Dự báo năm 2025, giá hạt tiêu vẫn duy trì mức cao do nguồn cung giảm
Hiệp hội hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) cho biết, trong 3 tháng đầu năm nay, giá hạt tiêu ở thị trường nội địa đã tăng 74% so với cùng kỳ năm 2024. Dự báo trong năm 2025, giá hạt tiêu vẫn duy trì mức cao do nguồn cung giảm.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), tính đến hết quý I năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu 47.660 tấn hạt tiêu, gồm cả tiêu đen và trắng. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 330 triệu USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong 3 tháng đầu năm nay, giá hạt tiêu ở thị trường nội địa duy trì mức cao từ 150.000 - 160.000 đồng/kg, tương đương tăng 74% so với cùng kỳ năm 2024. Đối với xuất khẩu, giá bình quân của quý I với tiêu đen là 6.695 USD/tấn, tăng 70% và tiêu trắng 8.601 USD/tấn, tăng 55% so với cùng kỳ năm trước.

Giá hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng. Ảnh: Internet
Trong số các thị trường xuất khẩu chính của hạt tiêu Việt Nam, đáng chú ý thị trường Trung Quốc nhập 2.034 tấn, tăng 88% so với cùng kỳ 2024 do nguồn dự trữ xuống mức thấp. Dù vậy, hoạt động xuất khẩu hạt tiêu qua Trung Quốc vào thời điểm hiện tại vẫn còn hạn chế do chính sách thắt chặt xuất khẩu qua đường biên mậu. Trong khi đó, các doanh nghiệp Trung Quốc lại không muốn nhập khẩu bằng đường biển.
Ngược lại, thị trường xuất khẩu lớn nhất của hạt tiêu Việt Nam là Mỹ chỉ đạt trên 10.000 tấn, giảm gần 33%. Xuất khẩu hạt tiêu sang Mỹ dự báo sẽ gặp khó do chính sách thuế đối ứng. Để giữ vững thị phần tại Mỹ như hiện nay là điều không dễ dàng nếu Mỹ áp mức thuế 46%. Trước sức ép đó, về dài hạn VPSA buộc phải tái cấu trúc hệ sinh thái xuất khẩu, phân bổ lại thị trường một cách linh hoạt hơn như hướng tới các thị trường EU, Trung Quốc, Ấn Độ, đồng thời tìm kiếm cơ hội tại những khu vực tiềm năng mới.
Bà Hoàng Thị Liên – Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam – nhận định, nếu kết quả đàm phán không khả quan, doanh nghiệp Việt có nguy cơ mất thị phần tại Mỹ vào tay Indonesia, Brazil. Do đó, doanh nghiệp cần chủ động tìm thị trường thay thế, đảm bảo chất lượng để cạnh tranh ở các khu vực khác, đặc biệt là EU.
Các báo cáo về xu hướng thị trường hạt tiêu toàn cầu cho thấy sản lượng tiếp tục giảm. Trong năm 2025, sản lượng thu hoạch giảm thêm 6,1%, đặc biệt tại một số quốc gia như tại Ấn Độ, Indonesia và Sri Lanka.
Nguyên nhân, do các lợi nhuận kinh tế từ trồng tiêu thấp, điều kiện thời tiết bất lợi và chi phí sản xuất tăng cao. Ngược lại, nhu cầu tiêu thụ toàn cầu dự kiến vẫn sẽ tăng nên giá hạt tiêu sẽ duy trì ở mức cao trong suốt năm 2025.
Huyền My (t/h)
Trong Quy hoạch điện 8 (QHĐ 8) được Chính phủ phê duyệt ngày 15/4/2025, ước tính Việt Nam cần nguồn vốn kế hoạch và định hướng lên đến 266,3 tỷ USD để phát triển nguồn điện và lưới điện truyền tải trong 10 năm tới.