự báo khoảng 0,7-0,9 lần, tỷ giá sẽ ổn định hơn và phối hợp chính sách ngày càng tốt hơn).
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô năm 2024 như dự báo, nhóm nghiên cứu đã đưa ra nhiều giải pháp như: đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, tạo môi trường thuận lợi cho thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô; tăng cường bình ổn, lành mạnh hóa thị trường tài chính, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tập trung vào phát huy các động lực tăng trưởng truyền thống; nâng cao hiệu quả trong điều hành, phối hợp chính sách; đẩy mạnh triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia và giải ngân đầu tư công; tập trung phục hồi và phát triển lành mạnh, bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản và thị trường vàng...
Minh An (t/h)Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.