Dự báo, Hà Nội sẽ có 1-2 đợt nắng nóng đặc biệt gay gắt
Từ nay đến cuối năm, Hà Nội có khả năng còn xảy ra các đợt nắng nóng (từ hai ngày trở lên); trong đó có 1-2 đợt nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt.
Từ nay đến cuối năm 2020, Hà Nội có khả năng xảy ra 8-10 đợt nắng nóng; trong đó có 1-2 đợt nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt, nhiệt độ cao nhất có thể đạt hơn 41 độ C.
Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia dự báo, nhiệt độ trung bình từ tháng 5 đến 10/2020 trên phạm vi toàn quốc phổ biến cao hơn TBNN, cùng thời kỳ khoảng 0,5-1 độ C; riêng tháng 5 tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng cao hơn từ 1-2 độ C.
“Dự báo này cũng phù hợp nhận định của Tổ chức Khí tượng thế giới và các trung tâm dự báo quốc tế. Đây là dấu hiệu cho thấy khả năng thiên tai năm 2020 sẽ phức tạp, khó lường”, ông Khiêm nhận định.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, mùa mưa bão năm 2020 trên khu vực Biển Đông có xu hướng hoạt động muộn hơn so TBNN. Sẽ có khả năng xuất hiện khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trên khu vực Biển Đông và khoảng 5-6 cơn trong số đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía nam trong những tháng cao điểm của mùa bão năm 2020.
Nằm trong bối cảnh chung của tình trạng biến đổi khí hậu (BĐKH), khu vực Bắc Bộ và Thủ đô Hà Nội từ nay đến cuối năm sẽ xuất hiện nhiều đợt nắng nóng, mưa lớn diện rộng kèm theo giông, lốc, mưa đá... Hà Nội có khả năng xảy ra 8-10 đợt nắng nóng (từ hai ngày trở lên); trong đó có 1-2 đợt nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt, nhiệt độ cao nhất có thể đạt hơn 41 độ C. Bên cạnh đó, từ nay đến cuối năm, khu vực Hà Nội có khả năng chịu ảnh hưởng 1-2 cơn bão hoặc ATNĐ. Thời gian ảnh hưởng của bão và ATNĐ tập trung vào các tháng 7, 8 và 9.
Khu vực Bắc Bộ, mùa mưa bão tập trung vào giai đoạn từ tháng 9-11, các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ mùa mưa bão tập trung từ nửa cuối tháng 9 đến hết tháng 11 và có thể kéo dài sang nửa đầu tháng 12/2020.
Ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia.
Tháng 6/2020 có nhiệt độ cao nhất trong suốt gần 50 năm
Theo thống kê từ Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, từ đầu năm 2020 đến nay, thiên tai tiếp tục diễn biến bất thường ở Việt Nam. Cụ thể, đã xảy ra 186 trận dông, lốc, mưa lớn trên 40 tỉnh, thành phố; 2 trận lũ quét, sạt lở đất; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại ĐBSCL.
Từ đầu năm đến nay, thiên tai đã làm 49 người chết, mất tích, trên 61.726 nhà bị sập đổ, hư hại, tốc mái; trên 108.458 ha lúa và hoa màu bị ảnh hưởng. Tổng thiệt hại về kinh tế gần 3.380 tỷ đồng (trong đó do dông lốc, mưa đá khoảng 879 tỷ đồng; do hạn hán, xâm nhập mặn khoảng 2.500 tỷ đồng).
Theo ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, ở Việt Nam, từ đầu năm 2020 đến nay, nhiều hiện tượng thời tiết, khí hậu bất thường như mưa to kèm dông lốc, mưa đá liên tục xảy ra ở các tỉnh phía Bắc, vào các thời điểm rất hiếm khi, thậm chí chưa từng xảy ra.
“Hạn hán, xâm nhập mặn tiếp tục diễn ra ở Nam Bộ, Trung Bộ. Nắng nóng trong tháng 5, 6 đều ở mức kỉ lục, tại miền Bắc nhiệt độ trung bình tháng 6 cao nhất từ năm 1971”, ông Khiêm thông tin.
Về nắng nóng, trên phạm vi toàn quốc, nhiệt độ trung bình từ tháng 7 - 9 phổ biến ở mức cao hơn nhiều năm cùng thời kỳ khoảng 0,5 - 1,0 độ C. Tháng 10 - 12, nhiệt độ ở Bắc Bộ và Trung Bộ phổ biến ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ khoảng từ 0,5 - 1,0 độ C. Riêng Tây Nguyên và Nam Bộ ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Các đợt nắng nóng còn xảy ra trong tháng 7 ở Bắc Bộ và tháng 7 - 8 tại khu vực Bắc và Trung Trung Bộ./.
Văn NgânCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.